03/03/2024 09:10 GMT+7

Sao cứ đi đến đâu xả rác đến đó?

Rác tràn ngập sau lễ hội, rác nổi lềnh bềnh trên kênh, rác chất thành đống ở góc đường, hè phố và bây giờ xả rác trên đường cao tốc… Vậy làm cách nào để thay đổi thói quen xấu xí này?

Rác xả đầy hai bên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đoạn Km 219), huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Rác xả đầy hai bên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đoạn Km 219), huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Bạn đọc Tuổi Trẻ cùng góp ý kiến về việc này.

Rác: "kẻ thù" số 1

Rác lềnh bềnh trên kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Rác lềnh bềnh trên kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Có một thực tế: khi ra nước ngoài, người Việt không dám xả rác bừa bãi. Có thể do sợ bị phạt hoặc vì thấy sạch quá nên không dám... xả rác.

Khi tôi hỏi ý kiến 36 du khách (trong đó có 8 khách nước ngoài) về những ấn tượng xấu trong các tour du lịch tại Việt Nam thì rác bị điểm mặt trong top 3.

Có 19 khách Việt và 8 khách nước ngoài xem rác là "kẻ thù" số 1. Rác từ đường làng, quốc lộ đến cao tốc; từ quán ăn, nhà hàng, các điểm dừng chân chụp ảnh cảnh đẹp và cả những vùng còn hoang dã.

Vào nhà là biết chủ, ứng xử với rác thể hiện sự văn minh. Việc xả rác bừa bãi khiến du khách nước ngoài cảm nhận không tốt về người Việt. Tại các homestay do công ty du lịch cộng đồng tư vấn, khi khách xả rác, mấy em bé trong nhà ra lượm và bỏ vào giỏ rác. Khách thấy vậy, mắc cỡ, hết dám xả rác. Trước khi rời điểm đến, tôi luôn yêu cầu các thành viên dọn vệ sinh vì muốn "chỗ nào mình tới, nơi đó phải sạch đẹp hơn".

Nhớ lần đưa khách đi câu cá Phú Quốc, có em nhỏ vứt vỏ chai nước suối xuống biển, một thầy giáo trong đoàn liền nhảy xuống bơi và nhặt lên bỏ vào thùng. Cậu bé xin lỗi thầy và phụ huynh có thêm bài học.

Các công ty du lịch phải liên đới trách nhiệm nếu để khách xả rác (vỏ chai nước, vỏ khăn lạnh...), chủ quán ăn và người buôn bán vỉa hè cũng vậy. Sau các sự kiện lớn, ban tổ chức chỉ cần mời mọi người vài phút chung tay làm vệ sinh, kết quả sẽ không ngờ. Đoạn tuyệt hành vi xả rác bừa bãi là nhiệm vụ cấp bách, không thể chần chừ.

NGUYỄN VĂN MỸ (Lửa Việt Tours)

Không xả rác: Ba mẹ làm được, con cũng làm được

Rác bên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đầu năm 2024 - Ảnh: LÊ TRUNG

Rác bên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đầu năm 2024 - Ảnh: LÊ TRUNG

Hồi còn nhỏ, có lần hai anh em tôi ăn kẹo rồi bỏ giấy gói kẹo ra đường. Mẹ tôi cúi xuống nhặt và nhét vỏ kẹo của đứa nào vào túi quần đứa đó. Rồi mẹ dặn khi nào gặp thùng rác thì lấy ra bỏ, dọc đường không có thì về bỏ vào thùng rác ở nhà.

Hành động của mẹ in sâu trong tâm trí, anh em tôi từ đó không còn xả rác. Cặp đi học và túi quần thì thường xuyên có rác mang về nhà bỏ. Ra đường thấy ai tiện tay xả rác bừa bãi tự dưng lòng cũng thấy khó chịu.

Những đứa trẻ thường có xu hướng làm theo ba mẹ mình, ba mẹ làm được thì con cũng làm được.

NGÔ MỸ KHÁNH (sinh viên)

Trông người để ngẫm về ta

Phố ẩm thực không cọng rác ở Singapore - Ảnh chụp màn hình: New York Times

Phố ẩm thực không cọng rác ở Singapore - Ảnh chụp màn hình: New York Times

Tại sao Singapore có thể trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp? Có thể thấy tính nghiêm khắc của pháp luật Singapore trong việc yêu cầu mọi người phải chấp hành những quy định nơi công cộng.

Pháp luật Singapore còn có những quy định chặt chẽ về việc bảo vệ môi trường, vì đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược tại quốc đảo này.

Đạo luật sức khỏe cộng đồng về môi trường quy định chi tiết những vấn đề về sức khỏe dân cư như môi trường công cộng, quy trình thu gom và xử lý rác thải, tiếng ồn... và hình phạt rất nặng từ tiền đến tù. Chẳng hạn, mức phạt cho việc xả rác nơi công cộng tương đương 5,2 triệu đồng. Việc nhả chewing-gum xuống đất có thể bị phạt tới 26 triệu đồng.

Đã sống ở Paris (Pháp) nhiều tháng, tôi thấy cũng có những đường phố cho bày bàn cà phê ra hè phố, chủ nhà xin phép bày ra. Ở đó chỉ có một dãy bàn ghế cà phê bày thêm cho khách ngồi ngắm đường phố, tuyệt đối không có chuyện pha chế, nấu nướng trên đường phố. Ở Ý, Monaco, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc cũng vậy.

Việc xả rác trên đường phố ở Pháp sẽ bị phạt 135 euro, tương đương 3,5 triệu đồng, nếu nộp phạt trong kỳ hạn 45 ngày. Vượt quá kỳ hạn này, mức phạt sẽ tăng lên gần 10 triệu đồng. Trong trường hợp cố tình không nộp phạt sẽ bị đưa ra tòa với mức phạt từ 19,5 triệu đến gần 40 triệu đồng.

Nhìn người để ngẫm tới ta. Ý thức công dân giữ gìn đường phố sạch đẹp luôn phải kèm theo hình thức xử phạt, giáo dục cưỡng bức cao. Người thực thi pháp luật phải nghiêm khắc, từng bước hình thành ý thức thượng tôn pháp luật. Trước mắt nên đặt thêm nhiều thùng rác và có thể lắp camera để giám sát, phạt nguội như người vi phạm giao thông.

NGUYỄN TRƯỜNG GIA MINH (giảng viên Đại học HUFLIT)

Lắp camera, xả rác bừa bãi đã giảm

Rác khắp nơi trong khu dân cư - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Rác khắp nơi trong khu dân cư - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Năm 2023, những "điểm nóng" về xả rác ở phường được lắp 12 camera giám sát. Nếu có hình ảnh người đổ bậy rác thải, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống nhắc nhở.

Nếu người bị nhắc nhở tiếp tục xả rác thì sẽ xử phạt hành chính theo quy định. Đã có 6 trường hợp bị phạt vì xả rác bừa bãi với mức phạt là 750.000 đồng.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng vứt, thải rác bừa bãi cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Chúng tôi tổ chức giao ban thường xuyên với đại diện khu dân cư trong phường về việc đổ rác đúng chỗ, tăng cường xử phạt, đăng tải trên trang thông tin, loa truyền thanh, tránh việc phát sinh vi phạm mới.

Ông TRẦN PHAN MỸ (phó chủ tịch UBND P.Thượng Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội)

Cần xử phạt nghiêm hành vi xả rác

Việc xả rác trên cao tốc chủ yếu xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Đang chạy xe trên đường, con cái uống hết ly nước, hộp sữa liền tay vứt ngay ra ngoài cửa xe. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi các địa phương và cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp quản lý nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xả rác bừa bãi kiểu này.

Có thể là cắm bảng có nội dung "Cấm xả rác" hoặc có biện pháp nghiêm hơn như xử phạt về hành vi xả rác. Chúng tôi có lực lượng quét dọn, thu gom rác thải dọc theo tuyến cao tốc về miền Tây (cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ) nên lượng rác hai bên tuyến này cũng không nhiều.

Nhưng một người dọn lại có bao người xả. Rất mong người đi xe trên tuyến cao tốc cần nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi nhằm bảo vệ cảnh quan đồng thời đảm bảo an toàn giao thông.

Ông NGUYỄN VĂN THÀNH (giám đốc Khu quản lý đường bộ IV, Cục Đường bộ)

Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực kể từ ngày 25-8-2022) quy định: phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt. Vứt, thải, bỏ mẩu tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị xử phạt từ 100.000 - 150.000 đồng.

Rác ngập tràn hai bên cao tốc Dầu Giây đến Vĩnh HảoRác ngập tràn hai bên cao tốc Dầu Giây đến Vĩnh Hảo

Sau dịp Tết Nguyên đán, rác ngập tràn hai bên tuyến cao tốc từ Dầu Giây đến Vĩnh Hảo. Chai nhựa, bao bì, khẩu trang, túi ni lông, đồ hộp đầy bên đường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên