
Ninh Thuận là 1 trong 10 tỉnh có dân số ít nhất Việt Nam (theo số liệu tính đến giữa kỳ năm 2024). Trong ảnh: thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chính sách này thể hiện tư duy đột phá, mang ý nghĩa sâu sắc với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội; các chính sách phát triển kinh tế, hạ tầng, xã hội và môi trường sẽ dễ thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả hơn trên quy mô lớn.
Xét về khía cạnh hành chính, việc gộp các tỉnh nhỏ thành những đơn vị lớn hơn có thể giúp tinh giản bộ máy nhà nước sâu rộng hơn nữa so với những gì đang làm hiện nay, đồng thời giảm hơn nữa chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành.
Các chính sách phát triển cũng sẽ được quy hoạch lại một cách đồng bộ, tránh tình trạng phân tán nguồn lực, giẫm chân và chồng chéo trong quản lý.
Hơn nữa việc sáp nhập này cũng giúp tiết kiệm nhiều ngân sách, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội.
Về mặt kinh tế, sáp nhập tỉnh có thể tạo ra những vùng kinh tế quy mô lớn hơn, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển.
Một số tỉnh nhỏ, kinh tế kém phát triển có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của các tỉnh mạnh hơn, thụ hưởng nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại và các nguồn vốn đầu tư dồi dào.
Các tỉnh có diện tích lớn hơn, dân số đông hơn sẽ trở thành trung tâm kinh tế quan trọng, giúp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước do có thị trường rộng lớn và nguồn nhân lực dồi dào hơn.
Chính sách quy hoạch giao thông, đô thị, khu công nghiệp cũng sẽ được thực hiện trên quy mô lớn, tránh tình trạng manh mún và chắp vá.
Việc sáp nhập còn mang đến những thay đổi tích cực trong lĩnh vực xã hội, giúp giảm tình trạng khác biệt lớn giữa các tỉnh về mức sống, thu nhập và cơ hội phát triển.
Khi các địa phương được hợp nhất, chất lượng dịch vụ công như y tế, giáo dục và giao thông sẽ được nâng cao nhờ ngân sách và nguồn lực tập trung hơn thay vì dàn trải, phân tán như trước.
Đồng thời khi các tỉnh được sáp nhập, sự giao thoa văn hóa, kinh tế và xã hội sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, giúp phát triển đời sống toàn diện cho người dân.
Việc sáp nhập các tỉnh dù mang lại nhiều lợi ích tiềm năng song vẫn tồn tại không ít khó khăn và thách thức cần được xem xét cẩn trọng.
Trước hết, về mặt hành chính và quản lý nhà nước, quá trình sáp nhập đòi hỏi phải thay đổi hệ thống tổ chức bộ máy hành chính, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Điều này dẫn đến sự xáo trộn về nhân sự, trụ sở làm việc cũng như cơ cấu tổ chức, khiến nhiều cán bộ, công chức có thể mất vị trí hoặc phải điều chuyển công tác, gây tâm lý bất ổn.
Việc thống nhất các chính sách này là một thách thức lớn, đòi hỏi sự điều chỉnh hợp lý để tránh chồng chéo hoặc xung đột lợi ích.
Về mặt kinh tế, sự chênh lệch trong mức độ phát triển giữa các tỉnh sáp nhập có thể tạo ra tình trạng mất cân đối về nguồn lực.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư từ tỉnh phát triển hơn có thể lo ngại về việc phải chia sẻ các ưu đãi đầu tư với tỉnh kém phát triển, gây ra tâm lý e ngại. Bên cạnh đó việc sáp nhập tỉnh cũng đặt ra những khó khăn về văn hóa - xã hội.
Mỗi địa phương có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng, có thể dẫn đến khó khăn trong việc hòa nhập và tạo ra tâm lý không đồng thuận, kể cả việc tưởng như đơn giản là thay đổi tên địa danh hành chính.
Ngoài ra khó khăn về địa lý và hạ tầng cũng cần được đánh giá. Hệ thống giao thông chưa đồng bộ có thể khiến người dân mất nhiều thời gian hơn khi đi đến các cơ quan nhà nước mới.
Đồng thời, các dịch vụ công như y tế, giáo dục, an sinh xã hội có thể bị gián đoạn trong thời gian chuyển đổi, đặc biệt đối với những khu vực xa trung tâm hành chính mới…
Nói chung việc sáp nhập các tỉnh giúp mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cả về hành chính, kinh tế và văn hóa - xã hội chứ không phải chỉ để đáp ứng ba tiêu chí cơ học là quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Để đảm bảo việc sáp nhập diễn ra thuận lợi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một lộ trình hợp lý và các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có.
Điều quan trọng là phải đảm bảo sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp, tránh gây ra bất ổn trong quá trình chuyển đổi, từ đó giúp phát huy tối đa lợi ích của việc tái cấu trúc hệ thống hành chính địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận