07/11/2013 10:08 GMT+7

Sao không bảo vệ hàng triệu dân?

VÕ VĂN THÀNH (ghi)
VÕ VĂN THÀNH (ghi)

TTO - Sáng nay 7-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

M9earrvc.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Thị Nga trao đổi với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị bên hành lang Quốc hội - Ảnh: V.V.Thành

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã có bài phát biểu đáng chú ý, tập trung vào thực trạng vi phạm pháp luật môi trường ở nước ta hiện nay. Tuổi trẻ Online giới thiệu một số nội dung chính của bài phát biểu này.

Gác cổng đã bị vô hiệu hóa

“Các vụ xả thải Vedan, Sonadezi (Đồng Nai), Tungkuang (Hải Dương), Hào Dương (TP.HCM), Nicotex (Thanh Hóa), một số công trình thủy điện vừa và nhỏ gây động đất kích thích, vỡ đập, xả lũ, làm biến đổi dòng chảy, tàn phá rừng miền trung, Tây nguyên... chỉ là vài minh chứng của thực trạng rất đáng lo ngại”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, Luật bảo vệ môi trường đã không được chấp hành nghiêm, trước hết ở người thực thi công vụ. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là cái barie quan trọng đầu tiên để bảo vệ môi trường mà các dự án phải vượt qua. Nhưng thực trạng có nhiều bản ĐTM chất lượng kém, đối phó, không đáp ứng được các yêu cầu của quy định pháp luật, thậm chí còn được copy, cắt dán cho nhiều dự án khác nhau, chỉ thay đổi địa danh mà có khi còn lộ ra bởi không thay hết.

"Đơn cử thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị báo Tuổi Trẻ phát hiện, dự kiến được xây dựng trên sông Đồng Nai thì lại ghi là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam… Nhưng các báo cáo gian dối, chất lượng kém đó vẫn được phê duyệt và thực hiện”, bà Nga nêu rõ.

Bà Nga cho rằng, sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư, nhất là các dự án thủy điện đã không thực hiện đúng và đủ những cam kết trong ĐTM về đảm bảo an toàn hồ đập, xử lý sự cố môi trường, trồng rừng thay thế. Việc chỉ trồng bù được 3,7 % số rừng bị mất cũng đồng nghĩa với việc thủy điện đã phá 96,3% môi trường rừng còn lại.

Đáng lưu ý, Nhà nước chưa hề quy trách nhiệm của người lập, người thẩm định, người phê duyệt - người kiểm tra, giám sát thực hiện các cam kết trong ĐTM khi xảy ra tình trạng trên. Có thể nói việc buông lỏng quản lý và không quy trách nhiệm chính là nguyên nhân làm vô hiệu hóa trên thực tế quy định về ĐTM trong luật - một quy định mang ý nghĩa gác cổng để bảo vệ môi trường.

Một nguyên nhân khác dẫn đến thực trạng môi trường như hiện nay, theo bà Nga là việc xử lý hành chính nương nhẹ, không nghiêm. Dù vi phạm liên tục, kéo dài nhưng xử lý không nghiêm, liên tiếp xử phạt hành chính bằng tiền mà không áp dụng chế tài nặng hơn như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Đơn cử vụ Nicotex, từ 2008 đến nay có tới 10 đoàn đến làm việc. Kết quả phạt tiền nhẹ, nhắc nhở, chấn chỉnh. Khi vụ việc đẩy lên đến đỉnh điểm, gần đây nhất mới phạt hơn 400 triệu đồng. Đặc biệt có một đoàn của Cục bảo vệ thực vật Bộ NN-PTNT về thanh tra năm 2010 nhưng “kết thúc thanh tra không có tài liệu phản ánh về kết quả xử lý”.

Tháng 4-2012, Chi cục bảo vệ thực vật Thanh Hóa kiểm tra, đánh giá về Điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở đã kết luận cơ sở đạt loại A. Hay như vụ Hào Dương, xả thải vi phạm từ năm 2007 đến nay, xử phạt hành chính 9 lần, cao nhất 340 triệu đồng; vụ Vedan Phạt hơn 270 triệu đồng, TungKuang hơn 300 triệu đồng, Sonadezi hơn 400 triệu đồng…

Như vậy việc chôn hàng trăm tấn hóa chất độc, việc xả thải trộm, vi phạm nhiều năm, gây thiệt hại vô cùng lớn và lâu dài mà chưa có vụ nào xử phạt đến 500 triệu đồng, liệu có đủ sức trừng phạt và răn đe?

“Nếu chúng ta chỉ vì bảo vệ vài trăm công nhân, vài ngàn người dân cung cấp nguyên liệu cho nhà máy để không đình chỉ hoạt động thì sao lại không bảo vệ hàng triệu dân sống phụ thuộc vào các lưu vực sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Đổ lỗi do pháp luật là bao biện

Bà Nga phân tích các vụ gây ô nhiễm vừa qua đã để lại hậu quả nghiêm trọng, khắc phục rất khó khăn và đều được thực hiện do cố ý, có tổ chức chặt chẽ, với thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu, đối phó. Đó thường là xây dựng hệ thống xả thải ngầm, thiết kế thêm hệ thống xả bí mật, vận hành vào ban đêm... Nicotex còn chôn kèm rất nhiều muối và vôi bột để các phuy hóa chất nhanh chóng han rỉ xả ra môi trường.

Chắc chắn, một cá nhân không thể làm được việc này. Đây là những vụ phạm tội có tổ chức, trong đó có người chủ mưu, người tổ chức, người thực hành, người giúp sức, và vì lợi ích của cả doanh nghiệp. Những dấu hiệu khách quan này minh chứng rõ ràng lãnh đạo doanh nghiệp không thể vô can.

Đối với luật pháp hình sự, đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội, có hậu quả nghiêm trọng, lỗi cố ý. Vấn đề còn lại - cá thể hóa trách nhiệm hình sự là việc không quá khó khăn đối với các cơ quan tố tụng.

Theo luật pháp hiện hành thì việc xử phạt hành chính pháp nhân không loại trừ và thay thế cho trách nhiệm hình sự của các cá nhân trong pháp nhân đó. Nếu đổ lỗi do pháp luật không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nên không thể xử nghiêm được thì đó là bao biện!

Bà Nga nhấn mạnh: “Như vậy, cả hành chính và hình sự đều có thể xử lý nghiêm được, vấn đề là chúng ta có xử lý hay không mà thôi”!

Từ các phân tích nêu trên, bà Nga đề nghị Quốc hội, Chính phủ thay đổi cách đánh giá khi có sự cố xảy ra, thay vì quy lỗi cho thể chế, cho luật thì hãy tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, nhất là Luật bảo vệ môi trường. Quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiêm quản lý nhà nước.

Trước hết hãy bắt tay làm ngay đối với các vụ mà ĐBQH và cử tri đang bức xúc hiện nay. “Từ thực tế người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự bảo vệ, tự thu thập chứng cứ, theo đuổi các vụ kiện, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ trì phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân, tổ chức luật sư, luật gia xây dựng một Cơ chế hữu hiệu hỗ trợ người dân cả về pháp lý lẫn khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Nhất thiết không để người dân rơi vào tình trạng không được bảo vệ tốt và hành động tự phát”, bà Nga nói.

Có sự thiếu trách nhiệm, dung túng, bao che?

“Những vụ lớn bị phanh phui vừa qua không thể nói là không dính dáng đến quan chức quản lý kể cả trung ương và địa phương; của cán bộ môi trường, cán bộ thanh tra, kiểm tra đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Thậm chí có cả dấu hiệu vì vụ lợi “bảo kê” dưới các mức độ: hoặc là làm ngơ, hoặc bao che, hoặc tiếp tay cho vi phạm; không giải quyết thỏa đáng khiếu nại, tố cáo của người dân, trong đó có vụ đã tố cáo hàng chục năm.

Ngay cả khi đã được công luận lên tiếng thì có một số vụ, quá trình xử lý của chúng ta cũng đã làm cho người dân phản ứng, nghi ngờ về tính công minh, thậm chí nghi ngờ cả việc cơ quan chức năng bao che, biện minh cho vi phạm, cho tẩu tán tang vật. Nicotex, Hào Dương là hai vụ gần đây nhất đang được đại biểu Quốc hội, công luận nghi vấn nhiều cần sớm được Chính phủ trả lời”.

VÕ VĂN THÀNH (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên