Phóng to |
Bề mặt sao Thủy - Ảnh: NASA |
Theo tạp chí Nature Geoscience ngày 16-3, nhóm nghiên cứu do hai chuyên gia Paul K.Byrne và Christian Klimczak thuộc Viện Carnegie ở Washington dẫn đầu đã phân tích các bức ảnh và dữ liệu địa hình do tàu Messenger chụp được.
Họ xác định bán kính sao Thủy đã thu hẹp 7km trong vòng 4 tỉ năm qua. Các chuyên gia cho biết hành tinh gần Mặt trời nhất thu nhỏ lại do đá và kim loại bên trong lõi của nó nguội dần. Trên thực tế, giới khoa học đã phát hiện việc sao Thủy thu nhỏ khi tàu không gian Marine 10 bay qua sao Thủy vào giữa thập niên 1970.
Tuy nhiên tàu Marine 10 chỉ chụp được ảnh 45% bề mặt sao Thủy trong hai năm 1974 và 1975. Khi đó các nhà khoa học ước tính đường kính sao Thủy chỉ thu hẹp 1-3km. Tàu Messenger được đưa lên không gian năm 2004 và bay vào quỹ đạo sao Thủy năm 2011 đã chụp được nhiều hình ảnh chi tiết hơn.
“Với tàu Messenger, chúng ta đã có được hình ảnh độ nét cao của toàn bộ sao Thủy mà tàu Marine 10 không thể chụp được vào thập niên 1970” - chuyên gia Steven Hauck thuộc ĐH Case Western Reserve, một trong những người tham gia nghiên cứu, cho biết.
Có đường kính khoảng 4.880km, sao Thủy có bề mặt là lớp đất đá mỏng. Lõi của nó là kim loại. Các chuyên gia cho biết một phần lõi kim loại của sao Thủy vẫn còn ở dạng lỏng, nhưng phần lớn đã nguội đi và cô đặc.
Sắp tới châu Âu và Nhật sẽ thực hiện một dự án chung nghiên cứu sao Thủy, tiếp nối hoạt động quan sát của tàu Messenger.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận