01/08/2020 11:15 GMT+7

Sập bẫy dự án 'ma' - Kỳ 2: Có tiền mua đất, giờ đi ở nhờ

SƠN ĐỊNH - TUYẾT MAI
SƠN ĐỊNH - TUYẾT MAI

TTO - Không chỉ Công ty Rồng Đất, hiện nay ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai còn rất nhiều nạn nhân có thu nhập thấp mắc bẫy dự án 'phân lô, bán nền' hoặc một mảnh đất bán cho nhiều người.

Sập bẫy dự án ma - Kỳ 2: Có tiền mua đất, giờ đi ở nhờ - Ảnh 1.

Bản vẽ ông Giang phân lô bán nền lừa lấy hàng chục tỉ của người mua - Ảnh: T.M.

Tiền đã trao nhưng đất không được nhận, người dân làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng thì được hướng dẫn đi kiện... dân sự. Sự chậm trễ hoặc lẫn lộn giữa hình sự với dân sự khi xử lý các dự án "ma" khiến cho nạn nhân "khóc dở, mếu dở", còn đối tượng lừa đảo thì vẫn nhởn nhơ bán đất cho nhiều người.

Lấy tiền tỉ rồi biến mất

Nhắc đến chuyện mua đất, ông Nguyễn Đăng Nhạ - một người bán thịt heo (ngụ P.Phước Tân, TP Biên Hòa) - kể: "Cuối tháng 11-2017, tôi hay tin ở ấp Tân Lập, xã Phước Tân (nay là P.Phước Tân, TP Biên Hòa) có dự án phân lô, bán nền nên tìm mua. Khi đến nơi, tôi thấy khu vực này trồng trụ điện, có mấy căn nhà xây dựng sẵn và có đường bêtông kết nối nên gặp chủ đất làm hợp đồng mua hai lô 300m2 với giá gần 1,8 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất". 

Theo các hợp đồng ký giao nhận tiền, ông Nhạ đã ký với người đứng tên thửa đất 53 thuộc tờ bản đồ số 20 ở ấp Tân Lập, P.Phước Tân là ông Trịnh Thế Giang.

"Nhưng hơn hai năm qua, ông Giang không giao đất. Tôi đòi lại tiền thì ổng đi biệt tăm. Bao nhiêu tiền chắt góp tôi mất trắng, phải đi ở thuê. Gửi đơn tố cáo nhưng không ai giải quyết. Nay thì chủ đất chuyển nhượng lô đất lại cho người khác rồi" - ông Nhạ nói.

Được hỏi vì sao không hỏi chính quyền về tính pháp lý của khu đất rao bán, ông Nhạ cho biết: "Trước giờ có mua đất gì đâu. Bán đất ở quê, muốn có cái nền cất nhà lo cho con cái thì thấy nhân viên rao bán rầm rộ trên cả khu đất rộng, có bản vẽ chia lô, có cột điện, đường nội bộ nên tin vào mua. 

Cọc tiền được vài ngày, nhân viên gọi nói đóng sớm sẽ giảm giá được vài chục triệu nên hai vợ chồng ra ngân hàng rút tiền trả đủ hai lô. Không ngờ bị họ lừa".

Tương tự, tháng 10-2017, anh Hồ Đức Thắng (ngụ P.Phước Tân) sống nhiều năm gần khu đất ông Giang rao bán nên cũng bỏ tiền ra mua và giờ thì... không tìm được tăm hơi của chủ đất. Anh Thắng kể: "Gia đình chắt góp từng đồng, mong có một mảnh đất để cất nhà. 

Khi thấy dự án ông Giang đưa bản vẽ rao bán 73 lô, rồi ra hiện trường thấy có cột điện cắm sẵn, có đường nội bộ nên rất tin tưởng. Tôi mua một lô hơn 100m2 với giá 275 triệu đồng. Ngày 10-11-2017, ông Giang viết giấy tay nhận đủ 275 triệu, giờ đây đất không có mà tiền cũng không lấy lại được".

Việc ông Trịnh Thế Giang phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp thu tiền của rất nhiều người diễn ra trong suốt thời gian dài. Cụ thể, đến tháng 6-2018, anh Đinh Thế Tùng Quân (ngụ TP Biên Hòa) nghe ông Giang đang rao bán nên cũng đến tìm hiểu. 

Thấy có bản vẽ, chia lô, đánh số nên gia đình anh Quân tin tưởng mua hai lô. Đóng tiền xong nhưng không thấy ông Giang giao đất như cam kết, anh Quân vừa tố cáo vừa "làm dữ" nên ông Giang mới trả được... 40 triệu đồng rồi lặn mất.

Sổ đỏ đã thế chấp vẫn phân lô bán

Anh Đinh Thế Tùng Quân cho hay: "Nhiều lần chúng tôi làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Giang đến cơ quan điều tra nhưng được trả lời không có dấu hiệu tội phạm". 

Theo anh Quân, có nhiều người mòn mỏi kêu cứu không được đã nộp đơn khởi kiện ra tòa nhưng vẫn chưa được giải quyết. 

"Riêng tôi không khởi kiện, chỉ tố giác và kèm hồ sơ chứng minh hành vi lừa đảo của Giang, nhưng cơ quan điều tra trả lời vụ việc này tòa đang thụ lý nên không giải quyết. Hiện bao gia đình rất khổ sở vì trò lừa đảo của ông Giang" - anh Quân nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, phần đất ông Trịnh Thế Giang tự "vẽ dự án" phân hơn 70 lô để bán thuộc ba thửa số 53, 54, 219 (tờ bản đồ số 20, ấp Tân Lập, P.Phước Tân) là đất nông nghiệp, có tổng diện tích hơn 1ha. 

Ngày 6-11-2017, ông Giang đã thế chấp cả ba thửa này cho ngân hàng với tổng số tiền 12 tỉ đồng. Thế nhưng trong khi "sổ đỏ" đã được thế chấp, ông Giang vẫn phân lô, bán nền thu hàng chục tỉ đồng của nhiều người dân.

Có dấu hiệu lừa đảo

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi chủ sở hữu, chủ sử dụng quyền sử dụng đất đang thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cho nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau có thể cấu thành tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự.

Ở đây, ông Giang đã có hành vi gian dối là đưa ra thông tin không chính xác, không đúng sự thật khách quan làm cho người mua đất tin đó là sự thật. 

Ông Giang đã đưa ra các thông tin về các thửa đất thuộc sở hữu của mình đã được phân lô, bán nền, lập các bản vẽ hiện trạng lô đất được phân lô và cho rằng đây là hồ sơ pháp lý của dự án. 

Trên thực tế, người này không phải là chủ dự án vì phần đất này cơ quan chức năng có thẩm quyền không cho phân lô, bán nền.

"Tôi cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra khi nhận được đơn tố cáo từ người dân cần nhanh chóng, kịp thời xác minh sự thật khách quan của vụ việc, hướng dẫn người dân cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ, góp phần ngăn chặn phạm vi ảnh hưởng của các dự án "ma", đồng thời tiến hành xử lý khi có dấu hiệu phạm tội" - luật sư Mạch nêu.

Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM) lưu ý hiện nay do nhu cầu đất ở tăng cao, giá trị lợi nhuận lớn, một số người bất chấp các điều kiện bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật, tự ý phân lô, bán nền cho người sử dụng, dẫn đến hậu quả người mua bị mất tiền và không nhận được đất như cam kết. 

Do vậy khi nhận chuyển nhượng, người mua nên để ý xem đất đó đã đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật chưa. 

Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng không xử lý triệt để những đối tượng lừa đảo đất đai đã vô tình tạo điều kiện cho đối tượng có hành vi lừa đảo xem thường pháp luật, gây mất an ninh xã hội và gây thiệt hại lớn cho người dân.

Chính quyền địa phương nói gì?

Ông Huỳnh Thanh Phương - phó chủ tịch UBND P.Phước Tân (TP Biên Hòa) - cho biết: "Khu đất ông Giang xây nhà, dựng cột điện, phân lô rao bán hoàn toàn trái phép. Khi phát hiện, phường đã lập biên bản xử lý và cưỡng chế".

Theo ông Phương, thời điểm đầu năm 2019, người dân có đơn yêu cầu mời chủ đất giải quyết, phường đã mời nhưng ông Giang không đến nên người dân đã làm đơn tố cáo đến công an.

Cũng theo ông Phương, đến nay sau khi cưỡng chế thì khu đất này cỏ mọc um tùm và ông Giang đã sang nhượng cho một người khác.

Sập bẫy dự án Sập bẫy dự án 'ma' - Kỳ 1: Không có một tấc đất vẫn 'đẻ' ra dự án để lừa

TTO - Ở các khu vực đang được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng hoặc xây dựng các khu công nghiệp, đất đai ngày càng tăng giá. Cùng với đó, các chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

SƠN ĐỊNH - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên