Một nơi sạt lở gần mỏ cát xã Phú Thuận B - Ảnh: TIẾN TRÌNH |
Hơn 60 năm gắn bó với cồn Sơn, P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Lầu (Tư Lầu, 85 tuổi) là một trong những nhân chứng hiếm hoi tận tường quá trình thăng trầm của vùng đất cù lao giữa sông Hậu này.
Cồn trôi
Ông Tư Lầu kể ngày trước cồn Sơn nổi tiếng với nghề trồng dưa hấu. Từ đầu tới đuôi cồn rộng hơn 100ha, là những rẫy dưa trải dài phủ xanh mặt đất. Dưa ở đây có tiếng thơm ngọt, có trái bề ngang tới 8-9 tấc (80-90cm). Nhờ vậy nơi đây từng được chọn để tổ chức các cuộc “đấu xảo” dưa hấu, quy tụ nhiều nông dân trong vùng tham gia.
Tuy nhiên về sau cồn Sơn bắt đầu lở mạnh, từ trên đầu cồn lở dài xuống và hai bên bờ lở ép vô. “So với vị trí bây giờ có lẽ nó đã bị dòng nước sông Hậu bào mòn, đẩy lùi về hạ lưu chừng 1km; đồng thời lấy đi khoảng 1/3 diện tích của cồn” - ông Tư Lầu nói.
Ông Nguyễn Văn Thoa - trưởng khu vực ấp Cồn Sơn, cũng là người gắn bó nhiều năm với cồn Sơn - xác nhận thông tin này và cho biết thêm diện tích đất sản xuất ở cồn Sơn hiện chỉ còn khoảng 74ha, trong đó một phần do một doanh nghiệp thủy sản sử dụng để nuôi cá, phần còn lại 79 hộ dân làm vườn kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Từ khi doanh nghiệp nuôi cá, đóng cừ gia cố bờ ao khu vực đầu cồn, tình hình sạt lở chỉ còn tập trung ở vách bờ trái sông Hậu, giáp với huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
“Trước đây khu vực này đã làm đê bao chống sạt lở, nhưng vẫn không chịu nổi áp lực dòng nước tác động trực tiếp vô thân đê, nên có đoạn đã bị xâm thực, phải dời thụt lùi vào sâu bên trong hàng chục mét. Hiện tại nhiều đoạn sạt lở đã áp sát, gây lún sụt một phần thân đê” - ông Thoa cho biết thêm.
Ông Bùi Văn Nguyễn - quản lý dự án điểm du lịch sinh thái cồn Phú Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre - cho biết một trong những nguyên nhân khiến điểm du lịch này chậm đưa vào hoạt động là do tình trạng sạt lở cồn - Ảnh: Mậu Trường |
Cồn lở
Tính từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, cồn đầu tiên bị biến mất là cồn Tàu, thuộc huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Ông Dương Thành Bảo, gia đình nông dân từng có hơn 50ha đất ở đây, nhớ lại: “Từ khi tôi biết nhớ, thấy cồn dài tới 5-7km, dân cư rất đông đúc, trên cồn có chợ, có trường học đàng hoàng. Vậy mà không hiểu sao vào những năm cuối thập niên 1980, cồn đã lở gần hết”.
Đứng bên bờ trung tâm TP Long Xuyên, tỉnh An Giang ngó qua bên kia sông Hậu, khó mà hình dung cù lao Phó Ba, xã Mỹ Hòa Hưng đã từng có giai đoạn hưng thịnh, với chợ, trường học, trạm cấp nước sạch... khi nơi đây còn nguyên diện tích hơn 80ha, với 500 hộ dân, hơn 2.000 người sinh sống.
Rồi sạt lở bủa vây, đến cách đây bốn năm, diện tích cồn chỉ còn độ 30ha, dân số cũng giảm đi một nửa.
“Ông cố của tôi là người khai mở xứ cồn này, vậy mà tới đời tôi, đất đai lở hết, thế hệ con cháu chúng tôi phải chuyển qua sinh sống bằng nghề sông nước” - ông Lâm Văn Huấn, một lão ngư dân nhiều thế hệ lập nghiệp trên cồn, kể.
Xuôi về Cần Thơ, ít người biết cồn (cù lao) Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, còn có một “người em song sinh” là cồn Cả Đôi. Ông Nguyễn Thanh Hồng (Hai Hồng, 73 tuổi) ở đầu cù lao nhớ lại: “Hồi tui còn thanh niên vẫn thường bơi xuồng qua cồn Cả Đôi trồng dưa hấu, tỉa bắp.
Dạo đó cồn dài độ 2km, bề ngang chừng 60-70 thước. Vậy mà không thật bất ngờ, qua mấy mùa lũ lớn, nhất là từ sau cơn bão số 5 năm 1997, cồn Cả Đôi bị bào mòn, rồi chìm dần, từ ngày nó “ra đi” tới giờ cũng hơn chục năm”.
Mặc dù vậy, ông Hồng vẫn hi vọng một ngày không xa cồn Cả Đôi sẽ bồi trở lại để bù cho phần đất mà “người anh song sinh” - cồn Tân Lộc bị “hà bá” lấy, trung bình mỗi năm không dưới 1ha.
Khu vực sạt lở ở cù lao Phó Ba, TP Long Xuyên đang có dấu hiệu bồi trở lại - Ảnh: Tấn Đức |
Dân tình điêu đứng
Tại Tiền Giang, điểm nóng sạt lở có nguy cơ xóa sổ cồn trên sông Tiền chính là ở cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy. Nơi đây, chỉ trong ba năm qua, “hà bá” đã ngoạm hơn 14ha vườn cây ăn trái, gần chục căn nhà trôi sông...
Cũng vì sạt lở mà ngôi nhà do gia đình ông Trần Văn Sáu, một người dân địa phương, dành dụm vừa cất xong mấy năm trước đã phải bỏ vì không biết “hà bá” có thể viếng thăm bất cứ lúc nào.
Bây giờ gia đình phải bỏ xứ đi làm ăn nơi khác bởi ngoài căn nhà này, phần đất còn lại không đủ để canh tác kiếm sống. Hoặc như hộ ông Nguyễn Văn Chí, thuộc tổ 17, ấp Tân Thái có 6 công vườn nhãn, nay sạt lở chỉ còn 4,8 công. Nếu tính giá trị đất thì trong vòng ba năm qua người dân mất hơn 14ha đất, tương đương 35 tỉ đồng.
Châu Ma - cồn đầu nguồn sông Tiền (thuộc xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) nơi mà mỗi năm lại có những gia đình “thất thủ” trước tình trạng sông gặm dần vườn tược, nhà cửa, sản nghiệp cả đời.
Trong căn chòi nhỏ giữ 200m2 đất trồng cây giống, ông Phạm Văn Lâm, 69 tuổi, nói rồi cũng sẽ tới phiên ông bỏ đi. Năm trước, khi chúng tôi đến đây, ông nói có 2 công đất vườn (2.000m2), nay ông cho hay đất của ông đã bị sông “cướp” trắng rồi. Rẻo đất nhỏ mà ông đang canh tác là chỗ ông thuê của người khác.
Ông Đoàn Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận B, cho biết Châu Ma trước đây dài trên 3km, rộng gần 500ha. Thế nhưng, chỉ đến năm 2000, tình trạng sạt lở mạnh đã lấy đi đến 70% diện tích. Trước nó là xã Phú Trung, nay diện tích còn lại chỉ bằng một ấp và sáp nhập vào xã Phú Thuận B. Xã Phú Trung chính thức bị xóa sổ.
Trước đó, về hướng thượng nguồn sông Tiền, cồn Tào có diện tích tương đương cồn Châu Ma cũng đã bị sạt lở và chìm mất trong trận lũ. Nhiều hộ dân bỗng vô gia cư.
Sau khi cồn Tào biến mất, cách đó không xa lại nổi lên vùng đất mới, người dân gọi là cồn Béo. Nhưng khi các hộ dân đến đây tạo kế sinh cơ thì cồn Béo cũng bị sạt lở, hàng loạt hộ dân phải bỏ cồn để thoát thân.
“Số phận” những cù lao, cồn bãi Dọc dài sông Tiền, sông Hậu hay những nhánh rẽ của nó trước khi hòa vào biển cả có tới cả trăm cù lao, cồn bãi với những tên gọi khác nhau. Phổ biến nhất là cách gọi theo tên người khai mở, như cồn Châu Ma, cồn Béo, cồn Phó Ba, cù lao Ông Chưởng, cồn Cả Đôi, cồn Khương, cồn Cái Sơn, cồn Phú Đa... Theo hình dáng hoặc đặc trưng, đặc điểm: cồn Tròn, cồn Dài, cồn Bửng, cồn Trứng, cồn Quy, cồn Phụng, cồn Công, cồn Cò, cồn Én, cồn Lác, cồn Bần Chát... Theo chủ sở hữu đất cồn, như: cồn Chính Sách, cồn Liệt Sĩ... Hoặc đơn giản nhất là cách gọi theo trạng thái: cồn Khô, cồn Nổi, cồn Chìm (đã nổi hẳn lên mặt nước hoặc chưa); rồi cồn Đâm (vì giành đất cồn mà đâm nhau), cồn La Làng (gặp lúc nước dâng đột ngột phải kêu lên để có người tới ứng cứu)... Nhưng cho dù theo cách gọi nào, ở đầu nguồn hay hạ lưu, lớn hay bé, mới hay cũ... những cù lao, cồn bãi đều có một “số phận” riêng, liên quan tới nạn sạt lở mà dòng “sông mẹ” gây ra! |
>> Kỳ tới: Hiểm nguy rình rập
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận