Nhìn lại năm mùa giải, những ai yêu mến sân chơi này hẳn không tránh khỏi âu lo...
Phóng to |
Gala chung kết tối 11-8 đã khép lại một mùa Sao Mai - điểm hẹn không mấy ấn tượng với nhiều khán giả - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Ðược xem là chương trình tiên phong phá vỡ các chuẩn mực thi hát truyền thống vốn đã quá cũ mòn, ngay từ mùa đầu tiên 2004, SM-ÐH lập tức thu hút sự chú ý của khán giả cả nước. Các thí sinh của mùa thi năm ấy đến nay đã giành được những vị thế nhất định, gặt hái nhiều thành công và vẫn được công chúng nhắc tên với nhiều ưu ái. Nhưng càng về sau, sự "đuối" của SM-ÐH đã không chỉ còn là dấu hiệu...
Không công bố toàn bộ danh sách thành viên hội đồng nghệ thuật (trên mười người), tiến đến không công bố số tin nhắn bình chọn, không xử lý rốt ráo những khiếu nại quanh lỗi tổng đài (gửi tin nhắn bình chọn nhưng tổng đài báo lỗi), ban tổ chức SM-ÐH đã dần đánh mất niềm tin khán giả dành cho chương trình. Những lời hứa, những kế hoạch phát triển sự nghiệp cho thí sinh sau giải thưởng lần lượt rơi vào khoảng không.
Tìm đỏ mắt trên thị trường người ta cũng chẳng thấy bóng dáng của các album được thực hiện cho thí sinh thắng giải SM-ÐH - điều mà rất nhiều thí sinh kỳ vọng để kéo dài tên tuổi và hiệu ứng sau cuộc thi. Năm 2012, ban tổ chức cho biết sẽ thực hiện MV (music video - clip nhạc) cho thí sinh chiến thắng dưới dạng... VCD thay vì DVD như hầu hết đồng nghiệp - đối thủ của họ đang làm trên thị trường băng đĩa, Internet. Dự án phối hợp, chuyển giao thí sinh SM-ÐH cho các công ty giải trí tiếp tục đào tạo, hỗ trợ cũng biến mất.
Sẽ phải đổi mới NSƯT Lê Huyền Thanh - trưởng ban tổ chức - cho biết bà cảm thấy hài lòng vì khán giả Huế không quay lưng với SM-ĐH. Bà Thanh tin tưởng các ca sĩ bước ra từ SM-ĐH sẽ đứng vững trên thị trường âm nhạc nhưng phải cần thời gian tiếp tục “mài giũa”. Riêng công tác tổ chức, bà thẳng thắn nhận xét: “Chương trình SM-ĐH tiếp theo sẽ phải đổi mới, nếu không sẽ không đứng vững được!”. |
Từ Thần tượng âm nhạc đến Giọng hát Việt (The Voice), các đối thủ của SM-ÐH đều có kế hoạch phát triển cho thí sinh. Sau khi đăng quang, êkip Uyên Linh đã giúp cô đứng vững ở vị trí ngôi sao. Chỉ mới bước qua vòng Giấu mặt, các thí sinh The Voice đã có người quản lý. Những điều ấy, SM-ÐH đã từng tính toán và hoàn toàn có thể làm được. Có quá khó không việc mời những tên tuổi đương thời của nhạc Việt giữ vai trò quan trọng nhất trong việc yểm trợ thí sinh thay vì một chuyên gia Thái Lan (cứ cho là tài năng) không thật sự am hiểu về thị trường VN? Công khai số lượng tin nhắn (có kiểm toán) của từng thí sinh, qua từng đêm thi đối với VTV có là bất khả? Chắc chắn là không. Trên hết, thay vì "tư vấn", "định hướng" cho thí sinh phải hát cái gì, hãy để thí sinh được là chính họ, thể hiện bản thân họ nhằm chinh phục công chúng hơn là để thi thố trước hội đồng nghệ thuật.
Dù có thừa nhận hay không, bản chất SM-ÐH vẫn là một sân chơi tích hợp - học hỏi những điểm hay nhất từ nhiều chương trình khác, cả trong và ngoài nước. Thế thì một lần học hỏi nữa để tìm lại khán giả tưởng cũng chẳng mất gì của ban tổ chức. Quan trọng hơn hết, VTV có thật sự muốn cách tân hay cương quyết giữ truyền thống và chấp nhận tồn tại trong phạm vi nhỏ hẹp của mình. Câu hỏi này xin gửi lại cho ban tổ chức ở những năm sau.
Không khuấy nổi không khí trầm lắng của Huế Đó là nhận xét của một nhạc sĩ Huế (xin giấu tên) về chương trình SM-ĐH 2012 diễn ra tại Huế từ ngày 9-6 đến 11-8. Đây là lần đầu tiên một sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp và quy mô những tưởng chỉ diễn ra tại những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM hay chí ít cũng ở Cần Thơ, Đà Nẵng..., năm nay được “kéo” về Huế trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ năm 2012 do Huế đăng cai. Q.N., một nhạc sĩ Huế, nhận xét: “Bản thân tôi cũng cố gắng xem để theo dõi những phong cách mình thích ngay từ đầu, nhưng các bạn trẻ diễn phần lớn chưa đủ độ chín, mà hội đồng nghệ thuật “tâng lên quá”, thấy cũng gượng gạo. Cho nên chỉ rảnh mới xem”. Còn bà Ngô Thị Hiền (cán bộ Bưu điện Thừa Thiên - Huế, người luôn có mặt tại các chương trình nghệ thuật diễn ra ở Huế) cho biết từng rất hào hứng khi chờ đón ngay từ chương trình đầu tiên của SM-ĐH. Đêm đầu cả gia đình bà Hiền và nhiều người bạn đến Trung tâm thi đấu thể thao với một sự kỳ vọng được trực tiếp xem những “sao mai” biểu diễn. Nhưng cả những tiết mục của ca sĩ lẫn nhận xét của hội đồng nghệ thuật đều “ồm ồm” vì âm thanh quá kém... Sau tiết mục thứ hai, cả gia đình đã cùng bỏ về để xem truyền hình nhưng âm thanh cũng chẳng khá hơn. Cũng hào hứng rồi thất vọng, Trịnh Thị Minh Diệu - sinh viên năm 2 Trường CĐ Công nghiệp Huế, người hiếm hoi xem đủ mười đêm gala SM-ĐH - cho biết chỉ sau tiết mục mở màn của đêm gala, nửa nhóm bạn của cô đã bỏ về vì khán phòng vừa quá nóng vừa quá ồn. Minh Nga, một khán giả yêu thích nhạc nhẹ, nhận xét SM-ĐH ngày càng đi xuống so với những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc khác đối với khán giả xem truyền hình. Rất may SM-ĐH vẫn có một lượng khá giả Huế đến sân khấu bởi các chương trình giải trí của Huế tương đối hiếm. Nhiều ý kiến cho rằng các tiết mục của SM-ĐH chưa thật sự thành hấp lực trước thói quen ngủ sớm của người Huế (chương trình kéo dài từ 20g đến sau 22g), khiến MC nhiều lần phải chào mời chờ đón nhiều tiết mục hấp dẫn tiếp theo trước tình trạng bỏ về của khán giả từ sau 21g. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận