Các diễn viên đóng phim Gái già lắm chiêu của Nam Cito và Bảo Nhân phải ký hợp đồng cam kết về đạo đức, pháp luật - Ảnh: ĐPCC
Tôi không tán thành suy nghĩ nên dừng chiếu phim. Làm phim là một quá trình nhiều bên tham gia và đầy rủi ro. Các đoàn phim làm đúng luật khi họ mời một người cộng tác mà người đó chưa xảy ra vấn đề gì. Nhà làm phim, nhà đầu tư và toàn bộ êkip không thể gánh rủi ro quá lớn khi một người trong đoàn bất ngờ gặp vấn đề gì đó. Có những vấn đề lại chỉ xảy ra sau khi phim đã quay và sắp phát hành.
Đạo diễn Phan Đăng Di nói với Tuổi Trẻ
Cư dân mạng Việt Nam từng thảo luận về chủ đề liên quan đến "phong sát" nghệ sĩ trước các biện pháp mạnh của các nền giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc như cấm sóng, hủy phim, cắt hợp đồng quảng cáo... đối với nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Tuy nhiên, đây là lần đầu ý kiến tương tự được đưa ra trước Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 23-10.
Tránh việc nghệ sĩ nổi tiếng hơn... sau xìcăngđan
Chiều 24-10, trả lời Tuổi Trẻ về quan điểm đang gây dư luận của mình, bà Lê Thu Hà - ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - nói rằng dự thảo Luật điện ảnh đang đề cập tới rất nhiều chủ thể khác nhau như nhà sản xuất, nhà đầu tư, hội đồng thẩm định nhưng có một chủ thể rất quan trọng tham gia vào một bộ phim là các diễn viên thì chưa được đề cập trong dự luật này.
Quan sát thấy Trung Quốc vừa làm chiến dịch "phong sát" với các nghệ sĩ vi phạm pháp luật hay có lối sống "lệch chuẩn" nhận được sự ủng hộ của công chúng, bà Hà đề nghị ban soạn thảo dự Luật điện ảnh cân nhắc đưa vào những điều khoản như dừng chiếu, rút phép đối với những phim có nghệ sĩ tham gia mà họ có lối sống lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, phát ngôn ảnh hưởng tới an ninh chính trị... Bởi dự thảo luật thì phải tính tới tất cả chủ thể có liên quan.
Theo bà Thu Hà, bản thân một nghệ sĩ khi tham gia một tác phẩm thì phải có trách nhiệm với cộng đồng giữ gìn hình ảnh của mình để tác phẩm nghệ thuật có giá trị về lâu dài...
Ở nước ngoài, nghệ sĩ có thể tiêu tan sự nghiệp vì một xìcăngđan và họ có nền công nghiệp giải trí và công nghiệp sáng tạo phát triển, nhưng ở ta thì sau xìcăngđan nghệ sĩ có khi chẳng mất gì, thậm chí có thể nổi tiếng hơn.
"Muốn có dự thảo luật tồn tại được lâu dài và giúp làm trong sạch nền điện ảnh Việt Nam thì mình phải tính đến đưa vào những quy định như vậy" - bà Hà nói.
Bà cũng khẳng định đây chỉ là quan điểm cá nhân của bà với vai trò một đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo tiếp thu, đưa vào thế nào thì bà sẽ tiếp tục có ý kiến.
Mất khán giả đã là mất mát lớn
Trên một diễn đàn về giới giải trí, khá đông cư dân mạng ủng hộ đề xuất này. Có người còn bình luận nên áp dụng với cả gameshow, chương trình truyền hình. Họ cho rằng biện pháp này sẽ răn đe những nghệ sĩ phát ngôn coi thường khán giả, có bê bối đời tư, hành xử không đẹp...
Thế nhưng, từ góc nhìn của giới làm phim, đề xuất trên của đại biểu Quốc hội thiếu hợp lý khi bắt cả tập thể phải chịu trách nhiệm cho vấn đề riêng của một cá nhân. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho rằng biện pháp này là "quá nặng".
Anh ước lượng phim điện ảnh Việt Nam thường có kinh phí khoảng 20 tỉ đồng. Nếu dừng chiếu phim, thiệt hại cho bên làm phim còn lớn hơn vì các chi phí quảng bá, phát hành.
"Khi nghệ sĩ tham gia phim, có các điều khoản yêu cầu họ bảo vệ tên tuổi, nếu không sẽ phải bồi thường. Nhưng nghệ sĩ rất khó có khả năng bồi thường con số rất lớn ấy cho nhà đầu tư" - Vũ Ngọc Phượng nói.
Theo anh, nếu nghệ sĩ gặp vấn đề, họ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ gặp bê bối đời tư đã bị tước đi nhiều hợp đồng quảng cáo, bị khán giả quay lưng, họ ít có cơ hội được mời đóng phim tiếp, những bộ phim đã quay cũng có nguy cơ không được đón nhận.
Đồng tình với Vũ Ngọc Phượng, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nam Cito cũng cho rằng "nếu đã vi phạm và bị xử lý thì người nghệ sĩ đã phải chịu mất mát lớn nhất, đó là mất đi khán giả".
Không đưa vào Luật điện ảnh
Về quan điểm của đại biểu Lê Thu Hà, ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Điện ảnh - với tư cách đại diện cơ quan soạn thảo Luật điện ảnh cho biết phải nghiên cứu thận trọng.
Trong trường hợp tiếp thu ý kiến này thì cũng chỉ có thể xem xét đưa vào nghị định hướng dẫn thực thi luật chứ không đưa vào luật. Thậm chí đưa vào nghị định cũng không cần thiết bởi Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ đang được Bộ VH-TT&DL soạn thảo cũng đã có nhắc tới điều này.
Ông Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - cũng cho rằng muốn đưa một quy định nào vào luật cần phải đánh giá tác động xã hội cả tác dụng và tác hại, có tương thích với hiến pháp, có vi phạm quyền con người không, có tương thích với các điều luật liên quan hay không và phải đặt vào bối cảnh văn hóa Việt Nam chứ không phải chỉ dựa trên cảm tính.
Theo ông, xử lý với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức, xã hội thì đã có các luật khác điều chỉnh và cộng thêm áp lực tẩy chay từ dư luận xã hội cũng đủ điều chỉnh hành vi của nghệ sĩ, không cần đưa thêm vào Luật điện ảnh.
T.ĐIỂU
Thăm dò ý kiến
Tại Quốc hội, đại biểu Lê Thu Hà - ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại - cho rằng nên có những quy định về dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh mà có các nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức an ninh chính trị hoặc phát ngôn. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận