19/11/2022 11:20 GMT+7

Sắp xếp hàng rong theo quy củ

L.PHAN - L.DUYÊN - B.NAM
L.PHAN - L.DUYÊN - B.NAM

TTO - Sau sự việc nhóm bán hàng rong đánh người dã man ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) vào tối 7-11, việc đảm bảo an ninh và chấn chỉnh hoạt động buôn bán hàng rong tại đây càng được siết chặt.

Sắp xếp hàng rong theo quy củ - Ảnh 1.

Hàng rong bày ghế trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Vấn đề đặt ra là làm sao để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy. Và quan trọng hơn nữa là làm sao tổ chức thành các phố hàng rong an ninh, đảm bảo vệ sinh phục vụ du khách và người dân.

"Mong chính quyền có giải pháp lâu dài cho người bán hàng rong"

Chia sẻ ý kiến của mình về cách thức để quản lý hàng rong, bà Lương Ngọc Mai, một người bán hàng rong trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), nói thật tình bà cũng không muốn bán ở vỉa hè nhưng không đủ tiền thuê mặt bằng. Hơn nữa, việc chỉ buôn gánh bán bưng mà thuê mặt bằng thì chi phí không bù lại được. 

"Mong chính quyền TP tạo điều kiện một khu hẻm hay những con đường dành riêng cho hàng rong để chúng tôi mưu sinh, không nơm nớp bị kiểm tra và có thể coi đó như một nét văn hóa của TP", bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, những chỗ có người dân đến vui chơi đông như phố đi bộ Nguyễn Huệ thì việc này càng cần thiết. Có cầu thì có cung, nếu lập một khu vực nhất định cho phép hàng rong được bán, giá cả hợp lý, vệ sinh sạch sẽ thì quá tốt. Khi đó ai không chấp hành nghiêm các quy định, bị xử phạt là hoàn toàn đúng và thuyết phục.

Với thâm niên bán trái cây gần chục năm ở góc phố đi bộ Nguyễn Huệ, bà Nhị kể lúc trước bà cũng có gánh hàng rong nhỏ để bán dọc các con phố. Bây giờ lớn tuổi, bà tìm một chỗ ngồi để bán cho khách qua lại. 

Nói về việc hàng rong bỏ chạy khi thấy trật tự đô thị kiểm tra, bà Nhị nói lúc trước bản thân bà cũng chạy miết. Hiện "quầy hàng" của bà Nhị là hai chiếc thùng xốp đựng đồ đạc, vài hộp trái cây và bà cho biết để có một chỗ ngồi bán ở đây cũng khá vất vả. 

Bà Nhị nói bản thân không chèo kéo, chặt chém khách hay làm phiền người khác nên cơ quan chức năng cũng "du di". Tuy vậy cũng có lúc tháo chạy chung với những người bán hàng rong khác khi có đợt tuần tra.

"Qua việc mấy người bán hàng rong đánh khách trên phố đi bộ vừa rồi, tôi cũng lo sợ trật tự đô thị và công an phường sẽ làm căng. Tôi sợ kế sinh nhai có thể bị ảnh hưởng lắm. Giờ mà bị đuổi không có chỗ buôn bán. Mong chính quyền có một giải pháp lâu dài cho những người bán hàng rong chúng tôi. 

Nếu sắp xếp thành các phố buôn bán, chúng tôi sẽ chấp hành đúng yêu cầu quy định. Mình làm ăn đàng hoàng thì không sợ chuyện bị sắp xếp, ai buôn bán chụp giựt mới sợ bị quản lý rồi truy ra khi chặt chém người dân, du khách", bà Nhị nhận định.

Sắp xếp hàng rong theo quy củ - Ảnh 2.

Hàng rong trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chú ý an sinh hơn đẩy đuổi

Về vấn đề quản lý người bán hàng rong và các đề xuất liên quan, UBND quận 1 cho biết không phải tất cả người buôn bán hàng rong đều có hoàn cảnh khó khăn. Có những trường hợp gia đình buôn bán hàng rong qua nhiều đời, những người không có nghề nghiệp ổn định, sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh theo mô hình lưu động hoặc có cả trường hợp một cá nhân nào đó đứng ra thuê người bán hàng rong.

Để ổn định vấn đề này, từ năm 2017 quận 1 đã có mô hình đảm bảo an sinh xã hội cho người dân như bố trí sắp xếp và tổ chức lại bán hàng ăn uống tập trung theo giờ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang mưu sinh kiếm sống trên vỉa hè. 

Từ đó hình thành các khu buôn bán như vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, công viên Bách Tùng Diệp. Tuy nhiên do hiện nay ở quận không còn khu vực phù hợp có thể tổ chức mở rộng theo mô hình trên dẫn đến mục tiêu ban đầu của đề án là thực hiện trật tự lòng lề đường gắn với an sinh xã hội không đạt được.

"Với người buôn bán hàng rong thường trú ở quận, chúng tôi vẫn chủ trương dạy nghề, hỗ trợ sinh kế cho họ chuyển đổi ngành nghề. Thời gian tới vẫn tiếp tục thống kê người bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn vận động chuyển đổi ngành nghề, tổ chức cho họ học nghề. 

Còn có một cái khó là nhiều người bán hàng rong từ nơi khác tới thì chúng tôi sẽ nhắc nhở, còn tái phạm chỉ có thể xử phạt", đại diện UBND quận 1 cho biết.

Riêng đối với khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Lê Nguyễn Việt Nam, phó chủ tịch phụ trách đô thị phường Bến Nghé, cho biết phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian mở có nhiều đường nhánh nên khi có lực lượng đi kiểm tra, người bán hàng rong chạy vào các đường này núp rồi quay lại sau đó gây khó cho việc kiểm tra xử lý.

"Phường sẽ kiến nghị Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, đơn vị quản lý phố đi bộ, tuyên truyền, treo thêm các biển cảnh báo, số điện thoại nóng của TP để người dân phản ánh khi có vấn đề. Phường cũng sẽ triển khai dán số điện thoại nóng của phường để người dân liên hệ trong trường hợp khẩn. 

Chúng tôi ở địa bàn nên sẽ phản ứng nhanh và hỗ trợ người dân kịp thời", ông Nam chia sẻ. Cũng theo ông Nam, phường vẫn tiếp tục duy trì và triển khai việc đảm bảo an ninh, trật tự tại đây hằng ngày.

Còn ở khu vực hồ Con Rùa, quận 3 vẫn thường xuyên tuần tra nhắc nhở người bán hàng rong và người dân. Về lâu dài quận này cũng có đề án tổ chức các phố đi bộ có kết hợp phục vụ buôn bán, ăn uống và sẽ sắp xếp lại người bán hàng rong.

Hai việc cần tập trung với bán hàng rong

TS Phạm Thái Sơn - giảng viên chính về kinh tế đô thị, chương trình phát triển đô thị bền vững, Trường đại học Việt Đức - cho rằng không nên "dẹp" người bán hàng rong một cách cứng nhắc như hiện nay.

Có thể đưa ra ý tưởng quy hoạch một tuyến đường, ô phố chuyên bán hàng rong sau đó đưa người bán hàng rong vào chỉ là một cách, trong nhiều giải pháp cần đưa ra. Nếu chỉ có cách làm này sẽ cực đoan vì vô hình trung không còn nhiều khách cho người bán hàng rong, bởi người bán hàng rong không chỉ bán cho du khách vãng lai mà còn có nhiều khách hàng thân quen lâu năm trong các hẻm phố. Nếu đưa họ tập trung về một nơi sẽ cắt đứt nguồn khách quan trọng và họ sẽ phản kháng.

Ông Sơn cho rằng giải quyết câu chuyện bán hàng rong chỉ cần tập trung hai việc: làm sao để người bán hàng rong không lấn chiếm quá nhiều vào không gian vỉa hè, công cộng và hoạt động của họ phải đảm bảo vệ sinh công cộng.

Điều quan trọng phải kết hợp nhiều cách thức tổ chức, tạo sự linh động cho người bán hàng rong dựa trên sự thỏa thuận, tức là chính thức hóa hoạt động của người bán hàng rong qua nhóm hội riêng.

Ở đó, cơ quan quản lý có thể đặt ra những quy định như yêu cầu người bán hàng rong có đồng phục, phải đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu... để đảm bảo nhận diện và quản lý tốt hơn.

T.LONG ghi

Muôn vẻ quản lý hàng rong ở Singapore, Thái Lan

HảngongphoTaubangkok 1(Read-Only)

Những người bán hàng rong ở khu phố Tàu, thủ đô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters

Ở nhiều thành phố trên khắp thế giới, các quán ăn đường phố là nơi lưu giữ hương vị ẩm thực địa phương và trở thành một nét văn hóa. Song với tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, hàng quán vỉa hè cũng tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Một trong những đô thị thành công trong việc quản lý hàng quán vỉa hè có thể kể đến Singapore. Vào cuối những năm 1960, Singapore có khoảng 24.000 người bán hàng rong, trong tổng dân số 2 triệu người vào thời điểm đó.

Theo trang KCET, Chính phủ Singapore đã đặt ra quy định yêu cầu tất cả người bán hàng rong phải đăng ký và chỉ định những địa điểm tạm thời bên ngoài đường phố để họ hoạt động. Trong những năm 1970 và 1980, các trung tâm bán hàng rong hoặc khu ẩm thực công cộng (hawker) đã được xây dựng để làm chỗ buôn bán cố định cho những hàng bán rong ngày trước.

Do khí hậu nhiệt đới nóng quanh năm của Singapore, các hawker được thiết kế mở. Hawker có cả khu vực ăn uống cho thực khách, và quan trọng nhất là cung cấp các cơ sở cố định để nấu ăn, lưu trữ, chuẩn bị thực phẩm.

Những trung tâm này cũng có đủ các tiện nghi vệ sinh như phòng vệ sinh, bồn rửa và các thùng chứa chất thải. Nhờ chính sách quy hoạch hợp lý, Chính phủ Singapore đã giải quyết được các vấn đề về an ninh hay an toàn thực phẩm của hàng quán vỉa hè, trong khi vẫn lưu giữ được văn hóa ẩm thực địa phương.

Tuy nhiên, việc quản lý hàng quán vỉa hè không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng. Theo trang Thaiger, tháng 6-2021, Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) của Thái Lan đã quyết định gia hạn giấy phép bán hàng rong từ một năm lên hai năm nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ kinh doanh nhỏ, khi họ bắt đầu chặng đường dài phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo luật pháp Thái Lan, những người bán hàng phải hoạt động ở những khu vực được chỉ định, vào những thời điểm được chỉ định. Mỗi khu vực có lịch trình riêng, cũng như số lượng vị trí hạn chế, do đó chỉ một số người bán nhất định được phép hoạt động trong một khu vực nhất định. BMA là cơ quan quyết định nơi các khu vực được mở cửa cho các hộ kinh doanh. Những người bán hàng mới chỉ có thể mở hàng hợp pháp ở ngoại ô, nơi vỉa hè ít tắc nghẽn hơn.

Người bán phải trả phí dọn dẹp hằng năm cho cơ quan quản lý, và những người bán hàng rong thức ăn phải chịu sự kiểm tra của sở y tế quận. Luật của Thái Lan quy định rằng những người bán hàng rong không được làm việc vào thứ hai hằng tuần để dành thời gian cho việc dọn dẹp đường phố. Chính quyền vẫn có quyền rút giấy phép buôn bán và không bồi thường cho người bán hàng nếu muốn thu hồi đất.

NGUYÊN HẠNH

Phản ứng với hàng rong hung hãn ở phố đi bộ: sao còn dùng cách Phản ứng với hàng rong hung hãn ở phố đi bộ: sao còn dùng cách 'thủ công'?

TTO - Dẹp hàng rong ở phố đi bộ: bao giờ thôi cảnh 'bắt cóc bỏ đĩa'?; Biểu tượng phải mang tính phổ quát… là những vấn đề nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online ngày 18-11.

L.PHAN - L.DUYÊN - B.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên