Bệnh nhân L.T.L. nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trưa 30-7, bác sĩ Lê Minh Hoan - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết bệnh viện vừa cứu sống 1 bệnh nhân nữ nhiễm trùng máu nặng do cắt lể ở một thầy lang trong vùng.
Trước đó, khi phát hiện chị L. đau nhức và sưng to vùng đầu gối chân phải, gia đình cho rằng đó là "huyết giận" nên đưa chị L. đến thầy lang trong vùng để cắt lể.
Sau khi cắt lể, chị L. không những không đỡ mà còn sốt cao hơn, huyết áp tụt.
Thấy vậy, gia đình đưa chị L. đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa điều trị.
Tại đây, các bác sĩ tìm thấy trong máu bệnh nhân L. có vi khuẩn staphylococus epidermidis. Đây là loại tụ cầu thường gây nhiễm trùng da, niêm mạc và nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân sau đó được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh để được điều trị.
Trước tình trạng sức khỏe của bệnh nhân diễn biến xấu, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật 2 lần, dò theo các lỗ của vết cắt lể để loại bỏ mủ, các dịch viêm và nạo bỏ các tổ chức hoại tử.
Các bác sĩ cho biết sắp tới chị L. cần phải phẫu thuật thêm 1 lần nữa để khâu và vệ sinh vết thương.
Theo bác sĩ Lê Công Hoan, cắt lể, giác hơi hay giác lể mỗi khi đau nhức toàn thân hoặc một vài vị trí trên cơ thể là thói quen dân gian.
Thời gian qua, đã có nhiều bệnh nhân gặp phải tai biến như nhiễm trùng huyết do tụ cầu, uốn ván, xuất huyết tủy sống, chén ép tủy gây liệt tứ chi… khi đi cắt lể, giác hơi, giác lể.
"Bất kể khi nào thấy có biểu hiện nhiễm trùng như sưng, nóng đỏ, đau trên cơ thể thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa khám để được tư vấn chứ không nên đi cắt lể. Khi vi khuẩn đã xâm nhập vào máu sẽ rất khó chữa", bác sĩ Hoan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận