11/06/2015 09:30 GMT+7

​Sao lấy tiền dân để bồi thường oan sai ?

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Vấn đề được trao đổi giữa hai đại biểu Hoàng Bình Quân (trưởng Ban Đối ngoại trung ương) và trung tướng Trần Văn Độ (nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương, nguyên phó chánh án TAND tối cao).

Ông Nguyễn Thanh Chấn - người bị kết án tù chung thân oan sẽ được nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng
Ông Nguyễn Thanh Chấn - người bị kết án tù chung thân oan về tội giết người sẽ được nhận bồi thường 7,2 tỷ đồng

Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận tổ ngày 10-6 về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

* Ông Hoàng Bình Quân: Sau sự kiện TAND tối cao thỏa thuận bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn số tiền 7,2 tỉ đồng lấy từ ngân sách, dư luận người ta quan tâm cái này lắm. Có ý kiến nói là tại sao dân chúng tôi phải còng lưng đóng thuế để bồi thường oan? Đề nghị anh Độ có thể giải thích sâu về việc này?

- Trung tướng Trần Văn Độ: Tôi xin báo cáo là Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, công chức, thẩm phán...

Người thực hiện công vụ, người tiến hành các hoạt động tố tụng thì có đúng có sai. Nhưng khi sai thì nguyên tắc đầu tiên cần tuân thủ là Nhà nước phải bồi thường kịp thời, thỏa đáng cho người bị oan, người bị thiệt hại.

Nếu chúng ta quy định người nào làm sai người ấy phải bồi thường thì thứ nhất phải thấy rằng có những thiệt hại rất lớn, ví dụ vụ ông Chấn thì phải bồi thường 7,2 tỉ đồng (tôi không bình luận con số này đã thỏa đáng với ông Chấn chưa), nếu quy định người làm sai phải bồi thường thì xin hỏi là đến bao giờ ông Chấn nhận được tiền?

Thứ hai là cán bộ, công chức, người tiến hành tố tụng thực hiện trách nhiệm được Nhà nước giao thì họ chịu trách nhiệm trước Nhà nước, chứ không phải là quan hệ trực tiếp và chịu trách nhiệm trực tiếp trước người khác.

Cán bộ, công chức thực thi công vụ, đại diện cho Nhà nước, tòa án nhân danh Nhà nước để xét xử, nếu làm sai (sai có thể do lỗi cố ý, vô ý hoặc bất khả kháng) thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị oan, bị thiệt hại.

Sau đó, những cán bộ, công chức, thẩm phán đó lại phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Nếu lỗi cố ý làm sai thì phải bồi hoàn cho Nhà nước số tiền mà Nhà nước bỏ ra.

* Ông Hoàng Bình Quân: Vậy thì kinh nghiệm thế giới họ quy định thế nào?

- Trung tướng Trần Văn Độ: Thế giới người ta đều vậy cả. Công chức làm sai thì nhà nước phải bồi thường cho dân. Còn lại, trong hoạt động tố tụng thì nhiều nước không đặt ra trách nhiệm bồi thường.

Ở Mỹ, thậm chí tử hình oan cũng không có bồi thường. Trong 20 năm qua ở Mỹ có 21 án tử hình oan nhưng người ta không đặt vấn đề bồi thường trong hoạt động tố tụng.

* Ông Hoàng Bình Quân: Tôi đọc báo thấy có nhiều ý kiến đồng ý là Nhà nước phải đứng ra bồi thường cho ông Chấn để đảm bảo sự công bằng, trách nhiệm với công dân. Nhưng người ta đặt ra vấn đề là với những người làm sai, như anh nói là có nhiều lý sự để sai, nhưng nếu sai cố ý, sai do vô trách nhiệm thì phải bồi thường như thế nào? 

- Trung tướng Trần Văn Độ: Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định rất rõ ràng. Còn trong thực tiễn mình tổ chức thực hiện được như thế nào lại là chuyện khác. Ở nước nào cũng vậy thôi, trong quản lý nhà nước có những rủi ro phải chịu, đâu chỉ trong lĩnh vực tố tụng.

Đó là vấn đề trong quản lý nhà nước, nhà nước phải nhìn nhận lại mình để tổ chức lại công việc, sử dụng con người và công tác cán bộ như thế nào để không xảy ra những trường hợp như vậy. Trách nhiệm này thuộc về nhà nước.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên