Bất chấp cảnh báo của cảnh sát, nhiều thanh niên Hong Kong vẫn xuống đường hôm 9-6 nhân tròn một năm ngày hơn 1 triệu người đã biểu tình phản đối dự luật dẫn độ - Ảnh: AFP
Mục đích của cuộc họp, theo tạp chí Nikkei Asian Review, là để xem xét lại lần cuối các điều khoản trong dự luật và thông qua ngay trong kỳ họp trước khi được đưa vào thực thi ngay lập tức tại Hong Kong.
Điều đó đưa đạo luật này trở thành một đạo luật được soạn thảo và thông qua nhanh nhất kể từ khi Trung Quốc thu hồi Hong Kong năm 1997.
Vì sao Bắc Kinh quyết làm nhanh?
Theo kế hoạch, người ta sẽ sớm biết những người bị truy tố tội "ly khai, lật đổ, khủng bố" cùng "các hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia khác" ở Hong Kong sẽ chịu hình phạt ra sao sớm nhất sau ngày 21-6 tới. Đạo luật cũng sẽ "bật công tắc" cho bộ máy an ninh đại lục hoạt động trong thành phố bên cạnh cơ quan đặc trách hoàn toàn mới của Hong Kong.
Theo giới quan sát, có lý do để các bộ não ở Bắc Kinh đẩy nhanh việc kích hoạt luật an ninh mới, theo Nikkei Asian Review. Lý do hàng đầu là cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Hong Kong (LegCo) tổ chức vào tháng 9 tới. "Chính quyền Trung Quốc đang gấp rút đưa dự luật vào thực thi để ngăn chặn những người có xu hướng dân chủ chiếm đa số trong LegCo sau cuộc bầu cử tháng 9", tạp chí của Nhật Bản nhận định.
Một lý do khác là các dự luật liên quan đại lục vừa qua như luật truy tố hình sự người xúc phạm quốc ca, dự luật dẫn độ đều gặp trở ngại khi đưa ra thảo luận ở LegCo và điều đó lý giải một phần vì sao Bắc Kinh quyết "làm nhanh, làm mạnh và làm khác" với dự luật an ninh.
Đại biểu Hong Kong sốc
Theo báo South China Morning Post (SCMP), khi quan chức Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ xây dựng luật an ninh cho Hong Kong tối 21-5, không chỉ nhiều người đang ở Hong Kong mà cả các đại biểu đặc khu đang ngồi ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh cũng bị sốc. Tờ báo được tỉ phú Jack Ma mua lại năm 2016 này cho biết các đại biểu Hong Kong hoàn toàn không biết gì về ý định của đại lục và chỉ được báo trong chiều 21-5, ngày khai mạc kỳ họp.
Trước đó, đã có một số thông tin trên báo chí rằng Bắc Kinh sẽ viện dẫn điều 23 của Luật cơ bản Hong Kong để yêu cầu chính quyền thành phố soạn thảo một dự luật an ninh để đối phó các cuộc biểu tình rầm rộ. Tuy nhiên, theo SCMP, chính quyền trung ương đã quyết định phải làm mạnh tay hơn như thế.
"Khi chúng tôi cầm được văn bản chương trình làm việc của kỳ họp chiều hôm đó, dự luật vẫn chưa xuất hiện. Rồi ông Lạc Huệ Ninh (trưởng văn phòng liên lạc của đại lục tại Hong Kong) xuất hiện và nói vắn tắt với chúng tôi về ý định làm luật. Lúc đó chúng tôi vẫn còn mù mờ không biết liệu họ có thể làm điều đó như thế nào", một trong 36 đại biểu Hong Kong kể lại.
Điều 23 trong Luật cơ bản Hong Kong yêu cầu chính quyền thành phố "tự ban hành các đạo luật cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai, chia rẽ và xúi giục lật đổ chính quyền nhân dân trung ương", tức Bắc Kinh. Nhưng khi công bố ý định làm luật, Trung Quốc đã tuyên bố không tin chính quyền địa phương đủ sức làm được với môi trường chính trị bị phân cực, theo SCMP.
Đây là điều đã khiến Trung Quốc bị các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu chỉ trích là vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh, bất chấp các tuyên bố của giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng các quyền tự do dân sự của người Hong Kong sẽ không bị tước bỏ. Washington và nhiều nước khác cho rằng việc Bắc Kinh thay Hong Kong làm luật vào năm 2020 - năm thứ 23 trong thỏa thuận dài 50 năm - là một sự can thiệp mang tính hủy hoại nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ".
8.981 Đó là số người biểu tình trong độ tuổi từ 11 đến 84 đã bị cảnh sát bắt giữ từ tháng 6-2019 đến cuối tháng 5-2020. 1.749 người đã bị truy tố, trong đó có 100 người đã bị kết án với 13 người ngồi tù từ 7 ngày đến 4 năm.
Cùng với việc tăng cường bắt giữ, theo SCMP, sự xuất hiện của COVID-19 đã khiến các cuộc biểu tình hạ nhiệt thấy rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận