30/10/2020 08:47 GMT+7

Sạt lở đất ở Trà Leng: Đau lòng quá bà con ơi!

LÊ TRUNG - NGỌC HIỂN
LÊ TRUNG - NGỌC HIỂN

TTO - Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Leng, phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến khung cảnh hoang tàn của bản làng sau đại họa cũng như nỗ lực từng giờ, từng phút để thông đường, giành giật sự sống cho người dân bị thương.

Sạt lở đất ở Trà Leng: Đau lòng quá bà con ơi! - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội đưa các nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng ra khỏi hiện trường để đi cứu chữa - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sau nhiều giờ huy động tối đa máy móc, nhân lực khẩn trương thông đường, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được những nạn nhân đầu tiên của vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) và tức tốc chở đi cấp cứu. Trong khi đó, 8 nạn nhân thiệt mạng tại điểm sạt lở ở xã Trà Vân đã được tìm thấy trong ngày 29-10.

Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Leng, phóng viên Tuổi Trẻ đã chứng kiến khung cảnh hoang tàn của bản làng sau đại họa cũng như nỗ lực từng giờ, từng phút để thông đường, giành giật sự sống cho người dân bị thương...

Nỗ lực cứu chữa nạn nhân

Đúng 14h chiều 29-10, cung đường từ huyện Bắc Trà My vào xã Trà Mai (cách điểm sạt lở xã Trà Leng 16km) dài 50km với nhiều điểm sạt lở được khơi thông. Những chiếc xe cấp cứu đầu tiên đã tiếp cận được điểm tập kết người bị thương sau vụ sạt lở. 

Ngay lập tức, một bệnh viện dã chiến đã được thành lập ngay bên dưới chân đồi để khẩn cấp sơ cấp cứu những nạn nhân đầu tiên được đưa ra từ Trà Leng.

Từ 8h sáng, những nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị thương nặng được người dân cứu sống từ dưới lớp bùn đất được dân kết võng, băng rừng khiêng bộ hơn 4 giờ đến xã Trà Mai. 

Tại vị trí tập kết này, những nạn nhân nằm lả người trên võng, ai cũng trầy trụa mặt mày trong khi chân tay đều được băng bó tạm bằng nẹp gỗ.

Trước tình thế nguy cấp ấy, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 17 (Đà Nẵng) và lực lượng y tế Quảng Nam đã chuyển bệnh nhân lên cáng, đặt giữa đường để sơ cứu, truyền nước, đo huyết áp và cố định các vị trí bị thương trước khi chuyển lên xe cấp cứu tức tốc xuôi về Bệnh viện Đa khoa Bắc Trà My. 

Cả khung cảnh cứu hộ vừa khẩn trương, vừa bi thương khiến các chiến sĩ cứu hộ của Trung đoàn 885 cũng xót xa thốt lên: "Đau lòng quá bà con ơi".

Ngồi bên vệ đường một tay nắm chặt đứa con gái Hồ Hà My (8 tuổi) đang nằm trên cáng, một tay ôm đứa con gái Sa Ny mặt xây xát trong lòng, chị Hồ Thị Hà (28 tuổi) nói rằng cha của chị đã chết, người dân đã moi từ trong đất đá ra hai đứa con của chị. 

Tuy sống cùng xã nhưng chị Hà ở khác thôn, khi hay tin có vụ sạt lở, chị tức tốc băng rừng hướng về căn nhà của cha, nơi có hai đứa con nhỏ tối hôm trước chị vừa mới gửi ông ngoại. 

Không ngờ, đến chiều hôm sau khi tìm đến thôn thì chị thấy ngôi nhà đã biến mất, chỉ còn thi thể cha và hai đứa con gái lấm lem bùn đất và chân gãy nhiều vị trí. "Khi đến thôn mình chết đứng luôn, ông già thì chết mất rồi, hai đứa con nằm ở trên đất, không còn chi hết" - chị Hà thều thào.

Bản thân chị Hà đang mang bầu 5 tháng, chồng đi đãi vàng xa, tin cha mình mất các đứa em đi làm xa vẫn chưa hay... 

Suốt cả chặng đường bác sĩ sơ cứu, chị Hà chỉ biết nắm chặt tay đứa con gái đang là một trong những ca bệnh nặng nhất do bị đa chấn thương. Đứa bé gồng lên khóc thét: "Đau lắm mẹ ơi".

Trực tiếp sơ cấp cứu các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến này, bác sĩ - trung úy Nguyễn Minh Lợi (Bệnh viện Quân y 17) cho biết các bệnh nhân bị thương rất nặng, chủ yếu là gãy xương đùi, cẳng chân, sốc do mất máu... 

Trong đó, có bệnh nhi huyết áp đo được chỉ 60/40, nguy hiểm đến tính mạng. Theo bác sĩ Lợi, các lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng cố định vết thương để giảm đau, chống xóc trong quá trình chuyển viện đường đèo và truyền dịch, nâng huyết áp... 

"Những bệnh nhi bị thương rất nặng, phải chuyển đến bệnh viện tuyến trên nhanh mới có cơ may cứu sống" - bác sĩ Lợi nói.

Trong khi đó, bác sĩ - thiếu tá Lê Văn Nam (Bệnh viện Quân y 17) cho biết ngay khi nghe tin thảm họa, tổ y tế của bệnh viện đã tức tốc lên đường từ 1h sáng nhưng do tắc đường quá nhiều điểm, có đoạn tổ phải quay ngược trở lại, đến chiều 29-10 vừa tiếp cận bệnh nhân đã lao vào cấp cứu ngay.

Sau khi chuyển đến Bệnh viện Bắc Trà My, những bệnh nhân bị thương nặng đã tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để tiếp tục chạy đua thời gian cứu chữa.

Sạt lở đất ở Trà Leng: Đau lòng quá bà con ơi! - Ảnh 2.

Lực lượng quân đội có mặt để cứu nạn những nạn nhân trẻ em đầu tiên của vụ sạt lở đất Trà Leng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Bò vào nhà dân kêu cứu

Từ quốc lộ 40B, con đường dẫn vào Trà Leng ngập ngụa bùn lầy, những điểm sạt lở, đất núi đổ ập xuống. Từ đầu cầu Trà Leng, tại một quán tạp hóa nhỏ, một thi thể được dân làng khiêng ra, khói hương nghi ngút. 

Bên cạnh đó, ba chiếc võng trong đó có một phụ nữ và hai đứa trẻ bị thương là những người sống sót sau vụ lở đất kinh hoàng.

Bà Hồ Thị Hằng (40 tuổi), nằm trong chiếc võng với nhiều vết thương trên mặt và thân thể, tỏ ra đau đớn. Bà là một trong những người chạy thoát trong vụ sạt lở cùng hai đứa cháu. 

Còn thi thể chồng của bà, ông Vũ Bắc Thái, được dân làng tìm thấy trong đống đổ nát. Bà sụt sùi khóc, không nói nên lời với những mất mát quá lớn.

Từ tiệm tạp hóa này, chúng tôi phải lội bộ thêm 5km nữa, băng qua gần chục điểm sạt lở mới đến được hiện trường. Trên đường đi, may mắn tôi gặp được hai thanh niên người làng, họ là những người đầu tiên chứng kiến vụ sạt lở kinh hoàng. 

Anh Nguyễn Văn Phúc (35 tuổi, người huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là một tài xế lái xe tải chở cây keo, tạm trú ở thôn 1, xã Trà Leng. Anh kể chiều 28-10 đang ngồi trong nhà thì nghe mấy tiếng nổ lớn, tưởng rằng sấm chớp do ảnh hưởng của bão chứ không nghĩ đó là tiếng nổ của sạt lở núi. 

Đến 23h, khi nghe tiếng kêu cứu thất thanh của những người sống sót sau vụ lở núi, anh cùng vài người dân chạy đến đó.

"Đến nơi, cầm đèn pin rọi thì thấy một cảnh tượng kinh khủng, đất đá đổ vùi xóa sạch ngôi làng. Chúng tôi dùng tay cào bới thì phát hiện bốn người đã chết nằm trong đống đổ nát, cố gắng đào bới nhưng chỉ đưa được hai thi thể ra ngoài" - anh Phúc nhớ lại.

Còn anh Phạm Văn Trung (thôn 1, xã Trà Leng) vẫn còn nhớ như in: tối hôm đó, khi đang ngồi trong nhà cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 1km, anh thấy một cụ già trên người đầy vết thương, lom khom bò vào nhà mình kêu thất thanh "Núi sạt xuống lấp hết nhà dân rồi" rồi ngất xỉu. "Cụ già này là một trong những người còn sống sót tìm đường ra làng kêu cứu" - Trung kể.

Sạt lở đất ở Trà Leng: Đau lòng quá bà con ơi! - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Chồng con tôi đâu rồi!

Chiều 29-10, sau những giờ đi bộ, PV Tuổi Trẻ đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở đất này. Đứng trên đầu con dốc nhìn xuống chẳng còn thấy những mái nhà của dân đâu, mà chỉ thấy đất và đá. 

Một ngọn núi nằm phía đông ngôi làng đã bị cắt đứt một nửa, đất đá tràn xuống vùi lấp nhà dân. Chính giữa một khe lớn sau vụ sạt lở gây ra, nước suối đục ngầu chảy ào ào xuống sông Len. Vô số tảng đá to tướng nằm ngổn ngang. 

Hàng trăm người dùng tay đào bới lớp đất đá, kiếm tìm những người nằm dưới đất. Những cây cột nhà nằm ngổn ngang, dưới lớp đất đá nào xe cộ, tủ giường, áo quần. Những sườn nhà bằng gỗ, ximăng đổ nát nằm chỏng chơ.

Đứng thẫn thờ nhìn lực lượng chức năng tìm kiếm các thi thể, chị Hồ Thị Bông (38 tuổi) như chết lặng. "Chồng con em đâu rồi, nằm chi dưới đất lạnh lẽo vậy" - chị Bông nấc nghẹn. Chị Bông là vợ của anh Lê Hoàng Việt - bí thư Đảng ủy xã Trà Leng. 

Ngày 28-10, do bận việc của trường (chị là giáo viên) nên phải xuống huyện Bắc Trà My. Khi nghe tin ngôi làng của mình bị sạt lở đất, chồng và con của mình mất tích, tay chân chị bủn rủn, người chết lặng. 

Nếu không có việc, chắc chị cũng là nạn nhân của vụ sạt lở này. "Mong sao tìm thấy được chồng con tôi" - chị Bông khóc ngất.

Hôm xảy ra vụ sạt lở đất, một số người dân bỏ chạy thoát, còn một số thì đi rẫy chưa về. Ông Hồ Văn Đề (85 tuổi, cha chị Bông) chiều hôm xảy ra vụ sạt lở, ông lên rẫy lúa. 

"Lúc về thì thấy làng mình đâu mất, chỉ thấy một lớp đất đá khổng lồ, tôi tưởng mình nằm mơ. Dân làng chẳng thấy ai, cả ngôi làng chìm trong hoang vắng" - ông Đề đau xót.

Gian truân đường cứu nạn

Cung đường từ huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My quá nguy hiểm với nhiều điểm sạt lở khiến lực lượng cứu hộ dù nỗ lực tiếp cận nhưng có những thời điểm đành quay về sở chỉ huy tiền phương đặt tại Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Trà My.

Ngay khi nhận lệnh lên đường, 50 chiến sĩ của Trung đoàn 885 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam) đã tức tốc hành quân, mang theo các thiết bị tìm kiếm, cứu hộ với nhiệm vụ đến thẳng điểm sạt lở tại xã Trà Leng, nỗ lực tìm người mất tích.

Tuy nhiên, khi lên đến Bắc Trà My, các chiến sĩ không thể tiếp tục đi sâu vào hiện trường bởi các điểm sạt lở chia cắt. Sau đó, các chiến sĩ phải chia thành các tốp trên các xe nhỏ hơn đi sâu vào hiện trường rồi đi bộ đến xã Trà Mai.

Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết ban đầu lực lượng cứu hộ đưa ra 3 phương án tiếp cận hiện trường cả về đường bộ, đường hàng không và đường thủy.

Tuy nhiên, sở chỉ huy tiền phương quyết định phương án chính là mở đường bộ, thông các điểm sạt lở để tiến sâu vào hiện trường.

Theo ông Bửu, phương án tiếp cận hiện trường bằng đường thủy dù đã đặt ra nhưng hiện gặp nước lũ, trong khi hai nhánh sông đều hợp lại về thủy điện Sông Tranh 2 nên việc tiếp cận bằng đường thủy rất nguy hiểm.

Trong khi đó, tiếp cận hiện trường bằng đường hàng không cũng khó khả thi bởi hiện trường ở núi cao, không có bãi đáp.

Chiều 29-10, trong số những người ngồi trên bờ dõi theo lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân, có những cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng thẫn thờ. Trong đống đổ vùi đó, có một số là học sinh của các cô.

“Ngôi làng có hai đứa là học sinh của tôi, mới dạy các em chỉ vài ngày thôi mà giờ chẳng gặp lại chúng nữa rồi” - cô Hà Thị Phương Ly xúc động nói.

Tìm cách tiếp cận nơi sạt lở Phước Sơn: Nếu thời tiết tốt, hôm nay dùng trực thăng Tìm cách tiếp cận nơi sạt lở Phước Sơn: Nếu thời tiết tốt, hôm nay dùng trực thăng

TTO - Hiện nay, đường DH1 đi từ hướng xã Phước Thành tới Phước Lộc đã thông tuyến tới cầu Xà Oai. Tuy nhiên, tù cầu Xà Oai đi vào Phước Lộc còn khoảng 50km với có rất nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng.

LÊ TRUNG - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên