Cách đây nhiều năm rồi, báo chí đã lên tiếng về chủ nghĩa lý lịch và những tác hại của nó đối với các em học sinh, sinh viên giỏi chẳng may có cha, ông từng làm công chức hay sĩ quan dưới chế độ Sài Gòn cũ. Đất nước đổi mới đã làm thoáng cái nhìn về lý lịch nhưng những mặc cảm đau thương trong lòng người thì vẫn còn đó. Ngày nay, chủ nghĩa lý lịch không còn nữa nhưng biến thái của nó thì vẫn còn âm ỉ đâu đó trong đầu óc của các quan xã.
Em học sinh ĐVH ở xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa) đi xin chứng hai bản lý lịch để xin vào học một trường trung cấp tại Hà Nội đã bị chủ tịch xã Thiều Quang Huệ chứng: “... Bản thân và gia đình chưa thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật... và các quy định của địa phương”. Sở dĩ em H. “được” chứng như vậy là vì gia đình em chưa có tiền đóng một số khoản phí theo yêu cầu của ủy ban xã!
Em T.T.T ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã học xong, được một đơn vị nhận vào thử việc. Ông phó chủ tịch xã Đỗ Minh Cường chứng vào lí lịch của em: “Gia đình bà T. chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”. Với lời chứng hắc ám như vậy, chắc chắn không cơ quan, đơn vị nào dám nhận em T. vào thử việc nên cha mẹ em T. và bản thân em cùng nhất trí cao là... ở nhà cho được việc!
Tại sao trên có Bộ Nội vụ, giữa có ủy ban tỉnh, dưới có ủy ban huyện mà không ai dạy cho các cán bộ xã cách chứng thực vào lý lịch của công dân trong xã mình để những câu văn hành chánh độc địa như vậy ra đời? Nên nhớ rằng câu văn ấy đi kèm theo con dấu đỏ tượng trưng cho quyền hành pháp nhà nước cấp xã. Hai vị trên cũng biết nói “của dân, do dân, vì dân” mà lời chứng của họ thì trớt huớt, chẳng giống ai.
Bản thân những người trẻ lớn lên trong sáng, chưa làm nên tội lỗi gì mà sao phải chịu những lời phê nặng nề về tư cách chính trị như vậy? Đành rằng anh em cán bộ lãnh đạo xã không được học qua trường lớp hành chánh nhưng tôi tin rằng họ có lòng nhân ái. Điều gì đã khiến các quan xã hằn học khi phán vào lý lịch của họ rằng “chưa chấp hành tốt, chưa thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước và địa phương”? Động cơ nào khiến họ viết ra những câu văn kinh hoàng này?
Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cho huyện Yên Định kiểm điểm chủ tịch xã Thiều Quang Huệ; chưa nghe tỉnh Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh chỉ đạo kiểm điểm phó chủ tịch xã Đỗ Minh Cường. Điều may mắn là trong hai bút phê chứng thực của hai vị này chưa dùng đến cụm từ “chống đối địa phương”. Hóa ra nhân dân... chưa có tiền đóng các khoản thu của hai xã Yên Thịnh và Tịnh Khê cũng còn dễ thở một chút. Tôi cố vấn cho bà con vầy: Hớt bớt... lông mũi thì dễ thở hơn chút nữa đấy.
Ở đây, chúng tôi cũng xin có ý kiến với ngành giáo dục và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khi tuyển sinh. Đáng lẽ ngành phải thống nhất chỉ đạo các trường in ra một mẫu lý lịch sinh viên (học sinh) không cần chứng thực của ủy ban phường xã. Bản thân sinh viên, học sinh khai theo các nội dung ấy và phải chịu trách nhiệm về các lời khai của mình. Kèm với giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông, bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân, bảng điểm tốt nghiệp, nhà trường đã có thể biết rõ sinh viên, học sinh vào học là ai. Mà giả thiết ngay một em 18 tuổi lỡ đã phạm phải một lỗi lầm gì đó nhưng vẫn mong được tiếp tục học hay xin đi làm một công việc kiếm sống thì ta vẫn cần giúp đỡ họ.
Việc buộc sinh viên, học sinh phải ra xã chứng thực lý lịch rồi mới nộp cho nhà trường là tạo thêm điều rắc rối cho người trẻ khi lỡ gặp những quan xã hắc ám. Thủ tục này có cần thiết hay không thì mong ngành và các nhà trường xem lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận