TTCT - Có những chấn thương sẽ dai dẳng, và nhiều người sẽ không được phép quên điều mình đã làm. Minh họaĐại dịch COVID-19 vừa giống một cơn bão lại vừa không. Trong cơn bão, bạn tập trung nhiều vào gió, mưa và sinh mạng. Núp trong hội trường hay trong chính nhà mình, bạn nghe tôn bay, cây đổ, nhưng mọi thiệt hại vẫn không thể rõ ràng bằng khi cơn đã tan, bạn đứng trước đống ngổn ngang và không biết phải bắt đầu từ đâu.Đại dịch này cũng thế, trong lúc nó quần thảo và chúng ta phải chôn chân trong nhà, bức tranh tổn thất mà ta thấy chỉ là từng mảng nhỏ lốm đốm. Nhưng khác với bão, khi COVID-19 tạm lui, ta không thể lập tức lao ra ngoài để kiểm kê thiệt hại một lần cho xong. Bức tranh mất mát hiện hình dần, hiện trạng tang thương vẫn chưa chịu bộc lộ hết. Ta phải phập phồng sống với một câu hỏi: “Còn thiệt hại gì nữa không?”.Vì thế không lạ gì khi các hoạt động được nới lỏng, nhiều người đêm trước còn tưởng tượng ngày mai mình sẽ ra đường làm gì cho “đã đời”, đến hôm sau đã bần thần không muốn làm gì, không biết phải làm gì. Sức khỏe tinh thần rõ ràng không phải là một mái tôn, khi hết bão cứ lợp lại là xong hết. Mất mát về tinh thần cũng không dễ kiểm kê như số cây đổ trong vườn. Việc chữa lành rõ ràng là cần một thời gian, và việc đầu tiên là điểm qua các chấn thương tâm lý - đúng là như vậy - của số đông những người đã không thể tìm thấy trong đại dịch này thứ gì tương tự “trong nguy có cơ”.MIẾNG ĂN XA DẦNNhiều người tỏ ra không thể hiểu nổi vì sao đã có “bình thường mới” rồi mà kẻ khác vẫn mang tâm trạng u ám. “Đi làm đi chứ!” họ sốt ruột khi thấy xung quanh vẫn có những người tiếp tục ngồi nhà. Có lẽ họ không biết, khi phong tỏa được gỡ bỏ, có những doanh nghiệp làm không hết việc, nhưng có những doanh nghiệp chưa được mở lại ngay, hoặc đã quá “đuối” để mở lại, hoặc không bao giờ có thể mở lại.Mất việc và giảm lương sau dịch đẩy người lao động vào một cuộc chạy đua mệt mỏi khác, đôi khi là chạy lại từ đầu. Có người phải chuyển nghề, có người chuyển chỗ làm. Theo The Conversation, đại dịch đã cắt đứt của người lao động khả năng duy trì những mối quan hệ xã hội, những vai trò xã hội vốn mang lại cho họ “một cấu trúc đời sống có ý nghĩa” trước COVID-19. Một người quản đốc oai phong mất việc và trở thành lính mới của một công ty. Một chủ nhà hàng nhộn nhịp phá sản và lâm cảnh nợ nần. Mỗi người, dù ý thức hay không, đều cố xây dựng những bậc thang để tiến lên trong xã hội. COVID-19 trong hai năm đã giật sập những bậc thang ấy của rất nhiều con người.Lại có những thắc mắc khác, rằng làm việc bao nhiêu năm thế vậy tiền tích lũy đâu, chẳng lẽ có vài tháng phong tỏa mà đã khốn đốn vậy sao? Nhưng chẳng phải đa số chúng ta đều sống và phát triển nhờ niềm tin rằng một việc chắc chắn “sẽ xảy ra” trong tương lai sao: lương chắc chắn sẽ tới vào đầu tháng, tiền thuê nhà chắc chắn có như hợp đồng đã ký, lãi tăng do bán đất chắc chắn dư trả lãi ngân hàng...? COVID-19 là cơn cuồng phong đốn gục từng gốc một của rừng cây chắc chắn ấy.Tuy mỗi vùng địa lý trên thế giới chỉ bị phong tỏa ngặt nghèo trong vài tháng, nhưng cơn bão ấy đã quần thảo toàn cầu suốt hai năm, và thế giới phẳng này chưa bao giờ kết nối nhau chặt chẽ đến vậy; chuỗi cung ứng và tiêu thụ nối nhau nhịp nhàng và nhạy bén như một mạng nhện - một đầu này run rẩy và cả một mạng lưới run theo. Sự mất mát thật sự đã diễn ra từ cách đây hai năm và cứ thế ngày càng tăng, là phép cộng dồn của mọi mất mát rồi chia đều, đổ lên đầu từng người, không chừa một ai. Anh xe ôm hay chị chủ nhà hàng, về mặt kinh tế đều khốn đốn như nhau.THẤT NGHIỆP TRÁ HÌNHĐó là chưa nói tới “thất nghiệp trá hình”, là khi người lao động có làm việc đấy mà cái thu về gần như bằng 0, hoặc tình trạng nhiều người mà ít việc khiến “một bộ phận không nhỏ” ngồi chơi xơi nước. Họ có thể là những nông dân không bán được nông sản do giao thông đình trệ và chuỗi cung ứng đứt, đành vứt bỏ thành quả suốt cả mùa mục thối trên đất hoặc ẩm mốc trong kho. Họ cũng có thể là các nhân viên vẫn ăn lương tối thiểu của doanh nghiệp nhưng mỗi tuần chỉ chia ca đến làm một chút... Con số “thất nghiệp trá hình” ấy không được thể hiện trong các bảng thống kê vì họ vẫn có việc mà! Gạt qua một bên những kẻ lười nhác quả thực chỉ muốn nằm dài nhưng vẫn mang danh đi làm, còn thì cái sự làm việc cầm chừng, không thấy bản thân mình được “sống cho ra sống, làm cho ra làm” sẽ khiến người ta trầm cảm, như cỗ máy bực mình cứ phải chạy ì ì dưới công suất.Trước COVID-19 ta đã có bao nhiêu người “thất nghiệp trá hình”? Khi mở cửa trở lại, con số ấy chắc chắn sẽ còn tăng nếu các mối nối vẫn bị đứt gãy, khâu này chờ khâu kia. Lượng người đổ về nông thôn sau một cơn kinh hoàng nơi thành phố lớn cũng sẽ góp phần cho con số ấy phình lên. Họ về quê, nghĩ mình sẽ làm ruộng, làm phụ nề, sẽ buôn bán đủ sống. Nhưng chúng ta đều biết, thành phố không chỉ là tiền lương, tiền công mà còn là cơ hội. Bạn ra thành phố là tiếp xúc với hàng chục cơ hội: bạn có thể là lái xe, là người chăm cây cảnh, là thợ cắt tóc, đi học lên thành kỹ sư..., tùy bạn. Nhưng quay về nông thôn, bạn có rất ít lựa chọn và công việc không nhiều. Với con người nói chung, chúng ta đều biết vấn nạn khi quá thừa thời gian là gì rồi, đặc biệt là nông thôn. Và khủng hoảng hậu COVID e rằng sẽ còn kéo dài, lan đến cả những nơi tưởng là xa xôi, êm đềm nhất. MHCHẤN THƯƠNG VỀ ĐẠO ĐỨCTrong một bài viết trên The Atlantic, tác giả Jonathan Moens nói đến một vấn đề tâm lý hậu COVID-19. Ấy là khi bão qua rồi, người ta mới có thời gian ngẫm nghĩ lại những việc mình làm. Một số người sẽ cảm thấy ân hận vì đã có lúc không lao vào cứu một người đau ốm do quá sợ hãi COVID-19; một số người sẽ băn khoăn sao lúc chống dịch mình có thể cứng nhắc đến thế, “hành” người ta đến thế mà thực tâm mình không “ác” thế.Các nhà tâm lý học gọi đó là “chấn thương đạo đức”, là dai dẳng mang cảm giác xấu hổ, có lỗi, mất định hướng sau khi chính mình đã vi phạm nguyên tắc đạo đức của mình. Người ta thường sẽ thể hiện chấn thương này bằng cách quy tội cho quy chế, tổ chức đã buộc họ phải ra những quyết định khó khăn ấy. Tác giả kể một ví dụ là nữ điều dưỡng Turner của một bệnh viện ở San Francisco. Vào đúng Ngày của mẹ, Turner theo đúng quy định đã không cho một người phụ nữ vào vĩnh biệt bà mẹ đang hấp hối. “Tôi làm đúng theo những gì ghi trên giấy tờ, nhưng liệu đó có phải là việc mà một người tử tế sẽ làm không? Không... Giờ tôi nghi ngờ chính mình: mình có phải là người tốt không?”.Những người mang chấn thương đạo đức nặng nhất lại chính là những người bản chất tốt đẹp, nhưng lúc dầu sôi lửa bỏng đã không biết uyển chuyển để làm dịu lòng những người mà mình buộc phải đối xử cứng rắn. Có bao nhiêu người giờ đây đang ân hận vì đã không thể nói một câu tử tế hay nhắn một dòng tin cho thân nhân người bệnh được yên lòng? Có bao nhiêu người giờ đang tiếc phải chi lúc đó mình đừng ra quy định nghiệt ngã? Chắc chắn phải có chứ, và ta tin rằng họ cắn rứt thành thật. Theo bài báo, một khảo sát mới đây cho thấy tại Mỹ, nhân viên y tế là những người chịu chấn thương này nhiều nhất sau đại dịch, khoảng 1/4 trong số họ nói muốn nghỉ hưu sớm và 12% đang tính đổi nghề.LO LẮNG VỀ HỌC HÀNHSẽ vô cùng thiếu sót nếu ta không tính tới thành phần cần “chữa lành” về tâm lý sau COVID-19: học sinh. Chớ nên thấy chúng ngồi trước màn hình, lén lút nhảy sang các trang khác xem các thứ linh tinh mà nghĩ rằng chúng được hưởng toàn là lợi ích từ việc học trực tuyến. Với trẻ con, nhu cầu tiếp xúc thật sự giữa bạn bè với nhau là rất cao. Nhận định về những mất mát của trẻ con trong đại dịch, UNESCO cho biết khi các trường học đóng cửa, thanh thiếu niên bị tước mất các cơ hội phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Điều này càng rõ với học sinh nghèo khi ngoài trường học chính thống cũng chẳng còn môi trường giáo dục nào khác. Trường học là “tụ điểm” của hoạt động xã hội và giao tiếp người với người. Đó là một xã hội hẳn hoi: có người cao người thấp, có tên bắt nạt, có kẻ anh hùng. Trẻ con dùng trường học làm nơi ướm thử những hình mẫu mình muốn có: là tiểu thư hay cô gái năng động? Là tên láu cá hay chàng công tử? Trường học đóng cửa, đóng luôn sân khấu các phép thử sai về kỹ năng giao tiếp của trẻ con. Trong gia đình, thiếu niên là phận thấp bé nhất, chúng không thể than vãn và khả năng diễn đạt của chúng cũng chưa đủ để mà than vãn cho đúng mức độ, vì thế những mất mát về mặt tinh thần của chúng dễ bị bỏ qua. Ta nghĩ đơn giản: giao cho chúng cái máy là xong hết ấy mà!Chưa kể, theo The Conversation, nghiên cứu mới cho thấy khi quay trở lại trường vào tháng 9, hầu hết kiến thức của học sinh Mỹ đều tụt hậu mất vài tháng (và có em là cả năm) so với giá như vẫn được lên lớp bình thường. Ở nước ta chắc chắn lại càng thế, mặc dù ngành giáo dục đã tìm mọi cách xoay xở. Có những gia đình không có Internet, máy tính hay điện thoại riêng cho từng đứa con... Gánh nặng tụt hậu này sau đó giáo viên phải gánh: ta có thêm một thành phần nữa bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài sau đại dịch.PHẢI LÀM GÌ?Vẫn biết thời gian là thuốc tiên, cái gì rồi cũng quên bớt, cả sự bất an rồi cũng tìm cách về trạng thái bình an, nhưng đặc ân đó có lẽ chỉ nên dành cho người dân thường, khi hoàn cảnh họ rơi vào là bất khả kháng.Ngược lại, nhà quản lý thì không nên và không được phép quên những gì đã trải qua. Người thường nếu muốn lành mạnh đi tiếp thì nên tránh nghĩ mãi về những mất mát của riêng mình; nhưng nhà quản lý để trưởng thành và hợp đạo đức thì mỗi ngày đều nên nghiền ngẫm lại những mất mát của người dân, kiểm điểm một cách chân thành (cho dù là chỉ với bản thân) rằng quyết định nào đáng lẽ không nên đưa ra trong thời gian dịch, và rằng ta đã và đang làm gì khiến người dân thêm khổ sở.Bởi vì đại dịch COVID-19 đã lui bớt, nhưng chẳng có gì đảm bảo là một đại dịch khác sẽ không diễn ra. ■Người thường nếu muốn lành mạnh đi tiếp thì nên tránh nghĩ mãi về những mất mát của riêng mình; nhưng nhà quản lý để trưởng thành và hợp đạo đức thì mỗi ngày đều nên nghiền ngẫm lại những mất mát của người dân, kiểm điểm một cách chân thành (cho dù là chỉ với bản thân) rằng quyết định nào đáng lẽ không nên đưa ra trong thời gian dịch, và rằng ta đã và đang làm gì khiến người dân thêm khổ sở. Tags: Tâm lýĐại dịchChấn thươngĐạo đứcTinh thầnĐời sốngThương tổn
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.
Xe buýt lao qua đường tông xe máy và xe đạp, hai người nhập viện MINH HÒA 23/12/2024 Sáng 23-12, xe buýt chạy trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ lao qua làn đường ngược lại tông xe máy và xe đạp.