Theo nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực kể từ ngày 25-8-2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải và không sử dụng bao bì chứa rác thải theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chậm nhất đến ngày 31-12-2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới phải áp dụng để thực hiện. Như vậy từ ngày 1-1-2025 sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt theo quy định trên phạm vi cả nước dù nghị định 45 đã có hiệu lực từ giữa năm 2022.
Tại diễn đàn "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt" do Tạp chí điện tử Môi Trường và Cuộc Sống tổ chức sáng 17-5, ông Nguyễn Thành Lam - đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết đến năm 2023 cả nước có 1.178 cơ sở chôn lấp rác thải, trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.
Nói về thách thức trong quản lý rác thải, ông Lam cho biết hiện nay các địa phương chưa triển khai phân loại đồng bộ tại nguồn.
Trong thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi. Ngoài ra thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định đã làm tồn đọng rác thải kéo dài, gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trước đây phân loại rác còn mang tính thí điểm, mô hình, không thành công. Sau khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bước đầu có địa phương tổ chức triển khai phân loại rác thải sinh hoạt.
Ông Lê Hải Bằng - phó chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Thái Nguyên - cho hay vướng mắc trong công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại Thái Nguyên một phần do lực lượng cán bộ làm việc trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn còn mỏng.
Bên cạnh đó, nhiều nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn Thái Nguyên còn "ngại" tiếp nhận rác thải sinh hoạt do chi phí thu gom còn khá thấp. Hạ tầng về thu gom, xử lý rác thải chưa được đồng bộ.
Ông Bằng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, định mức về công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sẽ sớm được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công ty môi trường.
Đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những hướng dẫn chung, xây dựng bộ phận riêng thực hiện việc quản lý rác thải sinh hoạt.
Doanh nghiệp xử lý rác thải thiếu kinh phí, chính sách tiêu thụ sản phẩm
Ông Nguyễn Hoàng Lân - đại diện Công ty cổ phần nước và môi trường Bình Dương - cho rằng công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở Bình Dương đang thực hiện theo cơ chế đấu thầu, tuy nhiên nhiều đơn vị nhân lực và năng lực tài chính hạn chế.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp xử lý trong nước hiện nay thiếu kinh phí đầu tư công nghệ, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thu hồi.
Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc - chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam - cho hay theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2025, nếu không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
"Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn...", ông Ngọc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận