Thật ra cháu bé đang bệnh thủy đậu, đông y gọi là “thủy hoa”. Thủy là nước, nên Tịt Tuốt tôi gọi là “hoa nước” cho... nhẹ nhàng tí xíu.
Quá dễ để lây
Gọi là “thủy” vì trên da nổi lên những nụ “hoa” mọng như những giọt sương. Chúng xuất hiện nhanh, mọc làm nhiều đợt cách nhau 2 - 3 ngày, vì thế “hoa” ở một vùng da giống như trên một cành: thứ mới nhú chỉ là một chấm đỏ, thứ phồng lên hình giọt sương, thứ không trong veo mà lại đục như nước ngập mùa mưa, thứ xẹp xuống như nước rút sau cơn mưa chiều, thứ để lại chiến tích như rác rến mà ta gọi là “vẩy”. Một sự so sánh méo mó, nhưng thủy đậu là thế.
Bệnh đã được ghi nhận trong “Y thuyết” của Trương Quí Minh thời nhà Tống. Lúc đó, ông gọi là “Thủy hoa nhi” vì thấy các “hoa nước” xuất hiện ở trẻ nhỏ thành dịch. Y học hiện đại đã tìm ra thủ phạm gây thủy đậu là Varicella Zoster virus (VZV). Trẻ bị thủy đậu khi nói, ho, hắt hơi, khóc… các virus sẽ phát tán ra không khí. Chúng ta hít bụi (cái món này ở thành phố hơi bị nhiều) virus theo vào cơ thể và sinh nở thành “tập đoàn” và chỉ trong 2- 3 tuần là trình diện trên da. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông cơ sở là nơi bệnh dễ thành dịch, chỉ cần 1 trẻ bị bệnh là môi sinh nơi đó được rải virus.
Bệnh thường xuất hiện vào tháng 3 - 5 hàng năm. Bệnh chỉ có một điểm hay là nếu đã một lần bị “hoa nước” trên da thì cơ thể sẽ được miễn dịch suốt đời. Người nào từ bé chưa từng nếm trải lại được hít bụi thường xuyên thì cứ “hồn nhiên” thâu nhận con virus này, để rồi chúng sẽ hoành hành dữ dội: sốt 39 - 40 độ, “hoa” không hẳn là trong veo hay đùng đục mà thường là hoa hồng (xuất huyết), nếu không vô bệnh viện có thể tử vong.
Chớ coi thường mà ân hận
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu chẳng may bị thủy đậu, em bé đang ở thời kỳ phân chia để hình thành các cơ quan, gặp con virus này rất dễ bị dị dạng. Có một thể thủy đậu đặc biệt: Trẻ ra đời đã có mụn nước trên da kèm theo dị tật: teo cơ tay chân, đục thủy tinh thể (nhân mắt) gây mù và dị dạng não gây đần độn. Nguyên nhân là do mẹ bé bị thủy đậu nặng, lúc đầu là mụn nước, sau mụn xuất huyết tạo vẩy màu xám đen. Bởi vậy, các chị mang bầu xin hãy bớt tung tăng đi lại, ăn thức ăn đường phố.
Nhiều bà mẹ thấy bé sốt nhẹ, mọc “hoa” trên da mà vẫn chơi nghịch thì chủ quan, chở bé đi hết nơi này đến nơi khác, vô tình đã gieo mầm virus cho cộng đồng.
Thủy đậu tuy là một bệnh lành tính, không để lại di chứng rỗ hoa trên da, nhưng xin các chị, các bà mẹ chớ coi thường. Tại sao vậy? Bởi “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại”, cơ thể trẻ còn non yếu, khả năng chống đỡ kém. Những trẻ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh khác kèm theo rất dễ bị xuất huyết ở các mụn nước và trở thành “thủy đậu xuất huyết”. Lúc này bệnh trở thành cấp cứu, cần truyền máu và theo dõi nghiêm ngặt.
Một số khác do không được quan tâm chăm sóc kỹ, nên trẻ gãi móng tay vào mụn nước, chúng vỡ ra, nhiễm trùng, và lẽ ra con siêu vi chỉ gây tổn thương nông ở thượng bì, nay các vi khuẩn “đánh hội đồng” da bé tổn thương sâu đến hạ bì, khi lành bệnh nơi đây tạo thành những sẹo chả khác gì đậu mùa. Lúc ấy, với các mẹ là “sự hối hận muộn màng”, có chị còn gân cổ mà biện bạch rằng “Tại nó cứ gãi!”.
Trường hợp hiếm, nhưng đã xảy ra ở những trẻ suy dinh dưỡng, đề kháng kém là virus chẳng thèm ở ngoài lớp da nông, mà chạy thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan… gây tình trạng sốt dao động, trẻ li bì, quờ quạng tay chân, có thể co giật phải đưa gấp đến bệnh viện vì trẻ đã bị viêm não do thủy đậu.
Những trường hợp này nếu tích cực hồi sức, chữa trị thì cũng để lại di chứng thần kinh như điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển. Nếu trẻ tăng nhiệt độ, ho nhiều thì coi chừng bé bị viêm phổi do thủy đậu. Một con siêu vi tưởng như chỉ hoành hành ngoài da rồi hô biến nhưng chúng vẫn không từ bỏ cơ hội để chui vào trong cơ thể của bé mà gây hại, để lại di chứng cay đắng suốt cuộc đời.
Các bà mẹ cần làm gì?
Tốt nhất là nên đưa trẻ đến bệnh viện, không đắp lá, không vội vã cho uống bất kỳ loại thuốc gì. Nếu được điều trị ngọai trú cũng nên cử người chăm sóc bé như bôi xanh methylen lên mụn nước, mặc quần áo rộng, bởi “hoa nước” là miếng mồi ngon của các cô cậu ruồi.
Nếu trẻ ngứa có thể dùng sirô chống dị ứng, không để trẻ gãi làm vỡ mụn nước gây lan truyền sang vùng da bên cạnh và tạo cơ hội cho nhiễm trùng. Phòng thủy đậu bằng cách cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên chích ngừa (varilrix). Người lớn chưa từng bị thủy đậu cũng nên đi chích ngừa, đặc biệt là phụ nữ tuổi sinh nở. Với các chị có con bị thủy đậu xin để bé ở nhà ít nhất 1 tuần, không cho bé tiếp xúc với cộng đồng và đừng chủ quan rằng đó là “bệnh nhẹ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận