TTCT - Tôi là một người đã từng sống thử. Tôi có đi đến hôn nhân sau cuộc sống thử ấy không? Không, chúng tôi đã chia tay sau đó. Vậy tôi có hối hận vì đã sống thử không? Không, không hề... Nói rõ như vậy để khẳng định rằng quan điểm của người viết là ủng hộ chuyện sống thử, nhưng nó không nhất thiết phải là quan điểm của tờ báo. Và tôi hoàn toàn tôn trọng những quan điểm khác mình. Sự tranh luận là bình thường, và nên có, vì đây là một diễn đàn. Những bài giảng lỗi thời Em trai tôi vừa tốt nghiệp đại học, đã có việc làm và vừa thuê nhà riêng để sống (và có thể sẽ sống cùng bạn gái). Thấy em lui cui dọn dẹp đồ đạc qua nhà mới, tôi hỏi có cần tấm nệm đôi không, tôi tặng. Nó bảo: “Em mua cái mới rồi”. Tôi hỏi thêm vậy có cần đồ nấu nướng gì thì cứ lấy sang. Thế là cậu chàng xuống bếp vơ một số chén đũa xoong nồi, cái gì cũng một đôi, bỏ vào hộp mang đi. Và từ hôm đó em trai không ngủ ở nhà tôi nữa. Có phải em trai tôi đang bắt đầu cuộc sống chung cùng bạn gái? Tôi tin 80% là vậy, và tôi không phản đối. Nếu làm một cuộc tìm kiếm trên Google với cụm từ “sống thử”, chỉ trong vòng 0,68 giây đã ra hơn 5 triệu kết quả. Trong đó, dẫn đầu là những bài báo kiểu: 6 lý do bạn gái không nên sống thử, Sống thử chỉ con trai được hời; Sống thử mất nhiều hơn được; Sống thử và những hệ lụy; Sống thử - hậu quả thật; Đừng dại mà sống thử; Sống thử - tiếng chuông cảnh tỉnh cho giới trẻ... Những bài viết này không sai, nhưng tôi... không có hứng thú để click vào, vì chưa đọc tôi đã đoán được những gì được viết trong đó. Tôi - một người phụ nữ trưởng thành đã hơn 30 tuổi và luôn có bạn trai - không có hứng thú với những “bài giảng” kiểu như vậy (“người giảng” chưa chắc đã có đời sống lành mạnh hơn chúng tôi) thì đã đành. Nhưng cậu em 9X của tôi - đối tượng mà mấy bài báo này hướng tới - thì càng... không đọc! Vì sao ư? Vì nó cũ quá chứ sao! Rõ ràng 20-30 năm trước, chả mấy ai sống thử cùng người yêu cả, những chung đụng nam nữ trước khi chính thức kết hôn là điều cấm kỵ. Nhưng bây giờ thì khác, cuộc sống phát triển, công nghệ phát triển, văn hóa phương Tây tràn vào, nếu đòi hỏi các bạn trẻ cứ thế nhìn nhau... “yêu chay” như thế hệ ông bà bố mẹ khi xưa thì đâu có “lọt tai” mấy bạn ấy. Thực tế diễn ra như vậy, giới trẻ rủ nhau sống thử ầm ầm, các bậc phụ huynh giật mình, đỏ mặt tía tai, lo lắng, xấu hổ... Và người lớn chúng ta luôn có một “tật xấu khó bỏ” mà người trẻ không ưa là: luôn cho mình đúng, chúng nó sai. Nghe thì rất hợp lý, rằng chúng ta lớn tuổi hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, biết rõ về cuộc đời hơn, vậy nên chắc chắn là chúng ta... khôn hơn. Và thế là người lớn mặc sức dạy dỗ người trẻ phải làm gì với cuộc đời của họ trong thời đại họ đang sống theo hướng mà chúng ta muốn trong thời mà chúng ta đã sống. Trong những lời dạy bảo đó, luôn có chữ “không nên”, “không được”, “đó là điều cấm kỵ”... Nhưng thói đời, hễ cái gì càng cấm lại càng hấp dẫn. Ngày nay dường như chuyện cấm đoán hoặc lên án không còn hiệu quả nữa, đôi khi còn phản tác dụng, bởi người trẻ với cái tôi hiếu thắng của mình sẽ chỉ cố chứng minh điều ngược lại. Sống thử - tôi được gì và mất gì? Để không trở thành kiểu người rao giảng lý thuyết sách vở, tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể là trường hợp sống thử của chính tôi. Tôi và người yêu (nay đã là người cũ) gặp nhau ở San Francisco. Chúng tôi quyết định dọn về sống cùng nhau không lâu sau đó. Lý do là vì chúng tôi muốn được ở bên nhau nhiều hơn - đây là điều mà bất kỳ cặp đôi đang yêu nào cũng mong muốn. Mỗi ngày nhìn thấy nhau, ăn tối cùng nhau, đi siêu thị cùng nhau, chạy bộ cùng nhau, dắt chó đi dạo cùng nhau, đọc sách cùng nhau, trò chuyện cùng nhau, ngủ cùng nhau... Đó là những ngày thanh xuân tươi đẹp, tràn đầy hạnh phúc và những khoảnh khắc đáng nhớ. Sống thử về cơ bản cũng giống như hôn nhân, hai người về chung một nhà và vì thế sự kết nối trở nên đậm đặc hơn, sự chia sẻ sâu sắc hơn, và tình yêu trở nên gắn kết hơn. Nếu sống thử có vẻ êm đềm với người trong cuộc như vậy thì cớ sao người ngoài lại lên án? Vì họ cho rằng chuyện tình dục trước hôn nhân là xấu? Hay vì họ lo ngại những hậu quả có thể xảy ra như việc có thai ngoài ý muốn và những vỡ mộng khác? Trước hết, tôi xác nhận tình dục là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thử. Nó xảy ra với mật độ thường xuyên hơn vì giờ đây hai người đã ở chung một nhà và có nhiều không gian lẫn thời gian riêng tư hơn. Tôi vẫn luôn tin rằng về bản chất, tình dục trước hay sau hôn nhân không khác nhau, nó đều là một sự gắn kết về sinh lý và cảm xúc giữa hai con người ở một mức độ cao nhất. Vậy nên, nó không có gì là đáng xấu hổ, phần lớn mọi người ai cũng thực hành chuyện đó trong đời mình. Ta chỉ nên phân biệt giữa tình dục có tình yêu và tình dục không tình yêu mà thôi - hai điều này mới khác nhau hoàn toàn. Vấn đề ở đây là làm sao để có tình dục an toàn và có trách nhiệm với bản thân lẫn người cùng sống với mình. Vậy nên, cái người trẻ quan tâm là những thông tin và kiến thức “làm chuyện ấy an toàn”, chứ không phải là “không được làm chuyện ấy”. Chuyện dính bầu khi chưa sẵn sàng và nạn phá thai không hẳn là hệ lụy của sống thử mà là hậu quả trực tiếp của tình dục thiếu an toàn và thiếu hiểu biết. Tình dục thiếu an toàn và thiếu hiểu biết có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào khi bạn thiếu cảnh giác, dù là lúc đó bạn có đang sống thử hay không. Còn chuyện vỡ mộng về nhau? Tôi xác nhận là nó có thật, và khá là khó chịu. Cũng giống như trong hôn nhân, thời gian đầu hai người mới dọn về thì “lửa yêu” vẫn đang ngụt cháy, được ở bên nhau mỗi ngày là điều hạnh phúc nhất. Nhưng chén đũa chung chạn còn xô nhau, huống gì là hai con người với hai tính cách khác nhau. Những mâu thuẫn không sớm thì muộn cũng sẽ hình thành, từ chuyện nhỏ nhặt thường ngày cho đến quan điểm sống, các kế hoạch tương lai... Tôi và bạn trai cũ thường cãi nhau chuyện... luộc mì, chỉ vì anh ấy là người Ý nên phải luộc mì theo kiểu Ý và không được chế xốt cà chua vào mì khi ăn (“Ai lại ăn mì Ý như vậy?!” - anh ấy than thở). Tôi thì không thích chuyện anh ấy hay vùi mặt vào máy tính mà không thích ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Chúng tôi không gấu ó chuyện tiền bạc như một vài đôi khác, nhưng lại bất đồng quan điểm về chuyện tương lai. Cuối cùng, chúng tôi chia tay. Vậy là sau khi sống thử, tôi được những kỷ niệm tuyệt vời, và mất đi một anh chàng người yêu. Chia tay rồi, có sao không? Nhiều người sẽ bảo đấy thấy chưa, ai sống thử rồi cũng có kết cục chia tay thôi, rất hiếm đôi nào đi đến kết hôn. Nhưng cứ nghĩ mà xem, nếu như hai người đã không hợp nhau, nếu người này đã thất vọng về người kia, nếu người này đã bỏ rơi người kia thì sao lại phải cố kết hôn cho bằng được? Chẳng phải sống thử cũng là một cách để nhận ra chuyện đó sao? Và nếu như ai đó nói rằng khi kết hôn, dù không hợp nhau thì cũng rất khó chia tay vì các thủ tục ly dị phức tạp, thế có nghĩa ta sẽ cứ thế mà chịu đựng nhau cả đời? Nếu được chọn giữa việc chia tay một người yêu và việc ly dị một người bạn đời, tôi nghiêng về phương án đầu hơn, vì nó sẽ ít hơn những hệ lụy phức tạp. Mà suy cho cùng, sao mọi người lại cứ trầm trọng hóa chuyện chia tay như vậy? Dù là sống thử hay đã kết hôn thì khi một mối quan hệ không còn phù hợp nữa, nó nên kết thúc. Khi cánh cửa này đóng lại, chỉ cần bạn thôi nhìn mãi vào nó thì sẽ thấy những cánh cửa mở khác. Vậy nên tôi không quan trọng chuyện sống thử có cái kết viên mãn hay không, mà là sống thử đem lại cho ta những bài học gì, trải nghiệm gì trong hành trình yêu và sống của mình. Tất nhiên, nếu bạn không sống thử mà kết hôn luôn, chẳng sao cả. Nếu bạn sống thử rồi mới kết hôn, hoặc sống thử rồi chia tay, rồi gặp người khác, rồi mới kết hôn, chẳng sao cả. Hoặc là nếu bạn biến sống thử thành sống thật mà không bao giờ kết hôn, cũng chẳng vấn đề. Chúng ta có quyền chọn cho mình đời sống mà mình thấy hứng thú nhất. Tôi vẫn ủng hộ chuyện sống thử của người trẻ bây giờ, với điều kiện cả hai người đã đủ lớn, đủ yêu nhau, có sự chuẩn bị về tâm lý, kiến thức và cả tài chính. Hôm nọ ngồi nói về kế hoạch tương lai, cậu em tôi bảo đã được nhận vào làm ở công ty phần mềm đó với mức lương thế này, bạn gái cậu đang làm nhân viên kinh doanh cho công ty thương mại trực tuyến kia với mức lương thế nọ. Hai đứa dự định sẽ dành dụm và cưới nhau vào ngày kỷ niệm 10 năm quen nhau (cả hai quen nhau từ hồi phổ thông, hiện giờ đã đến năm thứ 7). Tôi hỏi lỡ đến lúc đó thay đổi thì sao, em cười bảo: “Thì mình sẽ phải thay đổi theo sự thay đổi đó”. Tức là, dù cho em tôi có đang thực hành sống thử cùng bạn gái đi chăng nữa thì chuyện cả hai có đến được với nhau hay không, tình yêu đó có cái kết tốt đẹp hay không vẫn là chuyện của tương lai không thể đoán định hay cưỡng cầu. Em sẽ tự học lấy bài học (nếu có) của mình bằng trải nghiệm của chính mình, và sẽ tự biết cách điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn của đời sống trưởng thành.■ Tags: Sống thửDạy giới tính cho conDạy giới tínhỦng hộ sống thửPhản đối sống thử
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.