Ông Nguyễn Văn Thành - Ảnh: N.Ẩn |
Trong khi đó, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Ðồng Nai) chỉ sau gần một năm thông xe đã cho xe lưu thông từ 100 km/giờ lên tốc độ thiết kế 120 km/giờ.
Trả lời câu hỏi vì sao chậm tăng tốc độ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Nguyễn Văn Thành - phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - cho biết:
- Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư xây dựng. Công trình này được đưa vào sử dụng từ tháng 2-2010. Ðến năm 2013, chủ đầu tư đã bàn giao tuyến đường này về Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý và duy tu.
Ðể nâng tốc độ tuyến đường cao tốc này, cục đã giao Trung tâm kỹ thuật đường bộ (thuộc Tổng cục Ðường bộ VN), là đơn vị tư vấn thẩm tra an toàn giao thông, để nâng tốc độ cho xe lưu thông từ 100 km/giờ lên 120 km/giờ.
Ðể bảo đảm cho xe êm thuận và an toàn lưu thông trên tuyến đường khi nâng tốc độ lên 120 km/giờ, đơn vị tư vấn đã đề xuất cần trải thảm thêm lớp nhựa novachip (chất tạo nhám, công nghệ Mỹ) dày khoảng 2cm ở những đoạn có đường chui, cống đi dưới mặt đường cao tốc. Ðồng thời bổ sung biển báo giao thông, sơn phản quang trên mặt đường và lắp đặt bổ sung các thiết bị phòng hộ...
13 vụ tai nạn trên đoạn đường cao tốc dài 4km Theo Cục Quản lý đường bộ 4, trên đoạn đường cao TP.HCM - Trung Lương dài 4km, từ km13 đến km17 (thuộc địa bàn tỉnh Long An) đã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông trong năm 2013 và 2014. Trong đó có năm vụ tai nạn do nổ vỏ xe. Cụ thể xảy ra ba vụ ôtô bị nổ vỏ vào ngày 5-1, 3-9 và 14-9-2013 làm lật ba xe. Ngày 19-9-2013, một ôtô nổ vỏ vào làn dừng khẩn cấp bị xe sau đụng làm hai người bị thương. Ngày 19-10-2013, một ôtô nổ vỏ vào làn dừng khẩn cấp bị xe sau đụng. Riêng vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trên đoạn đường cao tốc trên xảy ra ngày 17-7-2014 do tài xế không làm chủ tốc độ khiến hai xe va chạm nhau làm bốn người chết và tám người bị thương. |
* Ðường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sử dụng chất tạo nhám bằng nhựa đường trong nước sản xuất nhưng số vụ nổ vỏ xe chỉ bằng 30-40% so với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sử dụng nhựa novachip. Ông có suy nghĩ gì về việc này?
- Theo tôi, qua thực tế điều kiện VN, việc sử dụng loại nhựa đường nào mà đáp ứng được các điều kiện cho xe lưu thông an toàn trên đường cao tốc và có chi phí rẻ thì nên làm loại nhựa đó.
* Chi phí để sửa chữa đường là bao nhiêu và bao giờ đường cao tốc này cho xe lưu thông với tốc độ 120 km/giờ?
- Ðơn vị tư vấn đang lập dự toán với kinh phí khoảng 6 tỉ đồng để sửa chữa đường nhằm nâng tốc độ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 120 km/giờ. Cục Ðường bộ 4 đã có báo cáo Tổng cục Ðường bộ VN về việc này.
Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối tháng 3 nếu được cấp trên xem xét chấp thuận sẽ cho tăng cường bổ sung các điều kiện an toàn giao thông ngay và cho điều chỉnh biển báo nâng tốc độ đường cao tốc.
* Theo ông, cần lưu ý các tài xế điều gì khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc này?
- Qua theo dõi các vụ tai nạn trên đường cao tốc, tôi nhận thấy nhiều vụ tai nạn xảy ra chủ yếu do nổ lốp xe, tài xế thiếu quan sát và giữ khoảng cách an toàn khi lưu thông. Vì vậy, trước khi lưu thông trên đường cao tốc, chủ xe và tài xế cần kiểm tra vỏ xe.
Trường hợp nếu vỏ xe đã mòn quá quy định thì cần loại bỏ ngay. Trường hợp xe bị nổ vỏ xe thì chuyển xe vào làn dừng khẩn cấp ngay. Ðặc biệt, trong quá trình lưu thông trên đường cao tốc, tài xế cần phải chú ý quan sát và giữ khoảng cách an toàn để kịp thời xử lý tình huống, nhất là khi đường cao tốc được nâng tốc độ lên 120 km/giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận