Buổi họp gia đình bàn cách thu xếp cho con đi học của gia đình ông Phi khi có thêm con gái thứ ba là Y Thơ (áo trắng, ngồi ngoài cùng bên phải) đậu ĐH - Ảnh: QUỐC NAM
Ông Dương Công Phi, một nông dân thuộc diện hộ nghèo ở vùng trung du thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa "phải" nhận tin vui. Con gái thứ ba của ông, em Dương Thị Y Thơ vừa nhận kết quả trúng tuyển vào trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế).
Biết con đậu ĐH, hơn tuần nay tóc ông như bạc nhanh hơn. Không bạc sao được khi Y Thơ sẽ là người thứ ba bước vào giảng đường. Con trai đầu của ông là Dương Công Cường sắp bước vào năm thứ 4 tại ĐH Quy Nhơn. Con gái thứ hai là Dương Thị Quỳnh Như cũng sắp bước vào năm ba ĐH Khoa học Huế.
Đó là chưa kể sau Y Thơ còn ba đứa em khác. Một đứa sắp vào lớp 11, đứa sắp lên lớp 9, đứa út lên lớp 6. Sự học của cả 6 anh em bây giờ đặt lên vai ông Phi khi mấy năm nay bà Lê Thị Trang, vợ ông bị suy kiệt cơ thể do lao động nặng quá nhiều, chỉ có thể làm việc lặt vặt trong nhà.
Cuộc "họp" căng thẳng
Chúng tôi đến đúng lúc cả đại gia đình ông Phi đang ở nhà. Nói là nhà của 8 người ở, nhưng rộng chỉ hơn phòng trọ cái gian bếp. Tài sản trong nhà, ngoài hai chiếc giường ghép bằng ván, chỉ có một chiếc ti vi cũ mèm được một người bà con cho mấy năm trước.
Hai cửa vào của ngôi nhà thì một cửa được gia cố thêm một bao gai vốn là bao đựng thức ăn chăn nuôi cho gió khỏi lùa qua chỗ hở. Một cửa bên thì chính là miếng ván ép cũ xỉn màu xin của hàng xóm rồi buộc dây lại thành cửa.
Bốn bức tường đều chỉ là bờ lô thô, một vài chỗ tường bị vỡ thành hố sâu như cái tô lớn cũng không kịp vá lại. Phòng khách của ngôi nhà chính là bờ hiên che tạm ngay bên cạnh mép tường phía ngoài. Ở đây có một chiếc giường tre, một chiếc bàn nhỏ và hai chiếc ghế nhựa.
Bữa trưa đến. Mâm cơm được dọn ra đạm bạc ngay trên chiếc giường tre ngoài bờ hiên. Đây là nơi cả nhà ngồi ăn cơm kể từ khi nghỉ hè. Vì khi mấy đứa con về nghỉ hè thì chỉ có chỗ này mới đủ rộng cho cả 8 người cùng ngồi ăn cơm. Bữa cơm hôm nay với gia đình ông Phi cũng đặc biệt hơn những bữa cơm khác.
Các con vừa ăn xong, ông Phi kêu cả vợ và 6 đứa con nán lại quanh chiếc giường. Ông vào lục lấy tờ giấy chứng nhận hộ nghèo của gia đình ra.
Im lặng vài giây, ông bật ra từng lời như run run nhưng chắc nịch: "Chắc mấy đứa con cũng đã biết rõ hoàn cảnh nhà mình. Giờ chỉ còn mình ba là lao động chính trong nhà. Trong khi năm ni thêm bé Thơ vào ĐH nữa là ba đứa cùng học ĐH, với thêm ba đứa học cấp hai, cấp ba nữa. Ba chưa biết phải tính răng (làm sao)".
Cả nhà im lặng nhìn nhau. Không gian như trĩu nặng. Phải mất vài phút sau bà Trang mới tiếp lời. Bà Trang nói tiền vay sinh viên hiện chỉ đủ lo học phí. Mà mấy tháng nữa mới nhận được. Sinh hoạt phí hàng tháng mỗi đứa học xa nhà ít nhất cũng phải từ 1,5 đến 2 triệu. Ba đứa học ở nhà cộng lại cũng thêm một khoản lớn nữa. Nhất là giai đoạn đầu năm học.
Nhìn cả 6 đứa con, bà Trang nhẩm tính với 6 đứa cùng nhập học thì đầu năm phải có ít nhất trên chục triệu bạc mới đủ trang trải. "Tháng ni lại mưa bão đến gần chục ngày ba không đi mần chi được. Tiền mô mà cho con giắt lưng đi học đủ được đây?" - ông Phi chép miệng thở dài.
Gắng sức vì con
Ông Phi cũng như nhiều người đàn ông ở vùng trung du này, không có nghề nghiệp gì khác ngoài làm vài ba sào ruộng. Cũng may trời cho sức khỏe nên ông làm thêm nghề "thợ đụng". Mấy năm qua ông làm quần quật. Ai thuê chi ông cũng làm. Từ theo những tốp thợ hồ đến leo lên dãy Cu Lơ cao vút để cuốc hố trồng cây ông cũng không nề hà.
Mấy năm trước bà Trang còn sức khỏe cũng theo chồng làm thuê đủ nghề như thế để nuôi con. Rồi sức vóc của người phụ nữ nhỏ bé không thể trụ nổi trước những công việc quá nặng nhọc. Bà bị kiệt sức phải nhập viện cấp cứu mấy lần. Từ đó bà không thể làm việc nặng được nữa mà chỉ quanh quẩn trong nhà lo cơm nước.
Tháng nào bà cũng phải nhập viện vài lần vì trái gió trở trời. Bà gục ngã đúng lúc con bắt đầu vào ĐH. Từ đó đến nay, một mình ông Phi phải lo gánh sự học của 6 đứa con. Con càng học lên lớp cao thì lưng người cha này càng trĩu xuống.
Điều an ủi nhất đối với vợ chồng ông Phi là cả 6 đứa con đứa nào cũng học khá giỏi. "Tài sản lớn nhất trong nhà tui chính là 6 đứa con và hàng giấy khen treo trên bức tường trong kia. Và đây mới chỉ là một phần nhỏ. Còn phần lớn đang được cất trong rương vì tường nhỏ quá không có chỗ treo" - ông Phi cười vẻ đầy tự hào.
Đây là lần hiếm hoi ông Phi nở nụ cười trong suốt cả buổi từ khi chúng tôi đến. Trong ba đứa lớn sắp vào nhập học thì Cường là anh cả. Cường nói mấy năm nay khi học tại Quy Nhơn em cũng tranh thủ đi giữ xe kiếm thêm được ít tiền phụ cho ba mẹ. Năm học tới là năm cuối, nhưng Cường nói sau khi vào nhập học cũng sẽ trở lại công việc này.
Riêng Y Thơ, dù có thân hình khá gầy nhưng em vẫn nói với ba khi vào Huế sẽ kiếm việc kiếm thêm tiền cho ba bớt khổ. "Mẹ em vì làm việc quá sức mà giờ như ngồi một chỗ. Giờ không đỡ đần cho ba thì sợ ba gắng sức quá lại bị như mẹ nữa thì cả nhà không biết mần răng" - Thơ nói trong nước mắt.
Nghe con nói, ông Phi xúc động lắm. Nhưng ông cố giấu sự xúc động bằng cách quay ra xếp đồ chuẩn bị đi ra công trường cùng bạn thợ. "Chỉ còn mấy ngày nữa là ba đứa đi học rồi" - ông bỏ lửng câu nói, đội chiếc mũ tai bèo còn dính xi măng và chạy đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận