Sau bão hai ngày, chị Thanh (Ba Đình, Hà Nội) đi chợ vẫn giật mình vì giá rau tiếp tục tăng mạnh. Mỗi bó rau xanh gần như tăng gấp đôi, gấp ba khiến cho chị ví "ăn rau giờ đắt hơn ăn thịt".
Rau đắt hơn thịt, có vườn trồng... mất trắng sau bão số 3
Bà Hường (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết không chỉ các mặt hàng rau xanh mà nhiều loại củ quả, thực phẩm đều tăng giá. Gia đình có sáu người, mỗi ngày tiền rau 30.000 - 40.000 đồng giờ tăng lên gấp đôi, thậm chí cả trăm nghìn.
Ghi nhận tại các vùng trồng rau, nhiều đơn vị bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bão số 3. Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Hòa Bình có gần 12ha trồng rau sạch và hơn 30ha trồng cây ăn trái nằm tại phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) gần như bị mất trắng toàn bộ rau do sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão.
Ông Nguyễn Công Sơn, giám đốc hợp tác xã trên, cho biết các sản phẩm rau ăn lá gần như bị hỏng toàn bộ.
Cùng với đó các loại cây ăn trái như bưởi, mít, chuối... sắp đến kỳ thu hoạch cũng bị xóa sổ gần hết, ước tính tổng thiệt hại lên tới khoảng 3 tỉ đồng.
Ông Sơn nói đã chuẩn bị tâm lý sẽ bị thiệt hại, nhưng không nghĩ toàn bộ rau, trái sắp thu hoạch bị mất sạch.
"Sáng sớm ngày 8-9, sau khi cơn bão đi qua, tôi ra cánh đồng rau của mình mà không nhận ra".
"Chúng tôi cũng đang loay hoay vì sản lượng cung cấp cho các đơn vị phải đảm bảo theo hợp đồng. Các hộ nông dân cũng méo mặt", ông Sơn chia sẻ và cho biết hiện đã thống kê thiệt hại với các đơn vị chức năng, nhưng các hỗ trợ hiện nay cũng chưa có gì, hợp tác xã cũng xác định phải tự chủ động.
Ông Hoàng Văn Thám, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Đông, Hà Nội), cũng lo lắng trước hai nhà màng với diện tích 2.600m2 dù được lắp đặt, xây dựng với kết cấu tốt cũng bị hư hỏng nặng.
Khu vực rau quả sạch được đầu tư hiện đại, giá trị lớn đã tơi tả. Khu nhà lưới thì gãy đổ. Hiện vườn rau của ông chỉ còn lại khoảng 30%.
Mỗi tháng, đơn vị này sản xuất ra thị trường khoảng 100 tấn rau sạch cho hệ thống bán lẻ hiện đại. Theo ông Thám, hợp tác xã đang tập trung khắc phục nhà lưới, đưa các công cụ rút nước, chế phẩm sinh hoạt xử lý ruộng đảm bảo nhanh phục hồi đất để tái sản xuất.
Với giá rau xanh nhiều nơi tăng 200%, ông Thám bày tỏ mong muốn cần có đầu tư căn cơ hệ thống tiêu thoát nước, khu vực nội đồng, tránh tình cảnh mưa ngập gây thiệt hại cho sản xuất rau màu.
Đồng thời có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có trọng tâm, bài bản để ứng phó tốt hơn với các cơn bão ngày càng mạnh.
Nhiều siêu thị nói cung vượt cầu, cam kết giữ giá
Đại diện MM Mega Market cho biết đã tăng cung ra phía Bắc nhưng sang ngày 9-9 có tình trạng cung vượt cầu, một số mặt hàng bị dư do sức mua giảm so với ngày trước đó.
Tuy vậy, MM vẫn đang tăng dự trữ thực phẩm do lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra nếu các vùng như Hải Dương, Mộc Châu... bị ngập vì mưa lũ sau bão Yagi.
"Nhiều tỉnh thành phía Bắc hiện cung cấp lượng lớn rau củ quả, thịt... cho MM, đặc biệt Mộc Châu. Một số vùng đang bị ngập, giao thông đi lại gặp khó, việc tăng hàng dự trữ là điều cần thiết", đại diện MM nhận định.
Trước đó, MM đã tăng gấp 3 chuyến xe chở rau củ quả từ Lâm Đồng ra Bắc (dự kiến lên đến 40 tấn rau củ), hiện lượng tăng cường này đã được phân bổ về các siêu thị nên lượng dồi dào.
Trong khi đó, bà Trần Thị Quế Hương, giám đốc siêu thị WinMart Timescity, cho biết tình hình cung ứng hàng hóa tại hơn 1.000 cửa hàng thuộc chuỗi WinMart/WinMart+/WiN miền Bắc hiện ổn định, thậm chí một số mặt hàng cung vượt cầu dù sau bão lượng khách hàng có xu hướng tăng.
"Đơn vị cam kết tiếp tục duy trì giá bán bình ổn, đặc biệt cho sản phẩm thực phẩm thiết yếu như rau củ, thịt cá, gạo, mì... ", bà Hương khẳng định.
Chủ động điều phối nguồn cung ngay từ trước bão, ông Hà Long Thành, giám đốc vận hành sản xuất WinEco (Masan), cho biết với 14 nông trường rộng hơn 3.000ha, sản lượng trên 3.000 tấn rau củ mỗi tháng, đơn vị tiếp tục điều phối để tăng nguồn cung rau củ cho phía Bắc.
Cụ thể, từ 8-9, gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc.
"Để đảm bảo duy trì ổn định nguồn hàng của miền Bắc đến cuối tháng, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Đồng và miền Nam", ông Thành nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-9, đại diện hệ thống Saigon Co.op cũng cho hay hiện có hai loại rau ăn lá là cải xanh và mồng tơi bị khan hàng, chủ yếu do rau bị giập nát.
Tuy nhiên, hệ thống siêu thị đã có phương án điều hành, bổ sung hàng từ Đà Lạt, thậm chí triển khai chương trình khuyến mãi với rau Đà Lạt. Cơ bản, đến nay nguồn hàng vẫn đảm bảo và siêu thị cam kết không tăng giá.
Dự kiến chi hàng trăm tỉ đồng bồi thường bảo hiểm sau bão số 3
Trước những mất mát lớn của khách hàng, ông Nguyễn Quang Hưng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, chia sẻ doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai ngay các hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng, bao gồm cả tạm ứng bồi thường, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường.
Trong khi đó, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết tạm tính đến sáng 9-9, PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỉ đồng, chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.
Đại diện doanh nghiệp này cũng chia sẻ đang chủ động phối hợp với các bên liên quan xử lý tổn thất với thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thủ tục.
Trong lúc này, nhiều công ty bảo hiểm khác đang tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bồi thường của khách hàng, trong đó phải kể đến: Bảo Minh, MIC, PTI, PJICO...
Đối với khối nhân thọ, tính đến đầu giờ chiều 9-9, AIA Việt Nam cho biết đã ghi nhận 5 khách hàng không may bị tử vong do cơn bão Yagi (4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh), tổng quyền lợi bảo hiểm khoảng 6,5 tỉ đồng.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa gửi văn bản đến Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, yêu cầu báo cáo về thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do cơn bão Yagi gây ra. Cục đề nghị cần tạm ứng, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ thưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận