Lục Vân Tiên (Dương Cường) lần đầu gặp Kiều Nguyệt Nga (Lê Phương) trong vở Tiên Nga - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tiên Nga - tên của vở diễn - là sự kết hợp tên hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga trong truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ đất Bến Tre Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888).
Để Lục Vân Tiên lên sân khấu thành Tiên Nga là một quá trình đóng góp biên soạn của NSND Năm Châu, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung (con gái NSND Năm Châu), sau cùng là NSƯT - đạo diễn Thành Lộc chấp bút biên kịch.
Một sự hợp tác mà đạo diễn Thành Lộc tỏ ra rất tâm đắc: "Đông tay vỗ nên kêu"!
NSUT Thành Lộc đảm nhận vai trò làm người dẫn chuyện trong vở kịch Tiên Nga - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dàn diễn viên của sân khấu kịch IDECAF gồm NSƯT Hữu Châu (cha Võ Thể Loan), Lê Khánh (Kim Liên), Bạch Long (cha Bùi Kiệm), Đình Toàn (Bùi Kiệm), NSƯT Thành Lộc (Đồ Chiểu)... đã hóa thân ngọt vai bên cạnh hai diễn viên trẻ Dương Cường và Lê Phương cũng thành công với vai diễn Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
Với Lê Phương, sự đằm thắm và giọng hát ấm áp khi vào vai Kiều Nguyệt Nga thủy chung son sắt khiến cô nhận được nhiều thiện cảm.
Làm mới nàng hầu Kim Liên
Vở nhạc kịch vẫn bám nội dung nguyên tác Lục Vân Tiên với những câu chuyện nhân nghĩa theo chuẩn mực Khổng giáo, thể hiện trong hai câu thơ ở phần mở đầu truyện: Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
Đó là hình ảnh Vương Tử Trực mắng cha con Võ Thể Loan bội bạc nhân nghĩa. Hình ảnh Kiều Nguyệt Nga chung thủy, ôm tranh vẽ thờ chồng giữa chốn rừng sâu...
Nhưng có một nhân vật được những người làm vở chọn một cách tiếp cận khác với nguyên tác văn học, đó là Kim Liên.
Trong nguyên tác văn học, nàng hầu Kim Liên chỉ đóng giả Kiều Nguyệt Nga để cống cho vua Phiên. Còn ở nhạc kịch Tiên Nga, Kim Liên được đẩy lên như một nhân vật yêu nước, căm hận giặc ngoại bang nên ra tay hành thích vua Phiên.
Một nàng hầu liễu yếu đào tơ bỗng dưng trở thành thích khách thật ra cũng không làm khán giả... dễ tin lắm! Nhưng trong Tiên Nga, hành động đó được nung nấu bằng tâm can phẫn uất của Kim Liên - dù là nhi nữ thường tình cũng biết mang nỗi hờn mất nước.
Như truyền thống người Việt có câu: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!".
Như vậy, Kim Liên là nhân vật để Tiên Nga thoát khỏi câu chuyện tình nhân nghĩa - hiếu trung của nguyên tác Lục Vân Tiên để hướng đến một chủ đề khác: lòng yêu nước, thái độ của mỗi con người đối với vận mệnh dân tộc.
Kịch biểu diễn với dàn nhạc sống
Từ chối nhạc nền, Thành Lộc bố trí luôn một ban nhạc sống cho mỗi đêm diễn. Điều này rõ ràng khó khăn và... tốn kém nhưng cho thấy Thành Lộc đang hướng đến một tiêu chí nghệ thuật ưng ý nhất có thể cho vở diễn của mình.
Cùng với cảnh trí lung linh, huyền ảo; lời thơ mềm mại, trau chuốt..., âm nhạc đậm âm hưởng Nam Bộ của nhạc sĩ Đức Trí đã mở ra thêm không gian cho khán giả khám phá vở diễn.
Thành Lộc tiết lộ khi nhận lời soạn nhạc cho Tiên Nga, trong tay Đức Trí lúc nào cũng thủ quyển... Từ điển tiếng Việt, để khi phổ nhạc gặp từ khó thì anh sẽ lật sách tìm kiếm một từ cùng nghĩa.
Những lao động thầm lặng nhưng chuyên nghiệp đã tạo nên những lời thoại, lời nhạc mượt mà, êm ái thuyết phục người xem.
Sau Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Tiên Nga là lần trở lại trong vai trò đạo diễn của NSƯT Thành Lộc với nhiều tâm huyết.
Nếu cụ đồ Chiểu có thơ: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, vở diễn Tiên Nga của Thành Lộc tải hai cái đạo: đạo làm người và đạo nghề.
Với đạo làm người, đó là không thể sống thờ ơ. Với đạo làm nghề, đó là luôn hướng đến những giá trị nghệ thuật. Có thể thấy điều đó trong quá trình dựng vở.
Nghiêm khắc trước những hời hợt, đòi hỏi sự chuyên nghiệp và cống hiến; người đạo diễn đã giúp các diễn viên trẻ tự điều chỉnh mình để không lạc nhịp và hết mình cho vai diễn.
Một số hình ảnh của Tiên Nga:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận