02/06/2019 09:31 GMT+7

Sao cứ chờ heo bệnh rồi tiêu hủy?

CHÍ TUỆ - NGỌC AN
CHÍ TUỆ - NGỌC AN

TTO - Chủ trương mua, giết mổ và cấp đông thịt heo được xem là giải pháp cần thiết để dự trữ nguồn cung thịt heo trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi (ASF) ngày càng lan rộng, số lượng heo chết và bệnh bị tiêu hủy lên đến hàng triệu con.

Sao cứ chờ heo bệnh rồi tiêu hủy? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai phun thuốc tiêu độc khử trùng các phương tiện qua lại - Ảnh: A LỘC

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định việc có chính sách hỗ trợ cho hoạt động thu mua heo sạch để giết mổ, cấp đông sẽ hiệu quả gấp nhiều lần so với việc hỗ trợ cho nông dân có heo bị tiêu hủy do dịch ASF cả về mặt chống dịch lẫn kinh tế, chưa kể hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường nếu chôn lấp heo bị dịch bệnh. 

Tuy nhiên, phương án triển khai cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong cấp đông thịt heo vẫn chưa rõ ràng khiến các địa phương, doanh nghiệp chưa thể triển khai.

Doanh nghiệp "ngóng" chính sách

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết cả nước đã tiêu hủy hơn 2 triệu con heo và còn 26 triệu con. 

Đặc biệt, dịch bệnh có thể lây lan ra 63 tỉnh thành trong thời gian tới. Bởi vậy, việc mua để giết mổ, cấp đông dự trữ thịt heo là một trong những giải pháp không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn hỗ trợ tích cực cho chống dịch.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tham gia thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heo. 

Ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) - cho biết đã chủ động cấp đông hết công suất để hỗ trợ người chăn nuôi thời gian qua. 

Tuy nhiên, chi phí trữ đông, vận chuyển cao làm giá thành cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường.

"Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất để giải phóng hàng tồn kho khi đưa ra thị trường sau này. Nếu không giải phóng được hàng tồn kho, đến thời điểm đó Nhà nước cần cam kết tiêu thụ số lượng thịt này cho doanh nghiệp thông qua các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước" - ông An đề xuất.

Tương tự, đại diện Công ty CP công nghệ thực phẩm Vinh Anh cho biết dù đã cấp đông được 500 tấn thịt heo nhưng các kho của công ty đã quá tải, chưa kể chi phí cho hoạt động này khá cao. 

Doanh nghiệp rất mong Nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi nhanh nhất để hỗ trợ cấp đông thịt heo.

Bà Trần Thị Phương Lan, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cũng cho biết hệ thống kho lạnh trên địa bàn Hà Nội đủ để cấp đông nhưng vì chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ nên đến nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp thực hiện. 

"Cần sớm có chính sách vay ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia chương trình này vay, hỗ trợ kinh phí kiểm dịch trước khi cấp đông" - bà Lan nói.

Chậm cấp đông, thiệt hại lớn

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, khác với đợt "giải cứu" ngành chăn nuôi heo trong năm 2017, với tình hình dịch ASF đang lan rộng hiện nay, nguy cơ thiếu thịt heo để sử dụng trong thời gian tới là rất lớn, dự báo nguồn cung khan hiếm và giá sẽ tăng trong 2 tháng nữa, đặc biệt là cuối năm. 

Do đó, để triển khai hoạt động thu mua và trữ đông thịt heo, vừa góp phần ngăn chặn thiệt hại do tác động của dịch ASF vừa đảm bảo nguồn cung thịt trong thời gian tới, Nhà nước cần phải có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thu mua, giết mổ, cấp đông.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng trong bối cảnh dịch ASF đang diễn ra tại 48 tỉnh thành, có thể lây lan đến hết các địa phương và đến các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, cấp đông là một trong những giải pháp cấp bách và có hiệu quả nhất. 

"Mua heo sạch, cấp đông để những tháng sau, khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại thị trường, chưa kể còn góp phần giảm đi ngân sách hỗ trợ tiêu hủy heo mắc dịch tả, giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, cần triển khai càng sớm càng tốt" - ông Tiến nói, đồng thời cho biết Bộ NN&PTNT đã lên phương án hỗ trợ về đội ngũ, kinh phí kiểm dịch cho các doanh nghiệp

Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết sẽ có đề xuất tới các cấp có thẩm quyền để ban hành những chính sách khuyến khích những doanh nghiệp thu mua thịt heo để cấp đông, đồng thời tuyên truyền khuyến khích người dân thay đổi thói quen không chỉ ăn thịt "nóng" mà có thể chuyển sang sử dụng thực phẩm chế biến. 

"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là mặt hàng thịt heo và nhu cầu của thị trường để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường" - ông Hải cho biết.

Sẽ trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ cấp đông thịt heo

Theo Bộ Công thương, sau cuộc họp ngày 30-5, cơ quan này sẽ tổng hợp các nội dung đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp.

Trong đó, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng để có phương án đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt heo (chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông...).

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên các gói vốn có lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia việc cấp đông dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay, tiếp cận vốn vay.

Ông Vũ Trọng Nghĩa (giám đốc Công ty TNHH Biển Đông DHS, Nam Định):

Chỉ cần hỗ trợ 10.000 đồng/kg heo hơi

Càng sớm đưa vào giết mổ heo sạch và trữ đông thì càng có lợi về nhiều mặt. Đó là có nguồn thịt sạch dự trữ cho những tháng cuối năm hoặc đầu năm tới sẽ thiếu thịt vì dịch bệnh, giảm được tác động đến môi trường do việc chôn lấp heo...

Thực tế thời gian qua một số địa phương không đủ nhân lực để tiêu hủy đúng quy định lượng heo bệnh, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Chưa kể, việc quản lý công tác tiêu hủy như hiện nay rất dễ phát sinh tiêu cực do sự kê khai không đúng.

Chúng tôi đã đầu tư nhà máy hiện đại với kho chứa lên đến hàng trăm ngàn con heo. Chỉ cần Chính phủ và các bộ ngành có chính sách hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng tham gia việc thu mua, giết mổ và trữ đông thịt heo.

Doanh nghiệp sẽ mua heo từ các trang trại chăn nuôi với giá thị trường hiện nay là 38.000-40.000 đồng/kg, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ 10.000 đồng/kg heo hơi cho chi phí giết mổ, cấp đông và trữ đông tới khi tiêu thụ hết.

Tr.Mạnh

Thiếu đất chôn lấp heo bệnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ về phản ứng của người dân xung quanh việc chôn lấp heo bị dịch bệnh không đúng quy cách, quá gần khu dân cư tại phường An Bình (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), ông Lê Trung Hoàng - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Cần Thơ - cho biết đây chỉ là điểm chôn lấp tạm thời 4 con heo bệnh của hộ dân để chờ kết quả giám định, không phải là điểm chôn lấp heo dịch bệnh về lâu dài.

chon lap heo chet 2(read-only)

Nhiều người dân tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ phản ứng do heo chết được chôn gần khu dân cư trong khi chính quyền địa phương kêu thiếu đất để chôn heo bị dịch - Ảnh: T.Lũy

Trước đó, chiều 31-5, đoàn giám sát gồm nhiều đơn vị chức năng của quận Ninh Kiều và TP Cần Thơ đã đến đây tìm hiểu, sau khi nhận được phản ảnh của người dân.

Ghi nhận tại đây chưa phát sinh mùi hôi, độ sâu và xử lý hố chôn vẫn đúng quy định.

"Tuy vậy, vị trí chôn có hơi gần khu dân cư (cách khoảng 100m), quận Ninh Kiều đang tìm điểm chôn lấp khác đảm bảo hơn" - ông Hoàng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, khó khăn hiện nay là địa phương không có đất trống để dùng cho việc chôn lấp heo bệnh, heo chết trong khi tình hình dịch ASF đang xảy ra tại nhiều nơi trong TP.

Nếu phải hỏi ý kiến người dân trước khi chôn lấp thì không kịp xử lý dịch bệnh trong 24 giờ theo quy định.

"Sau phản ảnh của người dân, quận đã tổ chức khảo sát các địa điểm khác, xin chủ trương TP để giải quyết chôn lấp theo quy định" - ông Hải nói.

T.LŨY - T.HẠNH - C.CÔNG

CHÍ TUỆ - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên