Phóng to |
Sau "đạo nhạc", "đạo phần mềm" đến "đạo robot" |
Vụ “đạo nhạc” bài hát tiếng Nhật của một nhạc sĩ trong nước chưa dứt râm ran trong dư luận thì đã nổi lên vụ “cầm nhầm” phần mềm nguồn mở CMS.NET của nước ngoài để dự một cuộc thi mang tầm cả nước...
Mọi người chưa hết ngỡ ngàng nay lại xảy ra việc sao chép công trình robot cũng của nước ngoài để làm đề tài nghiên cứu khoa học... Phải chăng do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng hay xã hội đang đối mặt với sự xuống cấp về đạo đức?
Tham dự bàn tròn là bốn nhà khoa học có uy tín thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Tiến sĩ Nguyễn Văn Tri, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học TPHCM; phó giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe, Công ty KOVA, giải thưởng khoa học Kovalevskaia; kỹ sư Nguyễn Đăng Lương, Phân viện Vật lý TPHCM - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Đạo đức nhường chỗ cho sự tầm thường!
Đối với hoạt động khoa học, tính sáng tạo là yêu cầu cao nhất. Nhưng hiện nay có một thực trạng không vui là nạn “ sao chép” đề tài để làm của riêng. Trước vấn đề này, các nhà khoa học nghĩ gì?
Phóng toTiến sĩ Nguyễn Bách PhúcTiến sĩ Nguyễn Bách Phúc: Hiện tượng “sao chép công trình của người khác làm của mình” trong khoa học và giáo dục, đã được báo chí phát hiện trong thời gian gần đây. Lấy của người khác làm của mình, mà lại muốn giấu không cho ai biết, theo đúng nghĩa tiếng Việt là “ăn cắp”, “ăn trộm”. Đương nhiên “ăn cắp”, “ăn trộm” là thuộc phạm trù đạo đức rồi, khỏi phải bàn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tri: Ngoài vấn đề đạo đức, cần nói thêm, việc sao chép kết quả nghiên cứu khoa học không chỉ có hại cho sự phát triển, tạo sự không công bằng trong xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến tiến độ hội nhập của nước ta với quốc tế, niềm tin của các nhà đầu tư, chuyển giao công nghệ...
Kỹ sư Nguyễn Đăng Lương: Những người làm khoa học như chúng tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Đó là những trường hợp đã bị lật tẩy, nhưng tôi lo rằng còn bao nhiêu cái gọi là khoa học “dỏm” đang ung dung tồn tại trong cuộc sống mà chúng ta chưa phát hiện được. Sự gian dối trong sáng tạo khoa học này không chỉ ảnh hưởng đến những nhà khoa học chân chính mà đáng báo động hơn là sự hổ thẹn cho cả đất nước. Tôi được biết, rất nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ chỉ là trò lắp ghép. Cứ lấy cái nọ cắm vào cái kia, ăn cắp của người khác rồi ghép lại và tự xưng là của mình. Không thể chối cãi là đang có một sự xuống cấp về mặt đạo đức. Đừng đổ lỗi cho nền kinh tế thị trường khi bản thân mỗi người không trọng danh dự.
Phóng toPGS-TS Nguyễn Thị HòePGS-TS Nguyễn Thị Hòe: Tôi và những nhà khoa học trung thực khác cực lực phản đối hành động ăn cắp bản quyền, sao chép đó. Tôi rất tin tưởng vào đội ngũ khoa học Việt Nam, nhưng một vài “con sâu” đã làm hoen ố hình ảnh trong sáng của chúng tôi. Những người thiếu tư cách, đạo đức mới đi chụp giựt như vậy. Danh vọng và bạc tiền đã lấy đi sự trung thực của người làm công tác sáng tạo. Suy cho cùng, những người đó không có sự say mê, cái chất cần thiết nhất của người làm khoa học. Ăn cắp chất xám là tội lớn nhất.
Hội đồng thẩm định phải có kinh nghiệm, tư cách đạo đức và am hiểu thị trường
Hiện tượng sao chép trong sáng tạo khoa học- công nghệ cũng như trong văn học- nghệ thuật xảy ra ngày càng phổ biến, không kiểm soát được. Phải chăng có sự lỏng lẻo trong quản lý?
TS Nguyễn Văn Tri: Công tác quản lý còn nhiều hạn chế do các cơ quan hành chính còn lúng túng, chưa có biện pháp để phát hiện kịp thời hoặc thiếu kiên quyết để cho một số người lợi dụng.
Phóng to Kỹ sư Nguyễn Đăng Lương: Các nhà khoa học “dỏm” lại đánh lừa được các vị giám khảo. Sự qua mặt dễ dàng đó cũng xuất phát từ trình độ hạn chế của những người thẩm định và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Chính việc này còn đẻ ra nhiều sự đáng tiếc khác. Như trường hợp võng xếp Duy Lợi, do ban giám khảo không thẩm định được nên chỉ công nhận sáng tạo khoa học đó mang tầm Việt Nam và không cấp bằng sáng chế. Sau đó, người Nhật lấy sản phẩm của mình đi xin cấp bằng sáng chế và đăng ký bản quyền trên toàn thế giới.
PGS-TS Nguyễn Thị Hòe: Tôi cho rằng trách nhiệm phải được quy ra thật rõ ràng. Đối với người ăn cắp phải kỷ luật, ban giám khảo phải kiểm điểm, xem xét lại. Nếu cứ nước chảy, bèo trôi, nhất định hiện tượng này sẽ tiếp diễn. Điều này sẽ làm hỏng trí tuệ rất nhiều thế hệ. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng “qua mặt”, hội đồng thẩm định khoa học ngoài những nhà khoa học có kinh nghiệm và đủ tư cách đạo đức còn cần phải bổ sung những người am hiểu về thị trường, có tư duy nhạy bén với cái mới và sự thay đổi trong cuộc sống. Việc sáng tạo nên một công trình khoa học như robot leo cầu thang nếu tính toán thì chỉ 68 triệu đồng không thể làm được. Có lẽ do hội đồng khoa học không tính đến mặt thực tế này nên đã bị qua mặt dễ dàng.
Đề tài khoa học cũng nên đấu thầu
Dư luận cho rằng việc xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học còn dễ dãi, “chia phần”, từ đó dẫn đến nhiều đề tài không ứng dụng được vào cuộc sống. Chính Sở KH -CN TPHCM cũng thừa nhận điều này. Làm thế nào để chấn chỉnh tình trạng này?
TS Nguyễn Bách Phúc: Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) ứng dụng vào thực tế không nhiều, theo tôi nghĩ có một nguyên nhân trực tiếp, đơn giản là những người làm NCKH ở ta chỉ làm bằng tay trái. Những việc đơn giản nhất mà làm bằng tay trái còn chẳng ra gì, huống hồ lại là làm NCKH!
Phóng toTiến sĩ Nguyễn Văn TriTiến sĩ Nguyễn Văn Tri: Theo tôi, công tác xét duyệt đề tài NCKH hiện nay đã được các cơ quan quản lý tổ chức thực hiện tốt hơn. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế trong chuyển giao công nghệ và ứng dụng kết quả khoa học vào đời sống. Nhiều kết quả nghiên cứu chỉ để báo cáo mà không đưa vào sản xuất. Để hạn chế được tình trạng trên, cần phải đẩy nhanh việc phát triển thị trường công nghệ, thay đổi cơ chế tài chính dành cho các đề tài nghiên cứu khoa học... Ví dụ như, cho nhóm nghiên cứu vay một số tiền thay vì khoán cho từng công trình cụ thể. Với số tiền được cho vay, nhóm nghiên cứu tự chi tiêu một cách chủ động.
Kỹ sư Nguyễn Đăng Lương: Việc xét duyệt đề tài mà như cách “chia phần cái bánh” là không thể chấp nhận được. Hệ quả nhãn tiền, hàng năm có bao nhiêu đề tài được cấp kinh phí nhưng cuối cùng không đưa vào sử dụng được. Vì vậy cần phải chỉnh đốn cách xét duyệt đề tài, cách cấp kinh phí. Tôi thấy việc này Đà Nẵng làm khá hay. Đề tài khoa học được trình lên, cấp kinh phí, nếu không thành công và không có sự ứng dụng trong thực tế thì phải hoàn trả lại kinh phí. Việc này sẽ kích thích sự sáng tạo, để người làm khoa học có trách nhiệm với kinh phí của Nhà nước.
PSG-TS Nguyễn Thị Hòe: Để không ném tiền qua cửa sổ, tôi thiết nghĩ đề tài khoa hoc cũng nên đấu thầu. Nhưng đó là sự đấu thầu về công nghệ, cách tiến hành và tư cách đạo đức. Sự đấu thầu có cái lợi là hội đồng khoa học sẽ xem xét được đề tài đó có lạc hậu so với thế giới không và kiểm định được sự sáng tạo trong khoa học.
Nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH-CĐ: Bất cập
Cả nước có 230 cơ sở đào tạo ĐH-CĐ với 35.938 giảng viên; song lại rất thiếu cán bộ khoa học có trình độ cao, chỉ có 4.970 tiến sĩ (13,8%). Số cán bộ đầu đàn trong nghiên cứu khoa học (NCKH) rất ít, tổng số cán bộ khoa học có học hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ chiếm 4,11% và lực lượng này đang ở độ tuổi trung bình trên 55! Số cán bộ có trình độ thạc sĩ là 9.543 người (26,5%).
Cơ sở vật chất của các trường ĐH-CĐ có bước tiến khá cơ bản, song chỉ tập trung ở một số trường lớn. Còn không ít trường vẫn sử dụng những trang thiết bị thí nghiệm chủ yếu được đầu tư từ những năm 1960, 1970. Kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của các trường ĐH chiếm khoảng 3%-4% tổng số kinh phí KHCN của cả nước.
Thực trạng đó, trước hết là do trong công tác quản lý hoạt động NCKH chưa có cơ chế phù hợp, chưa làm đúng chức năng quản lý Nhà nước, vẫn tồn tại cơ chế “xin-cho”, thiếu công minh, không khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia NCKH. Đây chính là bức tường cản trở tính năng động và hiệu quả của hoạt động NCKH trong các trường ĐH-CĐ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận