Sạt lở nơi sinh sống của người dân ở cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Ng.Hùng |
Mất rừng “phi mã”
Những ngày giữa tháng 5, đi dọc tuyến đê từ Khu du lịch biển Tân Thành về thị trấn Vàm Láng, không khó để nhận ra sự tàn phá khủng khiếp của sóng biển đối với rừng phòng hộ.
Dù tháng 5 là mùa gió nam nhưng các con sóng vẫn cứ ngày đêm vỗ ầm ầm, cuốn theo từng mảnh rừng còn sót lại về phía biển. Từng gốc cây mắm, cây dừa nước lòi trơ gốc.
Tại xã Tân Điền, khoảng 5km đê xung yếu gần như mất hoàn toàn đai rừng phòng hộ. Đoạn xung yếu này đang được tỉnh Tiền Giang kiên cố hóa bằng nguồn vốn nâng cấp đê biển của trung ương.
Ông Phan Văn Bích (63 tuổi, ngụ ấp Hộ, xã Tân Điền) cho hay rừng phòng hộ nay đã tiến sát mặt đê rồi, mới hai ba năm trước thôi rừng phòng hộ vẫn còn mấy chục mét ngoài kia, nhưng không biết vì sao mấy năm nay sóng dữ quá nên rừng không còn.
Tại một điểm xung yếu khác thuộc ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, ông Nguyễn Văn Hà, cư dân ở đây, cho biết hai năm trước đất còn ở tuốt ngoài kia, giờ biển đã ngoạm sát vào chân đê.
Chỉ vài năm trước, diện tích rừng phòng hộ ven biển Gò Công (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) còn đến gần 700ha. Rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là tấm lá chắn vững chắc trong việc bảo vệ hàng ngàn hecta lúa vùng ngọt hóa Gò Công của các xã: Tân Thành, Tân Điền, Vàm Láng, Kiểng Phước, Gia Thuận...
Thế nhưng vài năm trở lại đây biển đang xâm thực mạnh, ngày đêm “ngoạm” từng mét rừng phòng hộ, đe dọa an toàn đê, gây lo ngại sâu sắc đến cuộc sống người dân dọc tuyến đê này.
Thống kê mới nhất của Chi cục Thủy lợi cho thấy diện tích rừng phòng hộ đê biển Gò Công đến tháng 3-2017 chỉ còn 140,8ha trong khi hồi tháng 8-2006 là 360ha (tỉ lệ mất 2/3).
“Kịch bản có thể xảy ra là toàn bộ tuyến đê biển Gò Công sẽ trực diện với biển. Nguy cơ đê biển bị xói lở vào mùa mưa bão là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến 43.000ha diện tích đất canh tác và ảnh hưởng trực tiếp khoảng 580.000 người dân sống trong đê” - ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết.
Nỗi lo từ Cà Mau, Bạc Liêu và Bến Tre
Sau gần một năm, chúng tôi trở lại cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) chứng kiến quang cảnh nơi đây vắng vẻ, hoang tàn hơn. Nhiều “xác” nhà trơ khung, người dân không còn đường để đi mà phải di chuyển trên những cây cầu khỉ bằng thân cây đước bắc nối tiếp nhau từ nhà này qua nhà khác...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa mới “chạy” sạt lở, cụ Trần Thanh Tấn (84 tuổi, ấp Kênh Đào Tây, xã Đất Mũi) chia sẻ: “Tôi dời nhà lần này đã là năm “xác” nhà rồi đó”. Chỉ tay về hướng cửa biển, cụ Tấn cho biết mình đã sống ở đây trên 30 năm. Tính từ ngày cụ ở đến nay, chứng kiến sóng biển đã lấy đi hơn 150m bờ biển.
Ông Tô Quốc Nam, phó giám Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết tình hình sạt lở vùng ven biển trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Tình trạng này diễn ra cả ven Biển Đông và Tây.
Theo ông Nam, bình quân hằng năm sạt lở 20-25m ở bờ Biển Tây, cá biệt có năm lên đến 50m/năm. Còn ở Biển Đông bình quân 45-50m.
“Trong những năm qua, xói lở xảy ra với mức độ nghiêm trọng và mang tính chất thường xuyên, một số đoạn lở khá mạnh, sạt lở vào sát chân tuyến đê biển. Căn cứ bản đồ sạt lở ở các tỉnh ven biển ĐBSCL được cập nhật ảnh vệ tinh, Cà Mau sạt lở mất khoảng 450ha/năm” - ông Nam nói.
Trong năm nay, Bạc Liêu trở thành “điểm nóng” của tình trạng sạt lở mà điểm “nóng” nhất chính là sạt lở tuyến kè Gành Hào (huyện Đông Hải) đến mức tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Đến hiện tại, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xác định được ba nơi sạt lở gồm kè Gành Hào (ảnh hưởng tới 1.000 hộ dân sinh sống trong khu vực), kè Nhà Mát (thuộc phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) và một đoạn thuộc cầu Chiên Túp 1 (khu vực gần với Nhà máy điện gió Bạc Liêu).
Ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh đã mời các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học đến tỉnh tìm hiểu nhằm đề ra giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý vấn đề sạt lở.
Tuy nhiên, trong nhiều giải pháp thì tỉnh thấy rằng giải pháp gây bồi tạo bãi để trồng lại rừng là ưu tiên hàng đầu. Để làm được việc này phải dùng các giải pháp công trình ngoài xa để giảm sóng, sau đó giúp lượng phù sa đọng lại để gây bồi tạo bãi và trồng rừng.
Ở Bến Tre tình hình cũng tương tự. Mỗi năm tỉnh này bị mất từ 20 - 30ha rừng phòng hộ ven biển khiến các ngành chức năng lo lắng.
Ông Phạm Văn Trường - phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre - cho biết trên địa bàn ba huyện ven biển gồm Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri tình trạng xói lở xảy ra với tốc độ mạnh và ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều tổn thất cho vùng ven biển, đặc biệt là tình trạng mất đất, mất rừng.
Ông Trường cho biết thêm việc xói lở gây thiệt hại đến rừng và đất rừng thường xảy ra mùa gió chướng (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), do sóng to và gió lớn kết hợp với dòng thủy triều dâng cao gây sụt lở đất rừng.
Đặc biệt tại Bến Tre tình trạng sóng biển xô cát lấn vào các vạt rừng phòng hộ làm cây rừng chết diễn ra rất mạnh. Dẫn chúng tôi đến Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở huyện Thạnh Phú, ông Trường cho biết chỉ tính riêng tại huyện Thạnh Phú, năm 2015 mất 24ha, năm 2016 mất khoảng 13ha rừng phòng hộ.
Vừa di dời vừa hỗ trợ sinh kế cho dân Tỉnh Cà Mau kiến nghị xây dựng hai cụm tuyến dân cư nhưng phải gắn liền việc di dân với hỗ trợ sinh kế cho bà con. Số hộ dân di dời khoảng 2.000 hộ ở khu vực bị sạt lở. Trong khi đó, ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết Bạc Liêu rất “đau đầu” với các hộ dân sinh sống ở các cửa sông, cửa biển. Họ sống không theo quy hoạch nào, chủ yếu là gắn bó với nghề đi biển hoặc đánh bắt thủy hải sản. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp ngăn sạt lở bờ biển là việc di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Ông Trung nói: “Để đảm bảo di dời xong người dân không quay lại chỗ cũ thì phải đảm bảo sinh kế cho họ, và làm thế nào để đảm bảo là bài toán vô cùng khó. Riêng khu vực Gành Hào vì không thể di dời hết hàng ngàn hộ nên tỉnh đang tính phương án cho bà con trụ lại bằng việc gia cố kè cho tốt cùng giải pháp phá sóng từ xa, gây bồi tạo bãi”. |
________________________
Kỳ tới: Nguy cơ đồng bằng
Xem các kỳ trước: Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận