Phóng to |
Những trái bưởi non thế này đã bị sâu hại tấn công - Ảnh: Thanh Xuân |
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi rộng trên 4.000m2 của gia đình với hàng ngàn trái bưởi non bị sâu đục trái tấn công, nhựa ứa ra ngoài vỏ, ông Huỳnh Thanh Hải (ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu) thở dài thườn thượt. Ông kể: “Từ trước Tết Nguyên đán tôi đã thấy sâu đục trên vỏ bưởi non, tưởng sâu hại thông thường nên tôi mua thuốc trừ sâu về xịt nhưng không hiệu quả. Sau khi đục vỏ, sâu tiếp tục ăn sâu vào bên trong”. Khoảng một tháng nay, sâu xuất hiện theo cấp số nhân và lan rộng trên toàn vườn bưởi nên ông Hải trở tay không kịp. Ông Hải cho biết mỗi năm gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng từ vườn bưởi và ông lo lần này nếu không diệt được sâu hại xem như trắng tay.
Khoảng 2 công vườn trồng bưởi của bà Nguyễn Thị Tư gần nhà ông Hải cũng chịu cảnh tương tự. Bà Tư cho biết: “Sâu gây hại trên vỏ bưởi còn bán được, đằng này nó tấn công vào cả phần múi bưởi chỉ có nước đem bỏ”. Do lo ngại sâu hại từ vườn bưởi phát tán sang vườn cam quýt sắp đến kỳ thu hoạch nên gia đình bà Tư phải đốn bỏ bớt một số cây bưởi bị sâu gây hại.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân ở hai xã Phú Hữu, Phú Tâm và thị trấn Mái Dầm của huyện Châu Thành cho biết ngoài thiệt hại thấy rõ là nguồn thu nhập từ vườn bưởi bị mất, tới đây người dân trồng bưởi sẽ tiếp tục gánh thêm khoản nợ vay ngân hàng, tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Ông Trần Hồng Đức, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, cho biết toàn huyện hiện có khoảng 1.200/1.600 ha diện tích trồng bưởi năm roi và da xanh của nông dân bị sâu đục trái tấn công (75% diện tích).
Theo ông Đức, tác nhân gây hại chủ yếu trên bưởi hiện tại là loài sâu đục trái có tên khoa học Cipestis sagittiferella moore, thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Sâu gây hại trong mọi giai đoạn, từ trái non đến trái chín. Vòng đời sâu hại từ 20-30 ngày. “Trái bưởi bị sâu tấn công nhiều sẽ rụng sớm, nhẹ thì lâu rụng, nhưng khi sâu đục tới phần múi sẽ làm tổn hại bên trong ruột bưởi, đồng thời trái bưởi dễ bị bội nhiễm một số nấm bệnh gây hại khác” - ông Đức nói.
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, ngoài việc vệ sinh vườn cây ăn trái, người dân cần hái những trái bưởi đã bị sâu tấn công và chôn sâu dưới lớp đất hoặc có điều kiện thì đốt bỏ. Tuyệt đối không được bỏ xuống đất hay xuống mương vì làm như vậy là tạo điều kiện cho sâu bệnh lây lan ra diện rộng. Người dân trồng bưởi có thể liên hệ với Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành để được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc phun ngừa sâu gây hại như: Regent 800 WG, Fastac 5EC, Vitako 40 WG, Cyrux 25 EC...
Theo ông Trần Quang Hành - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, hiện có đến hàng trăm hộ bị thiệt hại do sâu bệnh tấn công vườn bưởi. Phòng đang cử cán bộ theo dõi sát diễn biến tình hình sâu gây hại trên bưởi cũng như nắm chính xác số hộ bị thiệt hại. Tại các địa bàn chuyên canh trồng bưởi như: Phú Hữu, Phú Tân, thị trấn Mái Dầm, phòng sẽ tổ chức mỗi ấp một lớp tập huấn, đồng thời cử cán bộ xuống tận các ấp có diện tích trồng bưởi ít để phát tờ bướm, hướng dẫn người dân nắm vững cách thức phòng ngừa nhằm hạn chế lây lan sâu bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận