Ngày 6-4, ông Dương Quốc Khởi - phó chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) - cho biết năm 1999, vùng đệm U Minh Thượng cũng gặp phải tình trạng sạt lở, sụt lún nhưng không ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương nhiều.
Tuy nhiên, đầu mùa khô năm 2024 đến nay, nắng hạn kéo dài đã khiến cho sạt lở, sụt lún đất tại địa phương diễn ra khốc liệt hơn.
Địa phương ghi nhận hơn 260 điểm đường giao thông bị sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài hơn 7,3km. Đặc biệt, có 23 căn nhà của người dân ở xã Minh Thuận và An Minh Bắc bị sạt xuống kênh, ước tổng số tiền khắc phục thiệt hại hơn 63 tỉ đồng.
Ông Khởi thông tin thêm, hiện địa phương khắc phục tạm thời các đoạn giao thông nông thôn bị sụt lún, đứt gãy mặt đường; lắp biển báo, hệ thống đèn chiếu sáng và mở 16 con đường tạm để người dân đi lại và vận chuyển nông sản.
"Chúng tôi tạm ứng ngân sách hỗ trợ bước đầu 3-5 triệu đồng cho người dân có nhà bị sụt lún xuống kênh di dời đến nơi an toàn. Các tuyến lộ bị sụt lún không khắc phục được thì địa phương bắc cầu tạm để người dân đi lại. Các tuyến đường kênh địa phương cấm ô tô vào.
Còn tuyến đường đê bao vùng U Minh Thượng, chúng tôi chỉ cho ô tô có tải trọng 3,5 tấn đi qua", ông Khởi nhấn mạnh.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, các con kênh nội đồng ở xã An Minh Bắc, Minh Thuận, huyện U Minh Thượng khô cạn. Lộ giao thông nông thôn bị đứt gãy nặng nề, có chỗ bị chia cắt hoàn toàn, người dân và học sinh đi lại rất khó khăn.
"Đường bị đứt gãy, người dân đi lại khó khăn, có người chạy xe không cẩn thận còn bị té. Tôi phải lót lưới, đổ đá mở đường đi tạm vào trong sân nhà để học sinh đi học thuận tiện hơn", ông Nguyễn Văn Sự - người dân xã An Minh Bắc - nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận