
Đại tá Nguyễn Như Trúc - phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 - thông tin về lễ kỷ niệm 30-4 tại TP.HCM, trong đó có hoạt động diễu binh - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM ngày 10-4, đại diện Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TP.HCM đã thông tin chi tiết về công tác tổ chức lễ 30-4, trong đó có diễu binh, diễu hành.
Đại tá Nguyễn Như Trúc - phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 - cho biết dịp lễ năm nay có tổng cộng 23 hoạt động trọng điểm do Bộ Quốc phòng triển khai, trong đó 4 hoạt động đã hoàn tất, điển hình như chương trình "Bản trường ca hòa bình".
Riêng Quân khu 7 phụ trách tổng duyệt, sơ duyệt các lực lượng vũ trang vào ngày 11 và 15-4 tại Trung đoàn Không quân 935 (Biên Hòa), sau đó tiếp tục luyện tập tại TP.HCM và sơ duyệt, tổng duyệt vào ngày 18 và 22-4 theo kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu.
"Theo tôi được biết, ngoài các nơi cố định (ở trung tâm TP.HCM) để sơ duyệt, tổng duyệt thì các tuyến đường khác đi lại bình thường. Người dân có thể đến gần một số khu vực nhất định để theo dõi. Còn kế hoạch cụ thể do Bộ Quốc phòng triển khai", đại tá Trúc nói.
Theo đại tá Trúc, lực lượng toàn quân có 32 khối tham gia diễu binh, trong đó Quân khu 7 đảm nhiệm tổ chức, huấn luyện 7 khối (3 khối nữ, 4 khối nam). Các khối nữ đại diện cho nữ chiến sĩ biệt động, du kích miền Nam và dân quân tự vệ. Các khối nam gồm sĩ quan cảnh sát biển, chiến sĩ giải phóng quân, dân quân tự vệ và quân nhạc.
Hiện nay, các lực lượng đang tích cực luyện tập tại Trường Quân sự Quân khu 7, Lữ đoàn 25 (Biên Hòa) và Sư đoàn 309 (gần ngã ba Vũng Tàu). Công tác hậu cần, ăn ở, quân trang đều được bảo đảm tốt để tham gia sơ duyệt, tổng duyệt theo kế hoạch chung.
Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng đang tham mưu tổ chức thành 5 đoàn diễu hành với tổng cộng 85 khối, quy tụ nhiều lực lượng từ các quân khu, binh chủng, đoàn thể.
Ngoài lễ diễu binh, TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam", diễn ra từ 8h đến 11h30 ngày 17-4 tại hội trường Học viện Cán bộ TP.HCM.
Một điểm nhấn khác là chương trình nghệ thuật "Đất nước trọn niềm vui", dự kiến tổ chức lúc 20h ngày 20-4 tại Hội trường Thống Nhất. Chương trình do Quân khu 7 chủ trì, huy động 425 diễn viên chuyên nghiệp và 600 diễn viên quần chúng đến từ các đoàn văn công trong toàn quân.

Khối nữ chiến sĩ biệt động tại buổi hợp luyện tại Trường Quân khu 7 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Một hoạt động thu hút sự chú ý đặc biệt là màn bắn pháo hoa hoành tráng tại nhiều điểm trên thành phố.
Ông Trần Văn Trung - chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM - cho biết theo kế hoạch, ngày 19-4 và 26-4, từ 21h30 đến 21h40, TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức).
Đêm 30-4, từ 21h đến 21h15 sẽ diễn ra đồng loạt 30 điểm bắn pháo hoa, trong đó có 2 điểm tầm cao: khu vực đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và khu Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).
28 điểm còn lại là pháo hoa tầm thấp, nổi bật có các điểm bắn trên sà lan như khu vực cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), sông Sài Gòn gần khu đô thị Vạn Phúc, và 3 điểm tại cầu tàu bến Bạch Đằng.
Ngoài ra, các điểm bắn tầm thấp còn trải rộng khắp thành phố như Rừng Sác (Cần Giờ), Bình Trị Đông (Bình Tân), Hội trường Thống Nhất, bán đảo Thanh Đa, Thảo Điền, công viên Landmark 81, cầu Tân Thuận, công viên văn hóa quận Gò Vấp, Đầm Sen,...
Gắn màn hình LED để người dân xem diễu binh lễ 30-4
Trước đó, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết thành phố đã chuẩn bị 20 màn hình LED để người dân theo dõi trực tiếp.
Các màn hình LED được bố trí như sau: Đường Lê Duẩn 6 màn hình, Nam Kỳ Khởi Nghĩa 3 màn hình, Lê Lợi 3 màn hình, Nguyễn Huệ 2 màn hình, Đồng Khởi 2 màn hình, Điện Biên Phủ 2 màn hình, Nguyễn Đình Chiểu 2 màn hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận