Cả bạn trẻ VN, nước ngoài vô tư ngồi trên cỏ, nơi có biển cấm. Ảnh chụp trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sáng 19-4 - Ảnh: Quang Phương |
Sao không có “bộ lọc”?
Con người là những cá thể dễ hành xử theo tập quán, thói quen song lại cũng mang tính thích nghi nhanh và cao.
Báo chí từng phản ánh nhiều trường hợp “người Việt xấu xí” khi đi ra nước ngoài với thói ăn cắp vặt; “con mắt to hơn cái bụng” khi đi ăn tiệc tự chọn đã cố lấy nhiều thức ăn song lại để thừa mứa; vào thư viện, rạp chiếu phim vẫn trao đổi ồn ào như vỡ chợ...
Những hành vi xấu xí ấy đã được chính quyền các nước sở tại “tuýt còi” bằng nhiều cách: yêu cầu lấy thức ăn vừa đủ, trưng bảng “camera đang hoạt động, ăn cắp vặt là phạm tội”, phạt nặng hành vi khạc nhổ hay xả rác bừa bãi...
Tuy vậy tôi cho rằng cùng là những con người ấy khi sống và làm việc lâu dài họ sẽ khép mình vào văn hóa và luật lệ của nước sở tại bởi như đã nói, con người là những cá thể dễ hành xử theo thói quen, “tập quán” song cũng dễ (hoặc phải buộc) thích nghi với môi trường để tồn tại.
Tại sao các nước tuy rộng cửa với du khách nói chung song vẫn luôn có những “bộ lọc” trong khi VN thì không? Ấy là vì người VN xưa nay vốn cởi mở đến mức dễ dãi đối với người nước ngoài, đặc biệt những người đến từ các quốc gia được “mặc định” là văn minh.
Sự ngưỡng vọng thái quá nền văn minh phương Tây dễ khiến chúng ta thấy họ luôn đúng trong mọi ứng xử. Rõ hơn, đó là biểu hiện của sự “cởi mở” quá đà, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa kém chọn lọc.
Khi dẫn dắt bạn đọc tham gia câu chuyện này, Tuổi Trẻ đã đặt vấn đề rằng phải chăng đến VN với tư cách là công dân của một quốc gia văn minh, tiến bộ, những sinh viên nước ngoài đã coi thường người VN và văn hóa VN nên không cần phải “khách sáo” hay giữ thể diện; hay họ đang trải nghiệm văn hóa nhập gia tùy tục của người Việt.
Tôi cho rằng thực trạng không đẹp trên vì tất cả những lý lẽ vừa phân tích. Và giải pháp cho bài toán này nằm ở thái độ và sự chọn lựa trong cách ứng xử của xã hội chúng ta.
Tôn trọng qua lại
Tôi không cho rằng sinh viên các nước tiên tiến đến VN là để trải nghiệm mà họ tỏ ra coi thường người Việt và văn hóa Việt. Một trong lý do để sự “tùy tiện lên ngôi” chính là giáo viên không nghiêm khắc với các trường hợp này.
Quy định đối với sinh viên là giống nhau, không phân biệt người nước ngoài hay trong nước. Vì thế, sinh hoạt, học tập, phong cách của mọi sinh viên phải tuân thủ tuyệt đối quy định ở nước sở tại.
Chính tâm lý duy tình, nhượng bộ cho sinh viên nước ngoài mà dẫn đến việc họ càng được nước lấn tới. Nếu như mỗi lần vi phạm đều được nhắc nhở, thậm chí xử lý nghiêm sẽ không xuất hiện những lần sau.
Tất nhiên, chúng ta cần tôn trọng sự tự do trong ngôn luận, tự do trong tư duy phản biện nhưng cũng phải làm cho sinh viên nước ngoài hiểu và thực hiện theo phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Tôn sư trọng đạo”, cách ăn mặc được quy định trên giảng đường.
Ngoài ra, một trong những lý do mà sinh viên nước ngoài tùy tiện chính là sự lỏng lẻo trong mối quan hệ. Ở đây, tôi không có hàm ý nói đến nhân vật trong bài viết, mà nói chung là quan hệ giữa giáo viên và sinh viên ở nước ta còn nhiều khoảng trống.
Đối với một số giáo viên, họ chưa thật sự là điểm tựa tinh thần tin cậy của sinh viên cả về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến trách nhiệm của người học. Họ muốn tìm hiểu, muốn trải nghiệm thì họ phải thích ứng, thâm nhập nhưng không có nghĩa là tùy tiện, vô nguyên tắc.
Chúng ta cũng cần lên án những thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt như xả rác bừa bãi, tùy tiện vô nguyên tắc trong sinh hoạt học tập, vứt rác, khạc nhổ... Và phải bằng những hành động đó để nhắc nhở, giáo dục cho chính các sinh viên nước ngoài làm sao trở thành những người thật văn hóa khi sống trong cộng đồng Việt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận