Với việc hoàn thành thủ tục về giá, Bộ Y tế, cụ thể là Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ tiến hành mua vắc xin. Đây là số vắc xin đáng lẽ được sử dụng cho năm 2023.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ Y tế cho hay so với giá cũ đã ban hành 5-14 năm đã rất lạc hậu và khó cho nhà sản xuất vắc xin, giá mới được "tính đúng tính đủ" và tăng 2-6 lần, bao gồm cả phần chi cho nghiên cứu phát triển vắc xin nội. Bộ Y tế đã có hai lần gửi văn bản xác định giá vắc xin sang Bộ Tài chính.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, đến sáng 30-12 Bộ Y tế đã hoàn thành xong 9/9 bước thủ tục về thẩm định giá mua sắm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Từ đầu năm 2023, vắc xin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng liên tục bị gián đoạn cung ứng, thiếu vắc xin tiêm cho trẻ.
Theo bà Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tình hình thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng đã ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng, 10 tháng đầu 2023 chỉ đạt 66,4% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi theo yêu cầu là 75%.
Nguyên nhân gây gián đoạn cung ứng vắc xin do giai đoạn năm 2016-2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia được bố trí kinh phí mua vắc xin từ nguồn Chương trình Mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020.
Đến năm 2023 quy định thay đổi, các tỉnh thành phải thực hiện thủ tục mua sắm vắc xin từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên địa phương e ngại gặp khó trong bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai..., đến giữa năm 2023 vẫn chưa mua được vắc xin.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính do đó đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, đến tháng 7-2023 Chính phủ đã giao Bộ Y tế mua sắm vắc xin như trước đây.
Bà Hồng cho hay hiện đã nhận được nhu cầu vắc xin từ các tỉnh thành trong năm 2024 và gối đầu 6 tháng năm 2025, sẽ sớm trình bố trí ngân sách trung ương cung ứng vắc xin.
"Ngay khi có được vắc xin, chúng tôi không ngần ngại thời gian khẩn trương vận chuyển, cấp phát và tiêm chủng vắc xin và hiện tượng thiếu vắc xin như năm 2023 này sẽ không lặp lại nữa", bà Hồng khẳng định.
Năm 2024, tiếp tục mua vắc xin bằng ngân sách trung ương
Ngày 30-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định tiếp tục bố trí ngân sách nhà nước năm 2024, bảo đảm kinh phí mua sắm vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, tháng 7 vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế, để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo nghị quyết, Chính phủ quyết định bố trí ngân sách nhà nước năm 2024 bảo đảm thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng. Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức mua vắc xin tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng vắc xin bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nguồn vắc xin tiêm chủng cho trẻ em.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đúng quy định.
Thí điểm triển khai tiêm chủng vắc xin tại trường học
Song song với tiêm chủng thông thường, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia thí điểm tiêm chủng tại trường học, mở đầu tại 12 tỉnh thành thuộc 4 khu vực (gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng).
Ngay trong năm 2024 sẽ mở rộng ra 30% các tỉnh thành và năm 2025 sẽ triển khai toàn quốc.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết việc triển khai tiêm tại trường học nhằm tiêm vét, bù mũi cho các cháu bị hoãn hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm chủng đầu đời. Tại Việt Nam, những năm trước đây tỉ lệ tiêm chủng luôn đạt 95% trên quy mô toàn quốc nhưng ở cấp huyện có những địa phương chỉ đạt dưới 90% trẻ được tiêm đầy đủ.
Ước tính với từng loại vắc xin trong chương trình, trung bình hằng năm có 100.000 - 200.000 trẻ không được tiêm đủ mũi vắc xin, hơn nữa ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến tỉ lệ tiêm chủng nhiều vắc xin giảm thấp so với mức đạt 30 năm qua.
"Việc tích lũy gia tăng số trẻ chưa có miễn dịch do chưa tiêm/tiêm chưa đủ qua các năm là yếu tố quan trọng gây dịch nếu có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Dịch sởi trên toàn quốc vẫn diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm/đợt; nguy cơ vi rút bại liệt hoang dại xâm nhập; các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản... luôn có nguy cơ tái diễn" - chuyên gia cho biết. (HỒNG HÀ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận