05/06/2017 15:37 GMT+7

Sao lại buộc người bị oan phải làm đơn yêu cầu xin lỗi?

Luật gia PHẠM VĂN CHUNG
Luật gia PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Cơ quan tố tụng gây oan sai phải chủ động xin lỗi công khai người bị oan. Điều này là bắt buộc, đúng quy luật, không thể ngồi chờ người bị oan làm đơn, xin xỏ.

Ông Hàn Đức Long đứng trước vành móng ngựa (trái), bị buộc tội giết người, kết án tử hình và sau khi được minh oan (phải), ông Long làm đơn đòi bồi thường 20 tỉ đồng 

Vừa qua, khi Quốc hội thảo luận dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có nhiều ý kiến không đồng tình với quy định chỉ thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai và người bị kết án oan phải có đơn yêu cầu thì cơ quan chức năng mới tổ chức xin lỗi.

Trước hết cần nói qua một chút về “đơn”. Đơn là văn bản, tài liệu để thực hiện một thỉnh cầu, yêu cầu, đòi hỏi về quyền lợi...

Trong trường hợp này, lỗi chỉ thuộc về người thi hành công vụ, do đó việc buộc người bị án oan phải có đơn yêu cầu thì mới tổ chức xin lỗi là vô lý.

Lý do đơn giản là người bị oan, nhất là bị khép vào các tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp của, hiếp dâm trẻ em... và phải chịu đựng những tủi hổ, đau khổ cùng cực. Vì vậy, khi đã xác định họ bị oan mà còn bắt họ viết đơn mới được xin lỗi là bất hợp lý, trái với đạo lý.

Ngoài ra, dự thảo luật cần bổ sung đối tượng phải xin lỗi công khai là người thi hành công vụ trực tiếp gây ra oan sai. Hiện nay, chỉ quy định thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức trực tiếp xin lỗi công khai là chưa đầy đủ, không hợp lý.

Theo nguyên tắc cơ bản, người trực tiếp gây oan sai phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, trực tiếp và chủ yếu trong các vụ việc oan sai.

Do đó, họ phải trực tiếp đứng ra xin lỗi công khai người bị oan, chứ không thể vô can, đứng ngoài cuộc như quy định tại dự thảo luật.

Mặt khác, dù phải đứng ra xin lỗi công khai nhưng thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thường ít liên quan đến vụ việc, thậm chí vô can do “thừa hưởng” trách nhiệm của những người tiền nhiệm để lại.

Do đó, không thể tránh được tâm lý hời hợt, qua loa, hình thức, bởi tâm lý “ai làm nấy chịu” là khá phổ biến.

Vì thế, cần bổ sung quy định những người thi hành công vụ gây oan sai, thiệt hại phải trực tiếp đứng ra xin lỗi công khai và cơ quan chức năng phải chủ động xin lỗi công khai người bị oan sai vào dự thảo luật mà không cần phải chờ khi họ có đơn mới tổ chức xin lỗi.

Như vậy, khi đi vào thực tiễn cuộc sống dự án luật mới thực sự phát huy hiệu quả, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của người bị oan sai.

Không thể xin xỏ

Việc phục hồi danh dự, quyền lợi, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại người bị oan sai là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan và cá nhân người thi hành công vụ trực tiếp gây ra oan sai.

Do đó, phải chủ động xin lỗi công khai người bị oan sai là cần thiết, bắt buộc, đúng quy luật, không thể ngồi chờ người bị oan làm đơn, xin xỏ.

Luật gia PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên