Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng nội dung "Vì sao không cố định lịch nghỉ Tết Nguyên đán?", nhiều bạn đọc tiếp tục có ý kiến phản hồi.
Nhiều thắc mắc về lịch nghỉ Tết
Bạn đọc tên Thiên "đề nghị cơ quan chức năng xem xét, cho người lao động nghỉ Tết dài ngày hơn nữa để người dân không phải vội vã, tranh thủ ngày nghỉ đầu tiên và cuối cùng, dồn về quê, trở lại nơi làm việc cùng lúc. Việc này gây ùn tắc giao thông và căng thẳng trong mua vé xe cộ, máy bay".
Tài khoản Vanm thì cho rằng nên sửa luật, Tết được nghỉ 11 ngày (trước Tết 6 ngày, đến sáng mùng 6 đi làm). Nếu mùng 6 rơi vào thứ bảy, chủ nhật thì mùng 7 hay mùng 8 đi làm.
Độc giả tên 5 Mì Lát thắc mắc luật đã quy định nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày thì nghỉ 5 ngày chứ căn cứ các điều kiện kinh tế - xã hội rồi sửa được không?
Nếu điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn thì thêm ngày nghỉ được không?
Từ trước đến nay người lao động nói chung cũng chỉ được nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày, còn 2 - 4 ngày kia là hiển nhiên được nghỉ do rơi vào cuối tuần.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hà Tất Thắng, cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết bộ chỉ đề xuất một phương án nghỉ Tết 9 ngày thay vì nhiều phương án như năm trước vì nhiều lý do.
Thứ nhất, Bộ luật Lao động 2019 quy định 5 ngày nghỉ Tết âm lịch chính thức nhưng hai ngày cuối tuần trước và hai ngày cuối tuần sau đương nhiên được nghỉ nên tổng số ngày nghỉ là 9 ngày.
Thứ hai, đây là phương án được các chuyên gia tính toán kỹ lưỡng, giúp người lao động có thời gian tái tạo sức khỏe, kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Thắng, doanh nghiệp được chủ động ra phương án nghỉ Tết phù hợp thực tế dây chuyền sản xuất, kế hoạch kinh doanh, song khuyến khích áp dụng phương án tốt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
"Phương án nghỉ 9 ngày là thuận lợi nhất", ông nói.
Về ý kiến tại sao phải xin ý kiến của 16 cơ quan, bộ ngành và trình Thủ tướng quyết định, lãnh đạo Cục An toàn lao động cho hay đây là các cơ quan chuyên môn, đưa ra ý kiến đa chiều, dân chủ.
Ví dụ, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam…
Cũng theo ông Thắng, các địa phương có công đoàn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, do vậy các cơ quan này cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo vệ quyền lợi hưởng lương vào ngày nghỉ lễ Tết cho người lao động.
"Người sử dụng lao động nào cũng phải tuân thủ luật, trường hợp người lao động kiện cáo, nơi nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm", ông cho biết.
Về các ý kiến cần tăng ngày nghỉ lễ, lãnh đạo Cục An toàn lao động nêu rõ trừ trường hợp cấp bách thì Chính phủ mới yêu cầu sửa luật, trình Quốc hội họp, thông qua. Bình thường, Bộ luật Lao động có "tuổi thọ" khoảng 10 năm, do vậy cục sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền trong tương lai.
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 nêu người lao động được nghỉ tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ Tết chính thức hưởng nguyên lương gồm: Tết dương lịch (1 ngày), Tết âm lịch (5 ngày), Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch (1 ngày), Ngày Chiến thắng 30-4 (1 ngày), Quốc tế lao động 1-5 (1 ngày) và Quốc khánh 2-9 (2 ngày).
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày Quốc khánh của nước họ.
Thăm dò ý kiến
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản xin ý kiến 16 cơ quan, bộ ngành về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày liên tiếp, trước khi trình Thủ tướng quyết định. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận