Đó là công thức mà những sao Hàn như rapper Lee Young Ji đã sử dụng cho chương trình của cô Not much prepared, ra mắt trên YouTube và nhanh chóng thu hút người xem trên mạng xã hội.
Sao Hàn vừa uống rượu vừa tâm tình
Theo Koreatimes, Not much prepared ra mắt trên nền tảng YouTube vào tháng 6 năm ngoái, cho đến nay đã thu hút được hơn 2,84 triệu người đăng ký.
Mỗi tập, một vị khách được mời đến nhà Lee để trò chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của họ. Những câu chuyện riêng tư, thân mật được kể khi họ cùng nhau thưởng thức món ăn và uống rượu.
Nhiều ngôi sao K-pop nổi tiếng như Jisoo của nhóm nhạc nữ BLACKPINK, Jin của BTS, Key của SHINee, Nayeon và Chaeyoung của TWICE… tham gia chương trình.
Từ sự thành công này, các nội dung tương tự khác trên YouTube bắt đầu xuất hiện với định dạng tương tự. Cụ thể như Suchwita (viết tắt của từ tiếng Hàn Thời gian uống rượu với Suga) của BTS Suga và Đêm thứ năm của Jo Hyun Ah.
Suchwita bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái, có sự góp mặt của nhiều ngôi sao K-pop. Họ trò chuyện thẳng thắn với người dẫn chương trình trong một bữa tiệc có đồ uống. Tập đầu tiên, có sự tham gia của RM, đã thu hút hơn 7,4 triệu người xem.
Một người xem YouTube 25 tuổi họ Son cho biết những chương trình trò chuyện và uống rượu này là cơ hội để khán giả có để nhìn thấy những ngôi sao trong cuộc sống đời thường.
"Nhiều khách mời là những ngôi sao hàng đầu. Chương trình gần gũi với cuộc sống hơn bởi nó có cảm giác người nổi tiếng chỉ đang trò chuyện thân mật tại một quán bar…”, cô nói.
Ca sĩ Jo Hyun Ah của nhóm nhạc Urban Zakapa và BamBam của nhóm nhạc K-pop Got7 cũng bắt đầu chương trình trò chuyện mời khách đi uống nước của riêng họ.
Jo Hyun Ah's Thursday Night của ca sĩ Jo Hyun Ah thu hút được hơn 308.000 người đăng ký kể từ khi ra mắt vào ngày 4-1. Chương trình mời những người nổi tiếng đi uống nước, trò chuyện và hát một số bài hát.
Còn BamBam đã mời các ngôi sao K-pop như Jihyo của TWICE và Jeon Somi đến nhà anh ấy để thưởng thức bia thủ công trong chương trình trò chuyện Bam House.
Nỗi lo ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik cho rằng các chương trình thực tế trên YouTube sử dụng rượu để làm khác đi so với các chương trình truyền hình thực tế khác.
"Các chương trình truyền hình có những quy định chặt chẽ hơn về cảnh có uống rượu. Vì vậy, để tạo sự khác biệt, những người làm nội dung số sử dụng những cảnh không có trên các chương trình truyền hình thông thường. Đó là lý do có nhiều chương trình trên YouTube có rượu hơn" - ông nói.
Ông cho rằng việc kể về cuộc sống cá nhân của các ngôi sao trong không khí rất thoải mái khiến những chương trình trở nên hấp dẫn.
Tuy nhiên, sự gia tăng của các chương trình liên quan đến uống rượu cũng làm dấy lên mối lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ vị thành niên vì giới hạn độ tuổi đối với nội dung dựa trên YouTube lỏng lẻo và dễ lách hơn.
"Các đài truyền hình luôn kiểm soát nội dung thích hợp liên quan đến những gì có hại cho trẻ vị thành niên. Nhưng với các nền tảng như YouTube, trẻ em có thể dễ dàng truy cập nội dung được chia sẻ", ông Kim cho biết.
"Đặc biệt, nhiều ngôi sao K-pop có ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Khi họ tham gia các chương trình trò chuyện về uống rượu sẽ tạo nên sự lo ngại người trẻ bắt chước hành động ấy".
"Nó cũng đặt ra câu hỏi liệu rượu có phải là phương tiện không thể tránh khỏi để kết nối và xây dựng mối quan hệ với người khác hay không. Bạn có thể nói chuyện trong trạng thái tỉnh táo, tại sao bạn cần dựa vào rượu để làm điều đó. Tôi cảm thấy đây có thể là một tác động tiêu cực đến văn hóa”, ông Kim nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận