01/07/2019 11:51 GMT+7

Sao phải thi THPT rình rang, tốn kém trong khi có thể thi như thi lái xe?

TRẦN NAM THẮNG
TRẦN NAM THẮNG

TTO - Liệu có thực sự cần thiết phải tổ chức coi thi một cách rình rang và tốn kém như hiện nay? Có cách nào giảm thiểu những chi phí quá lớn cho hoạt động coi thi mà hiệu quả vẫn tốt hơn không?

Sao phải thi THPT rình rang, tốn kém trong khi có thể thi như thi lái xe? - Ảnh 1.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM dặn dò, động viên đoàn cán bộ, giảng viên trường trước giờ làm nhiệm vụ coi thi tại Tỉnh Long An trưa 23-6. - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó chính là trăn trở của bản thân tôi, với vai trò là một cán bộ coi thi và cũng là một giáo viên đang giảng dạy tại một trường ĐH.

Theo tôi, không cần bỏ ra một nguồn lực lớn như vậy trong việc coi thi và đánh giá học sinh, mà chỉ cần một giải pháp đơn giản hơn nhiều với chi phí rất thấp để có thể thực hiện tốt hoạt động này và kết quả vẫn chính xác, minh bạch và tốt hơn rất nhiều lần.

1. Xây dựng ngân hàng đề thi và đáp án cho từng môn thi và sau đó số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu online. Ngân hàng đề và đáp án được số hóa và bài thi của thí sinh được chấm hoàn toàn tự động. Mỗi thí sinh khi dự thi, bốc ngẫu nhiên đề thi của mình từ ngân hàng này và thực hiện bài thi của mình trực tiếp trên máy tính.

Giả sử với mỗi môn thi, có một ngân hàng đề khoảng 2.000 câu hỏi, mỗi thí sinh khi đăng ký thi sẽ có một mã đề riêng của mình, với các tổ hợp câu hỏi khác nhau từ những hợp phần khác nhau trong một môn học.

Thí sinh sau khi thi có thể biết ngay kết quả điểm thi của mình và kết quả này được cập nhật ngay vào ngân hàng dữ liệu của quốc gia trên toàn quốc, phục vụ cho việc truy xuất, đánh giá, xếp hạng... và có thể được sử dụng và tham chiếu lâu dài.

Cơ sở dữ liệu này có thể được chia sẻ và phân quyền cho các bên liên quan với mức độ tiếp cận thông tin khác nhau. Hằng năm tiến hành cập nhật bổ sung, thay đổi đề và đáp án đề nếu cần thiết.

2. Mỗi tỉnh lấy một trường ĐH ở vị trí trung tâm làm nơi tổ chức thi. Xây dựng và lắp đặt một phòng máy tính hiện đại và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bảo mật và thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát.

Hằng năm, các điểm tổ chức thi này sẽ tổ chức các đợt thi cho từng trường, từng huyện với thời gian được thông báo trước để các đơn vị này biết và có sự chuẩn bị phù hợp. Như vậy, một năm mỗi điểm thi có thể tổ chức nhiều đợt thi, chứ không nhất thiết là chỉ tổ chức mỗi năm một lần như hiện nay.

Hoặc thậm chí có thể xây dựng các phòng thi này tại văn phòng của phòng GD-ĐT từng quận huyện để giảm thiểu chi phí về đi lại, ăn ở cho thí sinh dự thi.

3. Xây dựng quy trình cụ thể cho hoạt động thi, cơ chế kiểm tra, giám sát, chấm điểm và công bố kết quả thi một cách rõ ràng ngay tại các cơ sở này. Cơ chế phối hợp với các bên liên quan để kiểm tra, giám sát, thanh tra trong mỗi lần thực hiện hoạt động thi, đánh giá kết quả học tập của thí sinh.

Có rất nhiều ví dụ minh chứng cho tính hiệu quả của hình thức tổ chức thi như đã đề cập ở trên như: thi tin học (cấp chứng chỉ), thi bằng lái xe ôtô ở các trung tâm sát hạch hiện nay, thi IOE (Internet Olympiad of English) và kết quả thi này phản ánh khá sát năng lực của người học. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến và xây dựng hình thức thi này đối với thi tốt nghiệp, thi ĐH?

Với cơ cấu đề thi hiện tại, tất cả các môn toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đều có thể thực hiện được theo hình thức này - thi trắc nghiệm. Chỉ cần xây dựng thêm cơ chế đánh giá phù hợp cho môn văn nữa thôi.

Chấm thi THPT quốc gia 2019: Nhanh nhưng không vội

TTO - Với số lượng bài thi tự luận lớn nhất cả nước, mỗi giám khảo chấm tự luận ở Hà Nội sẽ phải hoàn thành chấm thi 60 bài/ngày. Thứ trưởng GD-ĐT lưu ý 'không đặt mục tiêu chấm nhanh, mà đặt mục tiêu chấm chắc và đúng quy chế'.

TRẦN NAM THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên