21/10/2018 18:54 GMT+7

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn

CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU
CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU

TTO - Mùa lũ, mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ 2018 lớn và sớm hơn năm trước. Sắp cuối lũ nhưng những ngày này, từ Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang đến An Giang, đâu đâu cũng chộn rộn "săn hàng".

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Xuân Phú (ngụ huyện Châu Phú) khoe chiến lợi phẩm sau một mẻ lưới - Ảnh: CHÍ HẠNH

Càng cuối lũ, hàng càng sôi động

Những ngày tháng 10 này, bà con miền Tây vẫn chưa ngơi tay; từ cánh đồng, mé sông hay đến các khu chợ xã, chợ ven đường cũng đầy ắp cảnh giao thương, thương lái săn lùng những món đặc sản miền Tây mùa lũ.

Đông đúc nhất là các tỉnh ở thượng nguồn sông Hậu, sông Tiền. Chẳng hạn ở xóm săn bắt và giăng lưới ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang, những ngày này bà con các ấp trong xã chia nhau đi săn một thứ hàng khác nhau.

Trên dòng sông Hậu, từng tốp ngư dân ngược xuôi theo con nước đánh lưới, ném chài bắt cá cơm sông, loại cá này cũng được xem là hàng hiếm gặp. Năm nay nước lớn nên cá khá nhiều và to. Với giá thu mua tại chỗ 30.000 đồng/kg, ngư dân đánh bắt loại cá này coi như trúng khá.

Nơi đây còn có hẳn một vài xóm chuyên đi săn bắt, hái lượm mùa nước lũ. Án ngữ lâu đời nay bên dòng kênh xã đội nhỏ ở ấp Bình Thuận là khu xóm săn chuột đồng; từ 1h sáng trở đi, nhà nhà đều sáng đèn, chuẩn bị dụng cụ rồi thức xuyên đêm...

Bà con đi rất xa, lên tận những vùng gò cao giáp biên giới. Hàng về, mọi người thay nhau chế biến, ướp lạnh đem đi bỏ mối ở TP Long Xuyên hoặc chuyển lên tận miền Đông Nam Bộ tiêu thụ. Giá chuột thu mua tại chỗ hiện 50.000 đồng/kg, nếu sơ chế lên gần 70.000 đồng.

Đi sâu vô nội đồng, ấp Bình Châu lại là "thủ phủ" của dân săn hến, cá linh. Chỉ cần chiếc ghe nhỏ là có thể kiếm khá "bộn". Ông Hồ Văn Bửng, 61 tuổi, thâm niên 20 năm đi bắt hến, nói tỉnh queo: Khó gì đâu, chỉ cần chiếc ghe nhỏ và cây vợt. Hến nằm lẫn dưới cát, chỉ cần dùng vợt cào xuống đáy sông giật mạnh là bắt thôi.

"Năm nay nước lớn, hến nhỏ như hạt bụi theo phù sa về sông rất nhiều và chỉ một tuần là hến lớn. Nếu trước đây mỗi ngày cào được 10kg, thì mùa lũ này tôi cào được 30-40kg", ông Bửng vui mừng kể.

Người dân xóm hến dùng một nồi nước to đun sôi để tách vỏ. Nhu cầu cao, hến lại không dễ kiếm nên thương lái thường đến tận nhà nông dân thu mua với giá cả trăm ngàn đồng/kg. Bà con còn tranh thủ hái, lượm thêm được cả chục ký cà na mọc ven sông. Cộng thêm tiền bán hến, bạn tin nổi không, mỗi ngày trung bình mỗi người cũng kiếm được cả triệu.

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 2.

Chuột đồng được cân ký bán cho đầu mối thu gom sơ chế ở ấp Bình Thuận, xã Bình Long, huyện Châu Phú - Ảnh: CHÍ HẠNH

Mùa lũ kiếm cả trăm triệu đồng

Ở huyện Tịnh Biên, cảnh đánh bắt, giao thương những loại đặc sản mùa lũ vui chẳng kém. Do đây là điểm thượng nguồn, nên nguồn sản vật cũng rất phong phú và đa dạng.

Sau những giờ đi thăm "bẫy" trên đồng vào ban ngày, dân vạn nài cập ghe về bến cùng những khoang hàng đầy sản vật đặc trưng đồng ruộng mùa lũ như: tôm, cua, ốc, rắn, lươn, cá linh, cá lăng, cá khoai, bông súng, điên điển… Chỉ trong ít phút, thương lái chờ sẵn ở đây đã gom sạch hàng.

Hàng ngày, tầm từ 3h - 6h sáng, dưới chân cầu Tha La, huyện Tịnh Biên có một khu chợ chuyên mua bán đồ đồng. Nơi này thực chất chỉ là khu đất nhỏ, nơi ngư dân và thương lái giao dịch tất cả các mặt hàng sản vật của mùa lũ đánh bắt vào ban đêm. Nguồn hàng ở đây phân phối lên các nhà hàng, quán ăn, siêu thị ở thành phố lớn.

Các mặt hàng đặc sản ở chợ Tha La tuy buôn bán mối nhưng cũng rất có giá như: cá linh trưởng thành 55.000 đồng/kg, cá lóc đồng 100.000 đồng/kg; rắn nước, rắn bông súng 130.000 đồng/kg; cá chốt 20.000 đồng/kg; cua đồng 40.000 đồng/kg; bông điên điển 40.000 đồng/kg… Đặc biệt, năm nay cá chạch đồng lại có vẻ khan hàng nên lên đến 160.000 đồng/kg. Bông súng cũng vậy, món bình dân này mùa này lại gần cả trăm ngàn đồng mỗi bó.

Chị Huỳnh Thị Yến Hiền (32 tuổi, ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) vui vẻ: "Ngoài đánh bắt bán cá đồng 3 tháng lũ, vợ chồng tui còn kiếm thêm 40 triệu đồng nhờ săn cá lóc đầu nhím bán giống. Loại cá này ít có, bắt được rộng trong mùng lưới dưới sông. Khi nước rút sẽ có chủ trại cá đến mua ngay tại chỗ".

Ở huyện An Phú cũng vậy, săn tôm càng sông mùa lũ coi mòi khấm khá; chẳng hạn mấy ông Nguyễn Văn Hồng (57 tuổi), Nguyễn Văn Giang (66 tuổi, cùng ngụ xã Vĩnh Hậu)... đi đặt lợp mỗi ngày cũng bắt được vài ký tôm càng, giá hiện tại gần 300.000 đồng/kg.

Mùa lũ 2018 không còn nhiều. Nhưng một số bà con vùng lũ ở miền Tây đã trúng khá. Không ít người cười khà khà bảo: Tính toán sơ sơ ba tháng lũ cũng kiếm khá bộn, có người rủng rỉnh cả trăm triệu đồng.

"Năm nay nước lớn, bà con mình khoái lắm, kiếm tiền khá hơn những mùa khác. Hiện nước đang rút nên cá chạy dớn càng nhiều hơn".
(chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu Mai Văn Đẳng)

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 4.

Ngoài tôm cá, mùa lũ còn là cơ hội để nông dân kiếm thêm tiền từ việc hái, lượm cà na mọc ven sông - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 5.

Ngoài đánh bắt, người dân miền Tây còn kiếm được thu nhập kha khá từ cây bông điên điển mọc ven sông - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 6.

Cá chốt có rất nhiều trong mùa lũ, được người dân chế biến đem phơi khô bán với giá rất đắt đỏ, 200.000 đồng/kg - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 7.

Rắn nước, rắn bông súng rất hiếm, săn bắt không đủ bán. Lái thu mua với giá 160.000 đồng/kg - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 8.

Nông dân ở huyện An Phú khoe chiến lợi phẩm tôm càng sông - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 9.

Mỗi hộ dân ở xóm cào hến (ấp Bình Châu, xã Bình Long, huyện Châu Phú) mỗi ngày kiếm cả triệu đồng nhờ phù sa đưa con hến về nhiều - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 10.

Cá linh được nông dân nuôi trong dớn ngoài đồng đến tuổi trưởng thành rồi kéo ra sông chờ thướng lái đến cân. Trong ảnh là mẻ dớn trúng đậm cá linh, với hàng trăm ký cá của ông Lê Minh Tư ở xã Bình Long, huyện Châu Phú - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 11.

Năm nay lũ lớn, lượng cá linh về rất nhiều, mỗi lần dở dớn nông dân kiếm được từ 50-100kg cá - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 12.

Bông súng ma, rau muống đồng cũng được xem là sản vật mùa lũ. Năm nay, bông súng ma khan hiếm nên chỉ đủ bán ở chợ địa phương và vùng lân cận - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 13.

Bông súng ma, rau muống đồng cũng được xem là sản vật mùa lũ. Năm nay, bông súng ma khan hiếm nên chỉ đủ bán ở chợ địa phương và vùng lân cận - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sắp cuối lũ 2018, giá cả đặc sản lũ miền Tây càng chộn rộn - Ảnh 14.

Tép bạc, lươn, cá rô đồng được cân bán mối cho lái tại chợ Tha La ban đêm - Ảnh: CHÍ HẠNH

CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên