10/04/2015 11:39 GMT+7

​Sao lại nhập ấn phẩm “rác”?

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Trong khi nhiều bậc phụ huynh chưa kịp tìm hiểu thể loại truyện ngôn tình là gì thì tiếng kêu từ các cơ quan truyền thông về những biến tướng theo kiểu truyện sex trá hình đang làm dấy lên nhiều lo ngại.

Bạn đọc trẻ giao lưu với tác giả Diệp Lạc Vô Tâm tại TP.HCM ngày 5-4 - Ảnh: Tiến Long

Truyện ngôn tình xuất hiện ở Trung Quốc đầu tiên theo kiểu sáng tác trên mạng, chủ yếu do những người trẻ viết cho những người trẻ đọc. Rồi sự thu hút của công chúng đã khiến ngôn tình bước từ đời sống mạng ra thị trường sách in. Tất nhiên ngôn tình cũng có loại biến tướng, thậm chí có loại còn được định danh là “rác ngôn tình”.

Và khi ngôn tình du nhập vào VN, câu chuyện không bắt đầu từ người trẻ viết cho người trẻ đọc, mà là người trẻ làm sách cho những người trẻ khác mua về đọc. Không phải ngẫu nhiên, các đầu sách ngôn tình trên thị trường VN hầu hết đều do các công ty sách tìm kiếm, mua bản quyền, dịch và liên kết xuất bản.

Đội ngũ làm sách này hầu hết trong độ tuổi 20-30, đủ năng động để nắm bắt thị hiếu đọc của công chúng trẻ và đủ nhanh nhạy để theo dõi tình hình sáng tác của các tác giả ngôn tình nguyên tác Trung Quốc.

Nhưng tại sao những người trẻ làm sách hôm nay lại chọn mua những ấn phẩm “rác” để phổ biến cho giới trẻ VN?

Trong lịch sử, VN ta không thiếu những người trẻ tham gia làm sách. Khoảng năm 1956, nhà thơ Chế Lan Viên từ Trung Quốc gửi thư về cho bạn là Nguyễn Xuân Sanh.

Trong thư ông nhắc chuyện “Hồi đó là Sanh đứng ra xem in Điêu tàn, và lo cả việc đòi nợ...”. Nếu nhớ rằng Điêu tàn được in từ năm 1937, và Chế Lan Viên với Nguyễn Xuân Sanh là đôi bạn cùng tuổi (sinh năm 1920) thì vào lúc in tập thơ Điêu tàn, cả hai chỉ mới 17 tuổi. Ở độ tuổi “teen” như vậy, hai nhà thơ tham gia công việc xuất bản chủ yếu muốn đem tiếng nói, cảm xúc, tâm tư của mình đến với bạn đọc đồng trang lứa. Một tên tuổi khác là Vũ Đình Long, người đã mở nhà sách Tân Dân từ năm 29 tuổi để rồi sau đó trở thành Nhà xuất bản Tân Dân danh tiếng, quy tụ “cả một nửa làng văn nghệ miền Bắc”.

Sống trong thời thực dân, nhưng ý thức xuất bản của hai nhà thơ tuổi 17 và ông chủ xuất bản, kịch tác gia tuổi 29 kể trên đều thật đáng quý: đã nỗ lực vì một nền văn nghệ lành mạnh, xuất bản lành mạnh và nhiều thập niên sau người đời vẫn còn ghi nhớ.

Vừa rồi, cả nước tổng kết mười năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của nền xuất bản, xem “sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong khi đó, làng sách lại xuất hiện hàng loạt ấn phẩm “rác ngôn tình” được cấp phép in chính thức như vậy thì liệu có “đậm đà bản sắc dân tộc”?

Có lẽ, những người trẻ làm xuất bản theo kiểu bất chấp để chạy theo lợi nhuận nên nhìn lại chính mình, để xác định xem chúng ta đang làm ra sản phẩm văn hóa thế nào cho con em chúng ta, cho bạn bè và cho lịch sử.

Còn nhớ khi chứng kiến sự trở lại của dòng tiểu thuyết “tình chị duyên em” hồi những năm 1980, ông chủ nhà sách Khai Trí - Nguyễn Hùng Trương - đã nói đại ý: nếu tôi còn làm sách, chẳng bao giờ tôi làm những sách như vậy. Kể ra ông Khai Trí có cái may mắn khi ra đi trước “cơn bão” ngôn tình như hiện nay, nếu không, hẳn một người cả đời chỉ có một mối bận tâm là làm sách như ông sẽ buồn nhiều lắm.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên