Đầu bếp Carl hất cả cái bánh vào mặt chuyên gia ẩm thực trong phim Chef.
Đầu bếp Adam Jones đối diện những mặt trái áp lực của nghề khi đã sở hữu hai sao Michelin trong phim Burnt.
Khi Michelin vào điện ảnh, sự đa nghĩa và đa diện của "những ngôi sao lấp lánh" càng được thể hiện rõ nét.
Trên màn ảnh, có nhiều câu chuyện về những nhân vật nhận được sao Michelin hay tìm cách tranh giành được nó, hoặc sa ngã sau khi tận hưởng hào quang rực rỡ trong ngành ẩm thực.
Michelin có phải là tất cả?
Trong phim Chef (năm 2014), bộ phim hài lãng mạn của Jon Favreau, nhân vật chính là Carl Casper (Jon Favreau thủ vai), bếp trưởng một nhà hàng nổi tiếng ở Los Angeles. Với niềm đam mê ẩm thực mãnh liệt, ông dành hết tâm trí cho sự nghiệp, đánh đổi cả hạnh phúc gia đình.
Không chỉ vậy, mối quan hệ của Carl với ông chủ nhà hàng khó tính Riva (diễn viên gạo cội Dustin Hoffman) cũng không suôn sẻ. Anh luôn bị yêu cầu nấu những món ăn quen thuộc, không cần cải tiến và đổi mới.
Chính lúc này, ngôi sao Michelin xuất hiện, đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy lòng tin và niềm đam mê nấu ăn của Carl.
Việc được mời đến nấu ăn tại nhà hàng nổi tiếng và nhận được sao Michelin khiến Carl trở nên tự tin với con đường mình chọn.
Tuy nhiên, song hành cùng ánh hào quang là áp lực trách nhiệm luôn đè nặng. Anh phải cố gắng duy trì danh tiếng nhà hàng trước những vị khách khó tính.
Quan sát cách mà Carl nấu ăn, cách mà anh dành cả tình yêu của đời mình cho ẩm thực, ta có thể thấy được sự khắc nghiệt của ngành nghề này. Những góc máy phô diễn hết sự tỉ mỉ, tận tâm của Carl cho sản phẩm của mình.
Anh kỳ công đun chảy đường thành caramel, cho vào lò nướng thành miếng, rồi lại đập ra, rây mịn rắc lên bánh của mình chỉ vì muốn nó lấp lánh như thủy tinh.
Carl dám hất cả cái bánh souffle vào mặt người phê bình ẩm thực nổi tiếng và quát: "Anh có biết làm không, anh có biết tôi vất vả như thế nào để làm được nó không, hay anh chỉ ngồi đấy ăn và chê bai người khác".
Sự nổi giận của Carl cho thấy những vất vả mà người đầu bếp phải trải qua để tạo nên tác phẩm nghệ thuật là những món ăn ngon. Và áp lực để đạt được sự công nhận cho những nỗ lực là sao Michelin cũng như việc phải gìn giữ ánh hào quang đó vô cùng gian truân.
Hay trong bộ phim Burnt (năm 2015) của đạo diễn John Wells, sao Michelin lại là hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hồi sinh, tham vọng đổi đời của một người đang lạc lối.
Adam Jones (Bradley Cooper thủ vai) là chàng đầu bếp tài năng nhưng bê bối về đời tư và nghiện rượu, loay hoay gây dựng lại sự nghiệp bằng việc mở một nhà hàng mới.
Theo chân Adam, chúng ta chiêm ngưỡng một London đầy thi vị thông qua ẩm thực, từ góc phố nơi người ta ăn vội những món ăn đường phố, đến những nhà hàng sang chảnh và hiện đại.
Sống giữa một thành phố như thế, thật dễ hiểu khi Adam quyết tâm trở lại đây để đạt được ngôi sao Michelin thứ ba.
Tuy nhiên, vinh quang vốn song hành cùng áp lực và mặt trái nghiệt ngã. Adam vốn là trẻ mồ côi, trôi dạt qua nhiều gia đình trước khi làm phụ bếp và xây dựng thành công sự nghiệp.
Sau khi nhận được hai sao Michelin, anh say đắm trong ánh hào quang rồi dần đánh mất bản thân, đắm chìm trong ma túy và những cuộc tình chóng vánh.
Bộ phim đặt ra câu hỏi về mục đích thật sự của danh hiệu sao Michelin. Nó được coi là đỉnh cao nghề nghiệp, vị thế trong ngành ẩm thực, nhưng đồng thời là con dao hai lưỡi, khiến con người lạc lối.
Đỉnh cao hay gông cùm?
Được nhận sao Michelin đồng nghĩa với việc nhà hàng đó được gắn mác "chất lượng cao", có chất lượng dịch vụ và tay nghề đầu bếp xứng đáng với số tiền khách hàng bỏ ra.
Tuy nhiên, hào quang đi kèm với áp lực. Trên thế giới, có một số trường hợp đầu bếp nổi tiếng đã tự tử chỉ vì nỗi lo sợ bị các chuyên gia đánh giá thấp, mất đi sao Michelin.
Năm 2016, vụ tự tử của đầu bếp Pháp Benoit Violier - chủ nhà hàng L'Hotel de Ville in Crissier gần Lausanne, Thụy Sĩ - khiến ai cũng bàng hoàng.
Bản thân Violier là đầu bếp ba sao Michelin, từng được phong là đầu bếp giỏi nhất thế giới và Restaurant de l'Hotel de Ville in Crissier xếp đầu trong danh sách 1.000 nhà hàng ngon nhất thế giới.
Violier tự tử chỉ ít phút trước khi danh sách nhà hàng gắn sao Michelin mới nhất được công bố.
Có ý kiến cho rằng chính áp lực của ngành đầu bếp ở trình độ cao cấp đã khiến Violier tự tử.
Trước đó vào năm 2003, một đầu bếp hàng đầu thế giới khác là Bernard Loiseau cũng tự tử vì lo sợ mất một sao Michelin.
Suy cho cùng, Michelin vẫn là ước mơ chung của giới đầu bếp, bất chấp những tranh cãi.
Tuy nhiên, nó nên được coi là phần thưởng của nỗ lực, đam mê thay vì là gánh nặng, là đích đến mà con người ta phải chạy theo bằng mọi giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận