19/10/2020 13:04 GMT+7

Sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: 'Muốn đưa anh về quê nhưng lũ cản đường'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - 'Anh cả đời sống theo nhiệm vụ người lính, lũ lụt gì cũng lo cho dân. Giờ anh mất mà nguyện vọng đưa anh về quê nhà Quảng Bình cũng không được bởi lũ lụt'...

Sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: Muốn đưa anh về quê nhưng lũ cản đường - Ảnh 1.

Bà Lý (phải) và chị Huyền (trái), người mất chồng, người mất con, họ ngồi bên nhau trong nước mắt - Ảnh: TRẦN MAI

"Có mấy giờ mà mất con"

Lúc 11h, những chiếc xe đưa thi thể các quân nhân trở về xếp thành đoàn dài ở phía tây nhà thi đấu. Nhiều người mặc đồ bảo hộ và đồ y tế đang đưa thi thể các anh về tẩm liệm. 

Cùng lúc này, quân đội đang cử người đến với thân nhân các quân nhân ghi nhận nguyện vọng để lo tang lễ, đồng thời ghi chép số lượng người thân đang có mặt tại nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị để sắp xếp chỗ ăn ngủ và chăm lo sức khỏe.

Bà Lương Thị Lý, mẹ quân nhân Lê Thế Linh, khóc ngất khi hay tin vừa tìm thấy thi thể Linh trong đống đổ nát. Thông tin khiến bà được an ủi phần nào là Linh lành lặn.

Kể về con, bà nhớ đến một chàng trai biết chăm lo cho gia đình, thường xuyên động viên mọi người cố gắng. Anh Linh nhiều năm qua đi làm ở nhiều nước như Đài Loan, Lào... anh muốn kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp gia đình. "Tôi biết tính Linh lo lắng nên có bệnh trong người mà không nói con hay", bà Lý nghẹn ngào.

9h tối 17-10, Linh còn điện thoại về cho mẹ và dặn em gái chuẩn bị đi học trong TP Đà Nẵng khoan đi vì lũ lụt đang lớn. Linh chia sẻ những ngày lũ lụt, sạt lở trên núi, đơn vị đi giúp đỡ bà con. Lúc đó, Linh rất vui, bà Lý cũng hạnh phúc khi con là một người lính hết lòng vì dân. Nhưng rồi bà nghẹn lại "Có mấy giờ mà mất con, trời ơi là đau", bà Lý gào lên.

Ba của quân nhân Lê Tuấn Anh, ông Lê Đình Huấn, từ hiện trường về kể lại chuyện tìm kiếm các quân nhân - video: TRẦN MAI

Bên cạnh bà Lý là thân nhân của quân nhân Lê Hương Trà, họ chung nỗi đau nên cứ tựa vào nhau. Chị Châu Lệ Huyền, vợ quân nhân Trà, tâm sự hai vợ chồng cưới nhau 10 năm, tích góp làm được căn nhà gần đơn vị. Gần về địa lý thôi, còn thực tế ba tuần mới gặp nhau một lần. "Mỗi lần về nhà, anh thường dọn quét nhà và nấu cơm cho vợ con. Anh rất chu toàn", chị Huyền thều thào.

Bên cạnh chị, hai đứa con cứ nhìn vào hàng xe cấp cứu đang đậu bên trong nhà thi đấu, đứa con trai 10 tuổi đã hiểu điều gì xảy đến với cha mình, còn đứa nhỏ mới 3 tuổi chẳng hiểu chuyện gì. Anh Trà mất, những dự tính của hai vợ chồng cũng theo gió trời.

Chị Huyền nhớ lúc 9h tối 17-10 anh Trà điện về hỏi thăm vợ con và nói những dự tính sau khi trả xong nợ cho tổ ấm của mình sẽ lo cho cha mẹ ruột của anh ở quê nhà Hà Tĩnh. Ngôi nhà của cha mẹ anh đã rệu rã, mà gió bão miền Trung lại quá nặng nề. 

"Cuối cùng mọi tính toán vùi trong đất, con tôi thành trẻ mồ côi", chị Huyền khóc nghẹn...

Sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: Muốn đưa anh về quê nhưng lũ cản đường - Ảnh 3.

Chị Thiều Thị Phương Nhung, vợ quân nhân Trần Quốc Dũng, đau đớn khi lời hứa trở về nhà ít hôm nữa của anh mãi theo gió trời - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chỉ mong đưa anh về quê nhà...

Chị Linh, vợ quân nhân Phạm Ngọc Quyết, ngồi ôm con gái nhìn về phía cổng nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị. Phía bên trong có chồng chị và những người đồng đội của anh vừa được đưa về từ vùng biên giới xa xôi.

Chị Linh từng tới nơi chồng đóng quân ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Chị bảo thời tiết trên đó rất lạnh, mùa này thì càng lạnh lẽo hơn. Ngày nào anh điện về hỏi thăm vợ con, chị cũng dặn anh giữ gìn sức khỏe, anh thì luôn rắn rỏi: "Quân nhân bọn anh sức khỏe cường tráng, em khỏi lo. Mấy mẹ con nhớ chăm sóc mình".

Khoảng 1h sáng 18-10 xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 22 quân nhân, đến 4h sáng cùng ngày chị Linh đã biết thông tin. Khoảnh khắc ấy lo lắng ngập tràn, chị điện cho anh vào số máy hay liên lạc nhưng không được. Lúc đó, chị Linh cảm có chuyện chẳng lành. Nhưng rồi chị được trấn an khi số máy còn lại của anh vẫn đổ chuông. "Tôi nghĩ chắc vụ việc không nghiêm trọng lắm, anh và các đồng đội vẫn an toàn", chị Linh chia sẻ.

Nhưng chị lo lắng tột cùng khi chuông đổ nhưng không ai nghe. Chị sợ điện nhiều lần điện thoại của anh hết pin nên chuyển sang nhắn tin. Những tin nhắn cũng không được trả lời. Trong lòng ngổn ngang giữa hi vọng và bất an, cuối cùng chị quyết định gọi cho đơn vị của anh.

Đơn vị xác nhận có vụ sạt lở núi vùi lấp dãy nhà chồng chị ở, nhưng trấn an chỉ có vài quân nhân bị thương nhẹ. Hiện mọi người đang tập trung khắc phục sự cố nên anh chưa thể nghe máy được.

Rồi cuối cùng sự thật vẫn là sự thật, chồng chị và 21 đồng đội vùi trong đất lạnh. Hi vọng rồi vô vọng, chị đã khóc rất nhiều. Nỗi đau càng dày hơn khi ở quê nhà của anh ở Quảng Bình lũ đang lên cao, chị không có cách nào thông báo tình hình cho nhà nội vào lúc này. Phía nhà ngoại ở Quảng Trị cũng chìm sâu trong lũ, cần phải có ca nô mới thoát ra khỏi lũ để đến với anh. 

"Anh cả đời sống theo nhiệm vụ người lính, lũ lụt gì cũng lo cho dân, ở nhà mẹ con tôi tự lo cả. Giờ anh mất mà nguyện vọng đưa anh về quê nhà Quảng Bình cũng không được bởi lũ lụt", chị Linh nghẹn ngào.

Trong giờ phút này, chị Linh chỉ biết ngồi và chờ đợi. Phép màu đã không còn, chị chỉ mong được vào gặp mặt chồng, con gái chị gặp được cha...

Những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường tìm kiếm 22 chiến sĩ Những hình ảnh trực tiếp từ hiện trường tìm kiếm 22 chiến sĩ

TTO - Những hình ảnh cận cảnh tại hiện trường vụ sạt lở làm 22 cán bộ chiến sĩ của Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 bị vùi lấp, tại Hướng Hóa, Quảng Trị. Phóng viên báo Tuổi Trẻ trực tiếp chuyển về từ hiện trường.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên