22/12/2023 13:39 GMT+7

Sau 20 tháng, TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển gần 3.800 tỉ đồng

Sau 20 tháng, TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển gần 3.800 tỉ đồng. Nguồn thu được ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng, đường sá… kết nối giao thông khu vực cảng biển.

Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THU DUNG

Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THU DUNG


Ngày 22-12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM. Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM, các đơn vị liên quan cùng nhiều doanh nghiệp vận tải biển. 

Trao đổi tại hội nghị, ông Hà Thanh Sơn - trưởng phòng quản lý giao thông đường thủy Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết từ ngày 1-4-2022, TP.HCM bắt đầu triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, thu về ngân sách thành phố gần 3.800 tỉ đồng (trung bình thu 7 tỉ đồng/ngày).

Nộp toàn bộ vào ngân sách 

Sau 20 tháng triển khai, hiện có 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hằng ngày khoảng từ 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí.

Trên cơ sở nghiên cứu, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM sử dụng hệ thống thu phí tự động 24/7 đầu tiên của cả nước, không sử dụng tiền mặt. Nhờ đó đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng, nhận được sự ủng hộ rất lớn từ doanh nghiệp.

Với nguồn phí thu được, ông Sơn cho biết TP.HCM trích 1,3% dùng cho các chi phí nâng cấp hệ thống, thuê thiết bị vận hành... Dự kiến từ năm 2024, tỉ lệ trích để lại là 1,5% mới đảm bảo chi phí thuê thêm thiết bị, thực hiện chi cho hải quan và các doanh nghiệp khai thác cảng).

TP.HCM dùng nguồn thu phí hạ tầng cảng biển để nâng cấp, mở đường xung quanh cảng biển, tăng kết nối hạ tầng giao thông - Ảnh: THU DUNG

TP.HCM dùng nguồn thu phí hạ tầng cảng biển để nâng cấp, mở đường xung quanh cảng biển, tăng kết nối hạ tầng giao thông - Ảnh: THU DUNG

"Còn lại toàn bộ nộp về ngân sách thành phố để bố trí đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể HĐND TP.HCM đã thông qua danh mục 27 công trình trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển", ông Sơn nói.

Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp Cục Hải quan TP.HCM cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ một số vấn đề còn tồn tại, đồng thời tiếp tục triển khai tốt công tác thu phí.

Góp vốn vào nhiều công trình trọng điểm

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cảm ơn sự ủng hộ từ các cấp, đơn vị truyền thông, hiệp hội logistics, doanh nghiệp... để công tác thu phí diễn ra tốt, không vướng mắc. Các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hải quan... luôn đoàn kết, quyết tâm thực hiện.

Hiện nay, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư đường Võ Chí Công (góp phần khép kín vành đai 2) với kinh phí 9.300 tỉ đồng. Ngoài ra còn có dự án làm nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) được bố trí vốn để hoàn thành cầu vượt, những hạng mục còn lại… Dự án đường Nguyễn Thị Định cũng được thông qua, dự án này góp phần kết nối khu vực cảng Phú Hữu, cảng Cát Lái...

Đặc biệt, đường liên cảng khoảng 8.000 tỉ đồng nối nút giao vành đai 2 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phục vụ rất lớn cho cảng, giảm tải áp lực giao thông khu vực cảng, vận tải hàng hóa, giảm chi phí...

"Các công trình kết nối hạ tầng cảng biển được ưu tiên đầu tư. Như vậy, kỳ vọng đến năm 2025, giao thông đi lại qua nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy thực sự thông thoáng. Đến năm 2026, 2027, đường vành đai 2, đường Nguyễn Thị Định và đường liên cảng được thông, giải quyết được bài toán ùn tắc, tai nạn giao thông", ông Lâm khẳng định.

Kết luận buổi hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng chia sẻ việc triển khai thu phí cảng biển gần 20 tháng qua phù hợp với các quy định hiện nay, xu thế phát triển. Hôm nay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM ký kết quy chế phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục triển khai tốt công tác này trong thời gian tới.

Các đơn vị cùng thực hiện thu phí, không ngừng nâng cấp hệ thống thu 24/7 hơn nữa đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút được doanh nghiệp tham gia. Chính điều này cũng thúc đẩy thêm quá trình tiếp cận, chuyển đổi số của TP.HCM.

Ông Dũng yêu cầu khoản phí đóng góp từ thu phí hạ tầng cảng biển hòa vào ngân sách TP.HCM kết nối giao thông, giảm phí logistics. Toàn bộ quá trình thu công khai, minh bạch và việc sử dụng cũng phải công khai, minh bạch.

Bên cạnh danh mục dự án xung quanh cảng biển đã được thông qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM rà soát thêm hạ tầng xung quanh, kết nối giao thông xa hơn nữa.

Gấp rút khởi công những dự án đã thông qua

Ông Đinh Ngọc Thắng - cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - đề xuất sớm sử dụng nguồn phí thu được xây dựng tập trung vào hạ tầng quanh các cảng. Trong đó, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển chính là vốn mồi, tạo điều kiện khởi công ngay những dự án đã thông qua.

Ví dụ như đường liên cảng, xây dựng vành đai 2 (đoạn cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái) và đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, công trình mở rộng đường Nguyễn Thị Định (từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), xây dựng cầu Cát Lái, xây dựng vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch)...

Đề xuất tăng tỉ lệ trích lại từ thu phí hạ tầng cảng biểnĐề xuất tăng tỉ lệ trích lại từ thu phí hạ tầng cảng biển

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM nâng tỉ lệ trích lại khoản thu phí hạ tầng cảng biển từ 1,5% lên 2,3%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên