14/12/2012 10:04 GMT+7

Sau ánh hào quang

HOÀNG ĐIỆP - ĐỖ PHI - YẾN TRINH
HOÀNG ĐIỆP - ĐỖ PHI - YẾN TRINH

TT - “Sau đêm live show thứ hai, điện thoại của tôi nhận được tin nhắn từ một số máy lạ. Tin nhắn viết rằng: “Chị ơi, nhìn chị trên tivi xong ai cũng nói em có gương mặt giống chị. Ba nhờ em nói với chị dù nhiều năm rồi không gặp nhưng ba luôn nhớ chị”.

Đó là tin nhắn từ một người em cùng cha khác mẹ với tôi, hiện em đang ở miền Bắc. Ba bỏ mẹ con tôi ra đi từ khi tôi còn rất nhỏ, nhiều năm nay rồi tôi không được gặp ba”. Đoạn clip chia sẻ về bản thân của Trúc Phương trước live show của chương trình Thử thách cùng bước nhảy diễn ra tại nhà thi đấu Maximark Cộng Hòa và truyền hình trực tiếp trên kênh HTV7 của Đài truyền hình TP.HCM đã làm nhiều khán giả rơi nước mắt.

JuR1DJSG.jpgPhóng to
Anh Toàn (trái) tại cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy - Ảnh: Gia Tiến

Từ tin nhắn của em gái

Câu chuyện đứa em gái cùng cha khác mẹ từ miền Bắc xa xôi nhận ra chị mình đã có một cái kết có hậu khi Trúc Phương rời khỏi cuộc thi: “Tôi sẽ ra Bắc để gặp ba”. Gia đình có đến năm anh chị em, Trúc Phương là út. Những ngày còn sống tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) luôn là sự bất đồng của ba mẹ. Đỉnh điểm là vụ ly hôn và ba bỏ ra miền Bắc, để lại mẹ và năm anh chị em Phương.

“Khi ba ra đi, tôi còn nhỏ quá nên ấn tượng về ba rất mờ nhạt”. Dù biết ba ra miền Bắc rồi lấy vợ khác và có con nhưng từ khi 5 tuổi đến nay (25 tuổi) Trúc Phương chưa từng gặp ba cũng như chưa bao giờ biết về gia đình mới của ba và người em gái. “Bây giờ thì hai chị em nhắn tin hỏi thăm nhau thường xuyên. Tôi cũng biết ba bị bệnh và không thể vào Sài Gòn thăm tôi được. Nhưng ba luôn chờ đến thứ bảy, ngày chương trình phát sóng, để được nhìn thấy con mình trên tivi”.

Bị loại khỏi top 14 cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance, phát trên HTV7 lúc 20g thứ bảy hằng tuần), Trúc Phương hối hả đến Trường ĐH Hoa Sen để nộp đơn xin học lại. “Mấy hôm phải tập trung luyện tập cho cuộc thi nên tôi đã bỏ lỡ mất một môn”, Phương lý giải.

Giống như các bộ môn nghệ thuật khác, khiêu vũ đòi hỏi luyện tập cao độ và phải thật sự yêu thích mới có thể đeo đuổi được bởi quá cực nhọc. 22 tuổi, Phương bắt đầu tìm hiểu về hip hop. Vài tháng sau, cô gái xinh xắn này đã lựa chọn khiêu vũ chính là cuộc sống của mình dù biết để kiếm sống được bằng nghề thật không dễ dàng.

Âm thầm học tập và rèn luyện để trở thành một vũ công giỏi nghề cho những dự định trong tương lai, nhưng điều mà Trúc Phương muốn làm ngay sau khi rời ngôi nhà chung của chương trình Thử thách cùng bước nhảy là “sẽ ra Bắc thăm ba trước khi quá muộn. Qua điện thoại, tôi nhận ra những gì rất thân thuộc ở ba dù khi ba rời bỏ mấy mẹ con thì tôi còn bé lắm!”.

AV6iXVNt.jpgPhóng to
Trúc Phương (phải) tại cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy - Ảnh: G.Tiến

Giữ lửa, giữ nghề

Vừa nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc, Trung Quân (top 7 VN Idol 2010) vừa chuẩn bị hồ sơ xin việc vừa tất bật chạy show do công ty quản lý đặt sẵn. Dù cuộc thi diễn ra đã hai năm nhưng Trung Quân vẫn còn nguyên cảm giác nuối tiếc khi nhắc về nó: “Giá như tôi đầu tư kỹ càng hơn thì có thể sẽ vào sâu vòng trong. Tuy nhiên, chàng trai đến từ Đà Lạt vẫn khá hài lòng với những gì mình đạt được. “Tôi đã đi thi VN Idol mùa trước đó nhưng bị loại sớm. Mùa Idol năm 2010 cũng chỉ là đi cùng bạn cho vui, rồi đằng nào cũng chờ thì đăng ký luôn”.

Nói về sự nuối tiếc khi đã không chuẩn bị tốt cho cuộc thi, Quân cho rằng: “Mỗi vòng thi các thí sinh có một tuần để luyện tập, chọn bài thi. Bởi không chuẩn bị tốt nên tôi thường chọn đến 4-5 bài để đưa cho nhạc sĩ Huy Tuấn. Mỗi bạn đều chuẩn bị đến năm bài thi liền thì tất cả thí sinh có đến gần 40 bài. Như vậy, đương nhiên anh Huy Tuấn không thể nào nghe kỹ để đưa ra lời khuyên tốt nhất cho thí sinh được. Nếu biết đầu tư và lựa chọn tốt hơn thì có thể tôi đã có kết quả thi tốt hơn!”.

Khẳng định vẫn sẽ tham gia ca hát như một cách để thỏa mãn niềm yêu thích khi đứng trên sân khấu nhưng Trung Quân cho biết không thể từ bỏ ngành kiến trúc đã học: “Dù biết nó chiếm nhiều thời gian nhưng tôi nghĩ cần phải có một công việc khác ngoài đam mê âm nhạc”.

Đến với âm nhạc bằng niềm thích thú lạ lùng, Quân nhớ như in khi học lớp 10, Quân đăng ký biểu diễn văn nghệ trong trường nhưng vừa cất lên được vài câu, cô giáo phụ trách văn nghệ đã bảo: “Dừng lại, hát kiểu gì thế?”. Vậy mà chưa đầy một năm sau đó, cuộc thi nào, liên hoan văn nghệ nào của trường hoặc ngành giáo dục Quân cũng tham gia. “Tôi chỉ biết nghe người ta hát rồi bắt chước thôi chứ không biết cách luyến láy hay xử lý kỹ thuật”.

Lọt vào top 7 cuộc thi Thần tượng VN, khi rời khỏi cuộc thi Quân đã tạo được dấu ấn đối với một số khán giả. “Bây giờ tôi hát ở quán bar, phòng trà và cả những chương trình lớn nếu công ty đặt lịch”. Vừa tất tả hoàn thiện hai năm cuối chương trình ĐH, một tuần tranh thủ ba buổi để học thêm ký, xướng âm và thanh nhạc, đêm đi biểu diễn..., Quân đã “dọn sẵn”cho mình một con đường để nghệ thuật đồng hành với sự sáng tạo.

Mơ ước chuyên nghiệp

Bị loại khỏi cuộc thi ngay đêm đầu tiên của live show Thử thách cùng bước nhảy, Anh Toàn (29 tuổi) trở về với cuộc sống của một vũ công chủ nhiệm vũ đoàn “Number one”, miệt mài học nhào lộn tại một trung tâm thể dục thể thao trên địa bàn TP.

Sau một cú nhào lộn trên không, Toàn bị gập bàn chân khiến mấy ngón chân đau điếng. Vừa ôm chân vừa nhăn nhó, Toàn bảo: “Mấy chuyện ngã như thế này là hết sức bình thường. Để có một động tác nhảy đẹp, vũ công phải dành cả nửa năm để luyện tập chỉ động tác ấy”. Để “đối mặt” với những cú ngã bất thình lình khiến mình bị thương tích và đau đớn, Toàn nói: “Chỉ còn cách nhúng chỗ đau vào nước đá để không bị sưng lên, rồi xịt thuốc giảm đau để tiếp tục niềm đam mê”.

Khoảng thời gian từ 20g30-21g30 Toàn dành cho việc luyện tập nhào lộn, 22g Toàn cùng các bạn trong vũ đoàn đi biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc, phòng trà. Luyện tập vất vả như vậy nhưng thù lao cho mỗi bài biểu diễn thường rất thấp. Mỗi đêm vũ đoàn phải chạy nhiều show khác nhau thì thu nhập mới đủ trang trải cả cho việc học tập lẫn sinh hoạt. Tuy nhiên, câu chuyện thù lao không phải là mối quan tâm hàng đầu của Toàn: “Có một nơi đào tạo nghiêm túc công việc này để có một sân chơi nghiêm túc thì mới có sự nhìn nhận đúng đắn của xã hội về khiêu vũ. Đây là cơ hội cuối cùng và cũng sẽ là kỷ niệm cuối cùng của tôi đối với những cuộc thi nhảy”, Anh Toàn nói. Dù trước đó, năm 2008 Anh Toàn đã đoạt chức vô địch trong cuộc thi Bước nhảy xì tin.

Để đeo đuổi đam mê, Trúc Phương cũng phải tự mày mò, tìm hiểu xem thứ gì phù hợp với bản thân và học hỏi. Cô bảo việc không có một trường đào tạo khiêu vũ khiến những người trót đam mê bộ môn này thật sự thấy khó khăn: “Nếu sau này có tiền, tôi muốn xây dựng một ngôi trường hiện đại để dạy khiêu vũ bởi khiêu vũ không chỉ là nhu cầu của giới trẻ mà của rất nhiều lứa tuổi”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:

------------------------------------------

Kỳ tới:Nỗi niềm... giám khảo

HOÀNG ĐIỆP - ĐỖ PHI - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên