Vụ việc nghiêm trọng diễn ra tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi khiến nhiều chuyến bay bị gián đoạn.
Truyền thông Ấn Độ cho rằng nguyên nhân một phần do tình trạng thời tiết khắc nghiệt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày tại thủ đô nước này.
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, khu vực sân bay Indira Gandhi ghi nhận lượng mưa khoảng 148,5mm trong vòng 3 giờ vào sáng sớm ngày 28-6, vượt quá lượng mưa trung bình của cả tháng 6.
Toàn thành phố 20 triệu dân ghi nhận lượng mưa lên tới 228,1mm trong 24 giờ kết thúc lúc 8h30 sáng, cao hơn 266% so với mức bình thường.
Bộ trưởng Hàng không Ấn Độ, ông Kinjarapu Rammohan Naidu, cho biết một phần mái che tại khu vực khởi hành của nhà ga 1 đã sập, khiến hoạt động bay phải dừng cho tới 14h.
Toàn bộ nhà ga - một trong ba nhà ga tại sân bay lớn và bận rộn nhất cả nước - được sơ tán và một cuộc điều tra về vụ sập đổ đã được tiến hành.
Người đứng đầu Sở Cứu hỏa Delhi (DFS), ông Atul Garg, xác nhận công tác cứu hộ đã hoàn tất với 8 người bị thương được đưa đến bệnh viện.
Sự cố này đã gây ra việc hủy ít nhất 10 chuyến bay và làm chậm 40 chuyến khác, với thời gian trì hoãn trung bình khoảng 50 phút.
Ngoài sự cố tại sân bay Indira Gandhi, nhiều khu vực khác của thủ đô New Delhi cũng bị ngập lụt, gây ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và ảnh hưởng đến dịch vụ tàu điện ngầm. Nhiều cư dân còn phàn nàn về tình trạng mất điện.
Sự cố này làm dấy lên những câu hỏi về chất lượng công trình và quy định lỏng lẻo trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ.
Đảng đối lập chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, cho rằng các dự án được khánh thành vội vàng trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 - 5 vừa qua.
Tuy nhiên Bộ trưởng Hàng không Naidu đã bảo vệ chính phủ, khẳng định phần mái sập thuộc khu vực cũ được xây dựng từ năm 2009, không phải phần mới do Thủ tướng Modi khánh thành vào tháng 3 năm nay.
Sự kiện này không chỉ gây xáo trộn cho ngành hàng không Ấn Độ - một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới - mà còn làm dấy lên lo ngại về an toàn cơ sở hạ tầng tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận