22/10/2021 08:19 GMT+7

Sau AUKUS, Pháp ngả về Nhật, Ấn?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Sau khi thỏa thuận an ninh ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ (AUKUS) công bố, mới đây Pháp cho biết đang xem xét lại chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, Paris không rút khỏi khu vực nhưng sẽ tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản.

Sau AUKUS, Pháp ngả về Nhật, Ấn? - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp các thủy thủ tàu ngầm tại lễ ra mắt một tàu ngầm hạt nhân mới ở Cherbourg (Pháp) vào tháng 7-2019 - Ảnh: AFP

Sau "biến cố" AUKUS mà Pháp chỉ trích là cú "đâm sau lưng" của ba nước Mỹ, Anh, Úc với họ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ AUKUS rõ ràng đã buộc Paris phải điều chỉnh chiến lược, nhất là về an ninh và quốc phòng.

Điều chỉnh chiến lược

Phát biểu tại Nhật Bản vào hôm 19-10, ông Philippe Errera - tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ quốc tế và chiến lược, Bộ Quốc phòng Pháp - xác nhận nước này đang muốn củng cố quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản, hai quốc gia cũng đứng ngoài thỏa thuận AUKUS.

Quan chức Pháp nói tầm nhìn của ba nước tại khu vực không nên giới hạn ở sự cạnh tranh quân sự với Trung Quốc, mà cần mở rộng ra các lĩnh vực khác như kinh tế và y tế. "Chúng ta cũng cần cùng nhau xây dựng các cấu trúc trong khu vực để tăng cường an ninh và hợp tác" - ông Errera nói.

Ông Errera và bà Alice Guitton, giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế và chiến lược của Bộ Các lực lượng vũ trang Pháp, đang có mặt tại Tokyo (Nhật Bản) để chuẩn bị cho cuộc họp an ninh giữa bộ quốc phòng và bộ ngoại giao hai nước.

Theo Hãng tin Kyodo, cuộc họp này dự kiến diễn ra cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Pháp cũng đã tăng cường quan hệ với Ấn Độ trong vài năm qua, hợp tác mới nhất giữa hai bên là thỏa thuận bán máy bay cho New Delhi trị giá 9,2 tỉ USD.

Trước khi AUKUS được công bố, Paris cũng đã có một loạt các hoạt động ở châu Á như đưa tàu ngầm hạt nhân đến Biển Đông hồi tháng 2 diễn tập cùng lực lượng Mỹ, Úc, Nhật Bản ở phía bắc đảo Kyushu trong tháng 5 và tập trận cùng "Bộ tứ kim cương" (Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản) ở Ấn Độ Dương.

Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương công bố hồi tháng 7 năm nay, Pháp coi Úc là một đối tác lớn trong khu vực bên cạnh Ấn Độ, Nhật Bản và cũng đã đề cập đến ASEAN.

Cơ hội cho Ấn, Nhật

Theo giới quan sát, động thái của Pháp không gây bất ngờ và thậm chí còn là cơ hội cho Ấn Độ và Nhật Bản. New Delhi dù quan tâm nhưng không muốn bị lôi vào quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, trong khi đó Tokyo cũng đang muốn củng cố quan hệ với Paris.

"Hiện có đồn đoán là Ấn Độ có thể muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Pháp về tàu ngầm hạt nhân" - nhà phân tích Ấn Độ Abhijit Singh nhận định về cơ hội New Delhi được chuyển giao công nghệ động cơ đẩy hạt nhân từ Pháp.

Ấn Độ trước nay vốn dựa vào công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Nga, song chương trình phát triển đội tàu ngầm của họ đang đòi hỏi những động cơ mạnh hơn. Trong khi đó, tờ The Diplomat bình luận với Nhật Bản, thay vì cảm thấy bị "bỏ rơi", Tokyo nên coi đây là cơ hội để cân nhắc theo đuổi thỏa thuận tương tự với Mỹ và các đồng minh, đối tác.

Ngoài lựa chọn hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ, Tổ chức nghiên cứu Institut Montaigne cho rằng Pháp cũng có thể đề xuất "Bộ tứ kim cương mở rộng", bao gồm các cường quốc hàng hải trên thế giới. "Nó có thể bao gồm Anh và thậm chí cả Đức, nhưng với điều kiện Berlin phải sẵn sàng để thực hiện một bước nhảy vọt về đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", tổ chức này nhận định.

Ngoài ra, Paris cũng có thể đa dạng hóa các quan hệ đối tác chiến lược như tăng cường quan hệ với Singapore, Indonesia, Việt Nam và thiết lập quan hệ với Malaysia và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn là Pháp sẽ đặt mình vào đâu trong bối cảnh được mô tả như là cuộc "Chiến tranh lạnh mới" đang diễn ra giữa Trung Quốc và phương Tây.

"Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc áp dụng giải pháp ‘hòa bình’ sẽ mang lại cho Pháp rất ít bạn bè và khách hàng" - Institut Montaigne viết, nhắc lại việc hầu hết các nước như ASEAN đều đang dè dặt trong việc chọn phe.

Anh và Úc lên tiếng bảo vệ AUKUS

Trước các ý kiến lo ngại thỏa thuận AUKUS có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực và thúc đẩy chạy đua vũ trang, ngày 21-10, theo Hãng tin AP, cả Úc và Anh đều đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận của họ.

Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Anh, ông James Heappey, cho rằng đã có "rất nhiều lời nói quá" về AUKUS, khẳng định Anh và Mỹ đã chia sẻ những công nghệ này trong nhiều thập niên qua và quyết định của Úc chỉ là nhằm phát triển năng lực tàu ngầm cho nước này.

Trước đó, ngày 19-10 ông Rafael Grossi - tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - đã cảnh báo nguy cơ các nước khác có thể "học theo" Úc và cũng sẽ chạy đua phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo ông Grossi, những diễn biến liên quan AUKUS làm dấy lên lo ngại về việc phổ biến vũ khí hạt nhân và những quan ngại về vấn đề pháp lý.

Theo báo Guardian, tổng giám đốc IAEA cho biết đã thành lập nhóm chuyên trách xem xét các vấn đề liên quan thỏa thuận AUKUS.

ĐỖ DƯƠNG

Anh, Úc khẳng định AUKUS không phải Anh, Úc khẳng định AUKUS không phải 'thách thức' trong khu vực

TTO - Ngày 21-10, Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey tuyên bố tranh cãi xoay quanh thỏa thuận ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc đang đi 'quá mức'.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: AUKUS Pháp Nhật Ấn