Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại diện doanh nghiệp tại hội nghị - Ảnh: VGP |
Nhưng thực tế có không ít kiến nghị từng được nêu nhiều lần, do giải quyết chưa thấu đáo nên doanh nghiệp lại phải kêu với Thủ tướng.
Điển hình trong các vấn đề cũ là chuyện thanh tra doanh nghiệp một lần/năm đã được định hướng trong nghị quyết của Chính phủ, nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn lấn cấn và không ít nơi chưa triển khai.
Khi các vấn đề được doanh nghiệp nêu nhưng chưa được giải quyết thấu đáo từ các cơ quan liên quan, chuyện trên bảo dưới không nghe vẫn tồn tại thì trong những cuộc đối thoại, Thủ tướng sẽ phải nghe nhiều câu chuyện cũ, ít những hiến kế, để cùng bàn về những vấn đề lớn mang tính chiến lược trong phát triển nền kinh tế đất nước.
Có lẽ điều mà Thủ tướng mong mỏi nhất là sau mỗi buổi đối thoại, những khó khăn, ngổn ngang của doanh nghiệp sẽ bớt đi, chứ không phải năm nào cũng chỉ nói những vấn đề bức xúc.
Bởi có bớt đi thì doanh nghiệp mới không phải đau đầu, mất thời gian và tốn kém nguồn lực để đối phó với những phiền hà gây ra từ cơ quan quản lý nhà nước. Sau cuộc đối thoại cách nay một năm, tình hình đã được cải thiện.
Nhưng cuộc sống luôn đòi hỏi, yêu cầu cao hơn, lớn hơn. Đó là cần giải quyết từ gốc giúp doanh nghiệp tránh những biến tướng, gánh nặng từ thủ tục hành chính, nhũng nhiễu của cán bộ quản lý.
Có thế, doanh nhân mới có thể dốc toàn lực, suy nghĩ những vấn đề lớn hơn nhằm phát triển cơ ngơi của mình, sau nữa là nghĩ đến những chiến lược tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, không chỉ thắng trên sân nhà mà còn vươn ra thế giới.
Các cơ quan quản lý đã được yêu cầu phải vào cuộc với tinh thần “Chính phủ kiến tạo”. Tinh thần đó phải là rất khẩn trương, quyết liệt và thực tâm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Sau hội nghị, Thủ tướng đã chủ trì họp với lãnh đạo các bộ ngành giải quyết ngay một số vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và họp báo công bố. Có lẽ đây là mô hình tốt, cần áp dụng cho tất cả cuộc đối thoại ở các cấp bộ ngành, địa phương.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp là cơ hội để tăng cường hiểu biết giữa chính quyền với doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ, quyết tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Nhưng một hội nghị không thể giải quyết hết mọi vấn đề. Quan trọng là tạo hành lang pháp lý, cơ chế để những kiến nghị được tiếp nhận, giải quyết nghiêm túc.
Muốn thế, cần tập trung vào trách nhiệm người đứng đầu. Bởi theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, nhiều bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi nhận thức, cơ chế chính sách.
Sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, để thực sự có sự thay đổi, bên cạnh việc ra chỉ thị, có lẽ cần thiết phải có cơ chế báo cáo, giám sát và công khai việc giải quyết các thắc mắc, bức xúc, khó khăn của doanh nghiệp.
Sau đối thoại phải là hành động. Hành động để xóa bỏ những khiếm khuyết trong chính sách và quản lý. Hành động để bớt đi những tiếng kêu lên Thủ tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận