Đó là một trong những ý kiến được nêu tại Hội nghị tiếp xúc, lắng nghe, ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn. Hội nghị do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức sáng 20-6.
Khu phố chậm nhận phụ cấp kinh phí hoạt động
Khi triển khai nghị quyết 11 của HĐND TP.HCM, 22 quận huyện, TP Thủ Đức có 299/312 phường, xã, thị trấn thực hiện sắp xếp; 13 phường, xã, thị trấn không thực hiện sắp xếp khu phố, ấp mới, giữ nguyên hiện trạng, ranh giới (không còn tổ dân phố, tổ nhân dân).
Sau khi hoàn thiện việc sắp xếp, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới (từ 27.377 khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, giảm 20.516 tổ chức; tinh giản nhân sự còn 43.749 người, giảm 20.544 người); giảm quy mô số hộ gia đình của khu phố, ấp cũ xuống còn 500 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã.
Ông Vũ Văn Dũng - bí thư chi bộ khu phố 4, phường 22, quận Bình Thạnh - cho biết căn hộ chung cư cao cấp có khu phố là mô hình hoàn toàn mới so với trước đây. Tuy nhiên, việc trao đổi, chia sẻ giữa các tòa nhà, các tầng trong tòa nhà rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ cấp ủy chi bộ.
“Chung cư tôi đang ở có 454 hộ dân thì có khoảng 300 hộ ở, còn lại cho thuê nên khó tiếp cận tìm hiểu, vận động tham gia các hoạt động. Không chỉ vậy, do đặc thù chung cư cao cấp phải có thẻ từ mới lên được các tầng, ngay cả cảnh sát khu vực đi một mình cũng không lên được các tầng nếu không có thẻ từ”, ông Dũng nói.
Mặt khác ông Dũng kiến nghị TP cần xây dựng tiêu chí quy chế hoạt động khu phố mới nhằm tạo sự đồng thuận xây dựng khu phố văn minh, nghĩa tình. Các ban quản lý chung cư các tòa nhà cần có quan hệ hỗ trợ, tránh sự phân biệt giữa các tòa nhà.
Kinh phí hoạt động cũng là một trong những khó khăn được các bí thư khu phố chia sẻ nhiều tại hội nghị, bởi nhiều thành viên chưa nhận được phụ cấp hằng tháng theo quy định. Hay có chức danh có phụ cấp phải san sẻ kinh phí cho những chức danh không có để cùng hoạt động chung cho khu phố.
“3 tháng rồi các khu phố chưa nhận được kinh phí hoạt động. Các hoạt động hè cho thiếu nhi phải tự bỏ tiền. Nhân sự làm việc rất nhiệt tình nhưng chế độ chính sách không nhiều, chỉ tượng trưng”, ông Trần Văn Thành - trưởng khu phố 12, phường 4, quận Tân Bình - chia sẻ.
Sớm xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ cho hoạt động khu phố
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Nghĩa - phó Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - cho biết đa số các khu phố, ấp không có văn phòng hoạt động, chưa được bố trí điểm sinh hoạt tập trung, hoặc có điểm sinh hoạt nhưng quy mô chưa đảm bảo. Còn tình trạng thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của khu phố, ấp.
Do nhân sự khu phố ít, khó vận động người tham gia nên một số thành viên khu phố thực hiện công tác kiêm nhiệm. Trong đó, có người kiêm nhiệm nhiều chức danh hoặc kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau.
Để khu phố, ấp hoạt động hiệu quả, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP kiến nghị UBND TP sớm ban hành quy chế hoạt động của khu phố. Kiến nghị Sở Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể về thực hiện nghị quyết số 02 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp…
Sở Thông tin và Truyền thông có chỉ đạo cụ thể đối với Trung tâm chuyển đổi số TP sớm xây dựng và triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ cho hoạt động khu phố, tạo điều kiện nâng cao hoạt động hiệu quả.
UBND phường, xã, thị trấn cần xem xét bố trí địa điểm sinh hoạt, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với nhiệm vụ của khu phố, ấp trong tình hình mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận