Tôi đề nghị nếu xây dựng cầu vượt ở nút giao thông Hàng Xanh thì nên xây trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, theo tôi, việc xây dựng cầu vượt tại nút giao thông này cũng không làm giảm xung đột do xe tải trọng lớn vẫn phải đi dưới cầu. Các cơ quan chức năng cần làm cầu kiên cố ở vị trí phù hợp để không gây lãng phí.
Ông Vũ Kiến Thiết (giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, TP.HCM) trả lời:
- Theo số liệu đếm xe, hướng giao thông chủ yếu ở nút giao thông Hàng Xanh là Điện Biên Phủ. Sắp tới, khi hoàn thành cầu Sài Gòn 2 và xa lộ Hà Nội, lưu lượng giao thông theo trục đường này sẽ tăng lên. Mặt khác, theo tiêu chí xây dựng công trình cấp bách không giải phóng mặt bằng, các cơ quan chức năng đã chọn phương án xây dựng cầu vượt Hàng Xanh theo đường Điện Biên Phủ mới có đủ mặt bằng.
Nếu xây dựng cầu vượt theo hướng Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai thì chỉ giải quyết hướng xe đi thẳng, còn hướng xe Điện Biên Phủ rẽ trái vào Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai vẫn còn tồn tại, tạo giao cắt với hướng lưu thông chính trên đường Điện Biên Phủ nên không giải quyết được ùn tắc tại nút giao thông này.
Như vậy việc xây dựng cầu vượt theo hướng Điện Biên Phủ là phù hợp. Sau khi hoàn thành công trình, hầu hết các loại xe đi thẳng Điện Biên Phủ sẽ lưu thông trên cầu vượt nên hướng Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai sẽ thông thoáng hơn.
Hiện nay xe lưu thông qua vòng xoay Hàng Xanh chủ yếu là ôtô con, xe máy, xe khách và xe buýt. Với tiêu chí về tài chính đầu tư hợp lý, có thể sử dụng lại được một phần khi cần phải di chuyển cầu vượt bằng thép đến địa điểm khác. Cầu vượt bằng thép được thiết kế xây dựng tại vòng xoay Hàng Xanh có tải trọng đáp ứng cho các loại ôtô con, xe máy và xe buýt lưu thông. Như vậy, cầu vượt này đã giải quyết phần lớn lưu lượng xe qua nút giao thông Hàng Xanh theo hướng Điện Biên Phủ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận