07/11/2024 14:02 GMT+7

Sao bảo cải lương èo uột mà cứ tới mùa thi thố lại lắm vở đến thế?

Sau hơn 10 ngày diễn ra, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 tại thành phố Cần Thơ đã đi được hơn nửa chặng đường. Đến giờ này, câu hỏi vẫn khiến người làm nghề băn khoăn: Làm mới cải lương như thế nào?

Sao bảo cải lương èo uột mà cứ tới mùa thi thố lại lắm vở đến thế? - Ảnh 1.

Vở cải lương Muôn dặm vì chồng của Nhà hát Cải lương Hà Nội được nhiều người khen ngợi - Ảnh: LINH ĐOAN

Hơn 20 vở diễn cải lương của các đơn vị đã được trình làng với người làm nghề và khán giả Cần Thơ.

Có vở diễn rất vắng khán giả, ban tổ chức phải bổ sung lực lượng là bộ đội, học sinh - sinh viên. Tuy nhiên, cũng có suất diễn đông nghẹt người xem, chẳng hạn vở Tây Sơn nữ tướng của Sân khấu Sen Việt, khán phòng không còn chỗ trống.

Đầu tư lớn đi thi cải lương

Qua các vở đã trình làng có thể thấy nhiều đơn vị đã "chịu chơi", đầu tư lớn để mong đem đến sản phẩm "hoành tráng", đáp ứng chất lượng, thị hiếu nghe nhìn không chỉ với ban giám khảo, người làm nghề mà còn thỏa mãn nhu cầu của khán giả.

Nhiều vở diễn người làm nghề dự đoán mức đầu tư có thể lên đến 500-700 triệu đồng, thậm chí là cả tỉ đồng.

Có thể kể ra như vở Chất ngọc - Cầm Thi giang (Nhà hát Tây Đô), Truyền tích Cổ Loa xưa (Công ty TNHH Bảo Sơn), Chân mệnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long), Muôn dặm vì chồng (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Sáng mãi vầng nhật nguyệt (Nhà hát Cao Văn Lầu), Tây Sơn nữ tướng (tức Chói rạng sơn hà, Sân khấu Sen Việt)...

Bên cạnh đó, có những đơn vị ít kinh phí hơn thì tìm kiếm câu chuyện tập trung khai thác nội tâm nhân vật. Vở thường ít nhân vật nên chú trọng đẩy mạnh ca diễn cho diễn viên. Có thể kể ra như Vẫn xanh màu áo lính (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kiên Giang), Đêm giao thừa (Hội Sân khấu TP.HCM)...

Qua những vở đã trình làng, có thể thấy trong thời buổi sàn diễn cải lương ngày càng khó khăn, người làm nghề đã có sự "cựa mình" mong tìm hướng đi mới cho cải lương, chinh phục khán giả hôm nay, đặc biệt là khán giả trẻ.

Ở mỗi vở diễn, các ê kíp dường như đã có sự "trình bày" suy nghĩ của mình về cách làm cải lương trong thời đại mà bộ môn nghệ thuật này đang chịu quá nhiều sự lấn át của các loại hình giải trí thời thượng.

Sao bảo cải lương èo uột mà cứ tới mùa thi thố lại lắm vở đến thế? - Ảnh 3.

Cảnh trong vở Chất ngọc - Cầm Thi giang của Nhà hát Tây Đô - Ảnh: LINH ĐOAN

Chất ngọc - Cầm Thi giang, vở mở màn liên hoan của Nhà hát Tây Đô, được đầu tư sáng đẹp, lần đầu tiên khắc họa Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, người được xem là hậu tổ của cải lương và đào tạo ra nhiều nghệ sĩ tài danh.

Việc tôn vinh một nhân vật hết sức xứng đáng ngay trên quê hương Cần Thơ là việc làm ý nghĩa của các hậu bối.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực khắc họa mỗi nhân vật trong vở, có vài lớp gây cảm xúc thì vẫn có người cho rằng vở còn những lớp như... ca cảnh, sân khấu hóa và họ mong hình ảnh Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền được làm sâu hơn để lay động cảm xúc của người xem.

Vẫn còn độ chênh

Trong liên hoan này, có thể thấy rõ độ chênh giữa các vở diễn. Trong khi một số đạo diễn đã chú ý làm cải lương sáng đẹp, đưa vào vở nhiều yếu tố nghe nhìn hấp dẫn, hoặc biết cách khai thác hài hòa sự tinh tế, chất trữ tình, tự sự của cải lương thì có những vở vẫn nhạt nhòa, chưa thuyết phục được người xem.

Như Cánh đồng bất khuất (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang), Sóng dậy giữa vương triều (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Nơi bình minh vẫy gọi (Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh); Trước bình minh là vở diễn đề tài cách mạng của Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu với cách dựng, diễn rất cũ; Sau lưng thềm nắng của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp có câu chuyện dàn trải, thiếu điểm nhấn...

Đặc biệt, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai mấy kỳ liên hoan gần đây thường đầu tư làm đề tài hiện đại. Cải lương đang rất thiếu những vở diễn tiếp cận những vấn đề mới của xã hội hôm nay vì rất khó làm.

Tuy nhiên, cách thể hiện của đơn vị này vẫn còn khiến người ta băn khoăn. Vở Ánh nhật nguyệt nói về ngành y có cách dựng, cách diễn không chạm đến cảm xúc người xem.

Những vấn đề gai góc, nỗi niềm của người làm ngành y đa phần chỉ được thể hiện qua lời nói, ít được dựng thành hành động, kịch tính trong từng lớp diễn khiến người xem cảm thấy ngán ngẩm.

Vẫn trăn trở làm mới cải lương - Ảnh 3.

Vở Sáng mãi vầng nhật nguyệt là vở có đầu tư của Nhà hát Cao Văn Lầu. Tuy nhiên, diễn viên chính Như Huỳnh (vai An Tư công chúa) ca chưa đủ hay, diễn thiếu cảm xúc nên làm giảm đi hiệu quả vở diễn ít nhiều - Ảnh: LINH ĐOAN

Mỗi vở diễn đến với liên hoan này thể hiện quan điểm làm cải lương của ê kíp thực hiện. Mọi người dường như cũng đang tự mày mò để cố gắng làm cải lương cho hay theo suy nghĩ của họ, và chưa ai dám khẳng định là mình đúng.

Trường hợp một kịch bản mới hoàn toàn như Chất ngọc - Cầm Thi giang được công chúng quan tâm và bàn luận ít nhiều cũng là điều tốt với những người thực hiện. Cái mới cần được kiểm chứng và hoàn thiện dần theo thời gian. Không làm thì sao tạo được đường đi.

Nếu liên hoan có thêm những cuộc tọa đàm sau mỗi vở diễn để mọi người ngồi lại cùng mổ xẻ, tranh luận thì nhiều vấn đề sẽ được sáng rõ, là kinh nghiệm quý cho người làm nghề, đặc biệt là các đạo diễn, diễn viên trẻ. Chứ cứ đi thi xong rồi ai về nhà nấy thì cũng thật đáng tiếc!

Cứ mỗi độ liên hoan, bên cạnh những đơn vị thường xuyên dàn dựng, biểu diễn cải lương quanh năm thì vẫn có những cái tên rất "lạ". Đó là trường hợp các nhóm nghệ sĩ muốn đi thi và mượn tư cách pháp nhân của đơn vị nào đó để tham dự.

Vì vậy, người ta hay thắc mắc sao bảo cải lương èo uột mà cứ tới mùa thi thố lại lắm vở. Đó cũng là điều cần nhắc để có đánh giá đúng tình hình hoạt động sân khấu cả nước chứ không thể nhìn số lượng vở diễn, đơn vị tham gia để... "lạc quan ảo" rằng cải lương đang khởi sắc.

Một điều cũng đáng buồn là sau khi sáp nhập các đơn vị cải lương vào trung tâm văn hóa thì một số đoàn cải lương tên tuổi mấy chục năm trời ở miền Tây đã biến mất như Đoàn văn công Đồng Tháp, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang...

Một số đơn vị đến từ trung tâm văn hóa trộn lẫn nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp và không chuyên khiến chất lượng vở diễn bị giảm sút.

Vẫn trăn trở làm mới cải lương - Ảnh 6.Nghệ sĩ chi tiền dựng vở dự liên hoan cải lương

Ngày 25-10, Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 sẽ khai mạc tại TP Cần Thơ. Đây là cuộc thi cải lương chuyên nghiệp lớn nhất toàn quốc diễn ra 3 năm/lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên