Và bây giờ đến chỏm rừng cuối cùng thuộc vườn quốc gia Cát Tiên cũng dính vào “cơn lũ quét thủy điện”, khiến ai cũng cảm thấy xót xa, đau buốt.
Vậy mà ông Trần Bá Hiệp - giám đốc hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - lại cho rằng: “......” (?!).
Ai cũng biết vùng rừng hiện tồn tại thuộc vườn quốc gia Cát Tiên là một hệ sinh thái đặc biệt quý giá, duy nhất còn lại (mà cũng chẳng phải to rộng gì: chỉ trên 70.000ha) của vùng rừng núi chuyển tiếp từ điểm cuối của dãy Trường Sơn xuống vùng đồng bằng Đông Nam bộ của VN, nên sự đa dạng sinh học cao và hi hữu nhất nước.
Thế giới xếp vườn quốc gia Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển cũng nằm trong ý nghĩa và giá trị lớn lao đó. Thế mà người ta vẫn nghĩ tới việc “tấn công” vào cả khu dự trữ sinh quyển, vốn đã được cam kết với quốc tế về bảo tồn nghiêm ngặt những giá trị sinh thái và thiên nhiên nơi đây. Thế giới sẽ nghĩ gì khi nhìn vào VN, nếu hai dự án thủy điện kia được triển khai mà vườn quốc gia Cát Tiên quý giá là thực thể bị xâm hại trực tiếp?
Khi đứng dưới bóng mát của chỉ một cây me ở TP.HCM, cây phượng tím ở Đà Lạt hay một cây sưa ở thủ đô Hà Nội, ai cũng cảm nhận được sự kỳ diệu của màu xanh cây cối. Cây ở rừng nguyên sinh thì càng mầu nhiệm, cao cả hơn cây xanh đô thị hàng ngàn vạn lần với cuộc sống con người, che chở cho con người.
Không đợi đến mùa mưa bão, lũ lụt về người ta mới nhận ra rừng thiêng vô bờ, thế giới tự nhiên huyền nhiệm, kỳ ảo. Bởi vậy nên người Tây nguyên bản địa luôn thường cúng rừng, biết kiêng nể rừng ngay từ buổi đại ngàn còn mênh mông, hoang dã.
Tiểu thuyết gia người Nga Leonid Leonov từng chỉ ra: “Rừng là nguồn phúc lợi duy nhất để ngỏ cửa cho mọi người. Thiên nhiên phó thác kho báu ấy cho lương tri con người, để con người thực hiện cái trật tự có kế hoạch và công bằng mà bản thân thiên nhiên không thực hiện được...”.
Vâng, xin hãy ứng xử có lương tri và công bằng với rừng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận