Tối 5-3, hàng triệu người dùng Facebook, Instagram, Messenger trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, đột ngột bị đăng xuất khỏi các nền tảng này và không thể đăng nhập lại được trong hơn một giờ.
Tình trạng này có gây ảnh hưởng gì đến người dùng Việt Nam, nhất là về an toàn thông tin, đã trở thành một chủ đề được báo chí quan tâm trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6-3.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc "sập" Facebook có ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không, ông Trần Quang Hưng, phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho rằng bên cạnh Facebook, Việt Nam có nền tảng được nhiều người sử dụng là Zalo.
"Việc Facebook bị sập mạng còn là 'tín hiệu tốt', không phải do Việt Nam đã có mạng xã hội để chia sẻ thông tin mà quan trọng là sau sự cố, người dùng mạng xã hội 'giật mình' không biết mình có phải là nạn nhân của hacker hay không, đồng thời người dân có ý thức hơn trong việc đổi mật khẩu; tạo bảo mật hai bước để phòng" - ông Hưng nhìn nhận.
Do đó, theo ông Hưng, việc Facebook sập mạng ở quy mô rộng như đêm 5-3, ở một góc nhìn khác, lại mang lại "giá trị tích cực" cho người dùng Việt Nam.
Cũng theo ông Hưng, hiện nay nhiều người dùng Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào các nền tảng mạng xã hội nhưng vẫn chưa tìm hiểu và có đủ các kỹ năng sử dụng an toàn, bảo vệ thông tin cá nhân. Vì vậy, dù đã được các cơ quan chức năng, các chuyên gia liên tục cảnh báo, nhiều người vẫn bị lừa đảo qua mạng.
Nguyên nhân chủ yếu do người dùng chưa thực hiện các biện pháp bảo mật để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân, dù những biện pháp này cũng đơn giản, ví dụ như xác thực hai lớp, xác thực bằng OTP qua tin nhắn...
"Phần lớn các trường hợp bị mất tài khoản, bị lừa đảo là do mắc lỗi hoặc chưa sử dụng các biện pháp bảo mật" - ông Hưng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận