27/12/2024 12:22 GMT+7

Sao không 'làm sạch' dữ liệu nợ thuế?

Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 50 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng trở lên với doanh nghiệp.

Sao không 'làm sạch' dữ liệu nợ thuế? - Ảnh 1.

Người dân và doanh nghiệp quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Mức đề xuất cao gấp 5 lần trước đó được đưa ra sau khi Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ ngành địa phương và của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế, tuy nhiên vừa qua khi cơ quan thuế ráo riết áp dụng, biện pháp này đã nảy sinh hàng loạt vấn đề.

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM kể ông luôn tuân thủ pháp luật về thuế, nhưng bỗng dưng một ngày đẹp trời cơ quan thuế gửi thông báo về nhà cho biết ông còn nợ thuế… 45 đồng.

Nợ thuế thì nộp, nhưng làm sao để đóng được 45 đồng, bởi hệ thống ngân hàng không cho chuyển khoản dưới 1.000 đồng/lần trong khi nộp trực tiếp cũng không được.

Tuy nhiên vì tính chất công việc hay đi công tác nước ngoài, sợ bị tạm hoãn xuất cảnh, vị giám đốc ngân hàng và nhân viên đã vất vả trong suốt 23 ngày mới xử lý được dứt điểm món nợ trên.

Tính ra công sức, thời gian đi lại để hoàn thành nghĩa vụ lớn hơn rất nhiều so với 45 đồng nợ thuế nêu trên.

Trường hợp của vị giám đốc ngân hàng này không phải là cá biệt. Chị H.Đ. (TP.HCM) kể sau khi nghe tin nhiều người bị tạm hoãn xuất cảnh, chị đã "soi" app eTax Mobile và phát hiện bị treo đến 48 khoản nợ từ mua bán đất vài năm trước.

Đáng nói là có khoản chỉ 195 đồng, khoản khác 684 đồng với ghi chú "tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách địa phương", hay "thu từ đất ở nông thôn", "thu từ đất ở đô thị"…

Câu hỏi được đặt ra là hiện nay khi các chính sách đều hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, vì sao không có chính sách "làm sạch" dữ liệu nợ thuế với những khoản nợ nhỏ, chẳng hạn dưới 50.000 đồng như ngành thuế đang miễn đối với tiền sử dụng đất phi nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân?

Như vậy cơ quan thuế cũng được lợi khi giảm đi đáng kể những món nợ nhỏ mà công thu còn lớn hơn rất nhiều so với số thu được. Hơn hết, những cá nhân vô tình rơi vào tình huống này không phải thấp thỏm lo âu.

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 50 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng trở lên với doanh nghiệp là hợp lý.

Nhưng song song đó cần có công cụ để người dân dễ dàng tra cứu việc mình có bị nợ thuế hay không, nợ bao nhiêu và quan trọng hơn hết là số liệu phải chuẩn, rõ ràng và chính xác.

Vừa qua ngành thuế đã triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế tiện lợi trong tra cứu, thế nhưng do ở giai đoạn đầu nên dữ liệu đôi khi chưa chính xác khiến người nộp thuế nhiều phen… choáng váng.

Giải quyết câu chuyện thu nợ thuế cần gắn với việc làm sạch dữ liệu nợ thuế, chuẩn chỉnh thông tin nợ thuế và điều chỉnh ngưỡng nợ buộc phải tạm hoãn xuất cảnh ở mức phù hợp.

Có như vậy khoản "nợ xấu" thuế mới sớm được giải quyết triệt để và người nộp thuế cũng không phải chật vật vì những món nợ nhỏ, trong khi chi phí và công sức để đóng lại không nhỏ.

Sao không 'làm sạch' dữ liệu nợ thuế? - Ảnh 1.Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nợ thuế từ 500 triệu mới bị tạm hoãn xuất cảnh

Bộ Tài chính có đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 5 lần so với mức đề nghị trước đó, với cá nhân là từ 50 triệu đồng, còn đối với doanh nghiệp là từ 500 triệu đồng trở lên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên