Hiện trường vụ sụp lún đường cạnh chung cư 189A Cống Quỳnh (TP.HCM) do đào đất xây móng công trình lấn sát chung cư này - Ảnh: TIẾN LONG |
Điểm lại các vụ công trình xây dựng làm sụt lún nhà liền kề gần đây, ông Phan Ngọc Diêu - nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM - nhận định phần lớn là do phương pháp thi công chưa phù hợp, đơn vị thi công không khảo sát kỹ, không có biện pháp thi công thích hợp, không lên phương án thi công an toàn...
Do thiếu giám sát
“Nếu như căn nhà ở Hà Nội (nhà 41 phố Cửa Bắc, Q.Ba Đình - PV) không đào móng mà khoan cọc nhồi loại nhỏ thì sẽ không gây ảnh hưởng đến nhà lân cận (nhà 43 phố Cửa Bắc - PV)” - ông Diêu nhận định.
Ông Diêu phân tích: nhà bên cạnh có móng sâu 1m, công trình xây dựng đào hố sâu 2m thì đất dưới chân móng nhà bên cạnh chảy sang hố đang đào, làm hổng chân móng, gây sụt móng, sập nhà.
Ở đây không phải do địa chất mà do phương pháp thi công, đơn vị thi công đã không khảo sát các công trình lân cận và khi thi công cũng không có người giám sát, quan trắc thường xuyên nên để sự cố xảy ra.
Theo ông Diêu, đơn vị thi công muốn đào hố sâu hơn móng nhà bên cạnh thì phải sử dụng cừ larsen, tường vây, cọc ximăng ép... làm tường chắn xung quanh rồi mới đào. Trong quá trình đào móng phải có người có chuyên môn quan sát chặt chẽ, có thiết bị quan trắc thường xuyên để khi có hiện tượng bất thường xảy ra là phải xử lý ngay.
Thực tế có nhiều trường hợp đơn vị thi công bỏ mặc cho thợ thi công, không có người giám sát nên khi có sự cố xảy ra đã không kịp thời cảnh báo hoặc xử lý, chống đỡ.
Ông Diêu lưu ý chủ nhà nếu thấy công trình của nhà hàng xóm đào hố sâu hơn móng nhà mình và thấy nhà bị rung lắc, nứt tường hoặc có cảm giác nhà bị nghiêng thì phải báo cơ quan chức năng liền. “Hiện nay khoa học xây dựng đã tiến bộ, có biện pháp thi công khá an toàn có thể áp dụng cho những công trình xây chen, xây nhà trong khu nhà liên kế.
Biện pháp khoan cọc nhồi hiện nay rất phổ biến trên địa bàn TP.HCM. Những khu vực nền đất yếu như khu Nam, Nhà Bè vẫn sử dụng cách khoan cọc nhồi để xây dựng những công trình lớn. Có điều biện pháp này có chi phí cao hơn các biện pháp khác” - ông Diêu tư vấn.
Các chuyên gia nhận định đối với nhà riêng lẻ, người xây nhà vì muốn tiết kiệm chi phí nên sử dụng phương pháp đào móng hở hoặc ép cọc. Trong khi đó, phương pháp đào móng hở dễ bị chảy cát, nước từ công trình lân cận làm hổng chân đất dẫn đến sự cố nếu không có tường vây cho hố đào hoặc tường vây không an toàn.
Còn phương pháp ép cọc cũng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến móng, nứt tường nhà bên cạnh bởi cọc được ép xuống sẽ làm thay đổi phần đất xung quanh chỗ cọc.
Phải bảo đảm an toàn cho công trình lân cận
Một đội trưởng đội thanh tra địa bàn Sở Xây dựng TP.HCM lưu ý chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng làm lún, nứt, hư hỏng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận sẽ bị xử phạt theo quy định.
Trường hợp cấp bách, chủ nhà bị thiệt hại hãy báo ngay đến đường dây nóng của UBND phường hoặc các đội thanh tra địa bàn. Còn bình thường, chủ nhà bị thiệt hại có thể làm đơn yêu cầu xem xét, cơ quan chức năng sẽ khảo sát, tùy mức độ ảnh hưởng sẽ xử lý...
Theo vị đội trưởng nói trên, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm về phương án thi công an toàn. Hiện nay nhiều công trình xây dựng trong khu dân cư có mua bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ khảo sát những nhà lân cận trước khi thi công và sẽ bồi thường nếu việc thi công gây lún, nứt, thiệt hại.
Có trường hợp đơn vị thi công một công trình lớn ở một quận trung tâm TP mua bảo hiểm cho khoảng 10 căn nhà xung quanh...
Ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện nay Bộ Xây dựng có quy định phải khảo sát móng các nhà lân cận trước khi thi công, tuy nhiên bước này thường bị bỏ qua.
“Trước khi thi công móng cho công trình, đơn vị thiết kế, tư vấn và nhà thầu thi công bắt buộc phải khảo sát hiện trạng các nhà lân cận. Tùy thuộc vào kết cấu xây dựng, khoảng cách công trình, địa chất đất tốt hay xấu... để đưa ra giải pháp thiết kế đảm bảo an toàn” - ông Hiệp khuyên.
Vừa bị phạt vừa phải bồi thường Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận sẽ bị xử phạt theo quy định, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại. Nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được, và một bên có đơn yêu cầu thì chủ tịch UBND cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại. Nếu sau hai lần thỏa thuận mà bên bị thiệt hại đều vắng mặt không lý do thì bên vi phạm được tiếp tục thi công công trình sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng. Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án. Nếu công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết. (Theo thông tư 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận